Rau rừng Bảy Núi-rau sạch trứ danh
Mùa mưa, dưới những tán rừng bạt ngàn ở Bảy Núi, loài thực vật núi phát triển xanh tốt. Đặc biệt, ở núi Cấm (cao trên 716m, thuộc huyện Tịnh Biên), với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu mát mẻ nên rau núi, rau rừng sinh trưởng quanh năm.
|
Chín Mót hái lá ngành ngạnh-một trong những loài rau rừng trứ danh vùng Bảy Núi, tỉnh An Giang. |
Những lão “sơn dân” ví von, núi Cấm hứng mây mù lãng đãng, từng chồi non của loài rau hoang dại chắt lọc được tinh túy đất trời, mang vị ngọt lành và tính dược thanh khiết. Bên những dòng suối chảy róc rách, các loại rau như: kim thất, đọt chảo, bình bát, càng cua, bồ ngót, xà lách xoang, cải trời… mọc xanh mơn mởn.
Anh Nguyễn Văn Sớt, một sơn dân sống lâu năm trên núi Cấm nói rằng, muốn thưởng thức món canh cua núi ngon trứ danh, bà con ở đây chỉ cần men theo dòng suối bắt cua và hái một nắm đọt chảo cho vào nồi là có nồi canh ngọt lừ, không cần phải dùng đường hay bột nêm.
Ngày cuối tuần, được sự chỉ dẫn của anh Mỹ - một “thổ địa” miền sơn cước, chúng tôi rong ruổi khắp núi Cấm tìm những loài rau ngon. Vồ Thiên Tuế là nơi được thiên nhiên ban cho triền núi thoai thoải. Khí hậu ở đây mát rượi và dễ chịu y như xứ Đà Lạt ngàn thông. Dưới những tán rừng xanh biếc là vô số loại rau rừng đua nhau mọc.
Mùa Tết, khách hành hương đến núi Cấm đông như ngày hội, những hàng quán bánh xèo bán đắt “như tôm tươi” nên rất cần một lượng lớn rau núi. “Phải lặn lội vào tận rừng sâu hái rau mới kịp cung ứng. Nhờ rau rừng mà tui có công ăn, chuyện làm quanh năm và thu nhập khá”- Chín Mót khoe.
Chú Lê Văn Mót (Chín Mót, 65 tuổi, ấp Vồ Đầu, xã An Hảo, Tịnh Biên) đang leo thoăn thoắt trên thân cây ngành ngạnh để hái đọt non. Chín Mót cho biết, mỗi ngày leo hàng chục cây cao để hái đọt rau rừng, bán cho du khách và chủ bán bánh khọt, bánh xèo tại núi Cấm.
Chín Mót có khoảng 15 năm trong nghề hái rau rừng. Chín Mót thông tin, ngày trước rừng rú um tùm, rau cỏ mọc đầy chẳng ai thèm ăn. Sau này, có vài ba hàng quán bánh xèo mọc lên, người ta tiện tay hái loài rau dại mọc sau nhà để thay thế nguồn rau sống được trồng ở đồng bằng.
Ấy vậy, mà khi ăn bánh xèo kèm rau rừng có vị chua, chát, ngọt, ngon không thể tả. “Từ đó, cư dân trên núi toàn ăn các loại rau rừng thay thế rau sống trồng dưới đồng bằng. Ăn bánh xèo, cá nướng, cá hấp kèm với các loại rau rừng thiên nhiên đều tuyệt vời”- Chín Món am tường.
Mỗi ngày, Chín Mót hái đến cả chục loại rau, như: ngành ngạnh, chòi mòi, bằng lăng, bứa, cơm nguội, lá lốt, đinh lăng núi, kim thất… để bán. Nhu cầu ăn rau núi của khách hành hương ngày càng nhiều. Muốn mua được loại rau này, các chủ quán bánh xèo phải điện thoại đặt trước để “sơn dân” hái mới đủ bán.
Hái rau rừng-“Nghề tay trái”
Cuộc sống bộn bề, nhiều người dân nơi khác ly hương tìm kiếm việc làm mong sao ổn định. Thế nhưng, phần đông hộ dân trên núi Cấm kiên quyết bám trụ tại địa phương vừa chạy “xe ôm”, vừa hái rau rừng, kiếm thêm thu nhập.
Hôm trải nghiệm cùng anh Võ Văn Nhị (37 tuổi, ngụ ấp Vồ Đầu, xã An Hảo, Tịnh Biên) trên chiếc “xe ôm” tìm rau rừng, được anh chở qua những cung đường uốn lượn, lên xuống với độ sâu thăm thẳm, tôi lén nhìn xuống vực, đột nhiên bị choáng do không quen với địa hình triền núi.
Chạy hơn 2km, đến khu vực điện Bồ Hong, anh Nhị chỉ “ổ” rau kim thất mọc xanh tươi gần con suối chảy róc rách. Cắt từng cọng rau non, anh Nhị nói rằng, ngoài rau kim thất, còn có các loại rau như: cải trời, càng cua, đọt chảo rất dễ tìm. Loài thực vật này thường mọc ở những nơi có mạch nước ngầm ẩm ướt.
“Ngày nào hái nhiều, tui thu hoạch từ 40-50kg rau rừng các loại, bán với giá 20.000 đồng/kg, bỏ sở hụi kiếm được vài trăm ngàn đồng. Còn những ngày Tết, tui hái từ 60-70kg, kiếm tiền triệu”- anh Nhị khoe.
Những “sơn dân” đi hái rau rừng có sức khỏe rất cường tráng, do họ, vượt núi và leo cây hàng ngày. Có những loại cây cần hái lá non để ăn cá nướng hoặc cuốn bánh xèo thì phải leo cao.
“Lá quỷnh, bứa, ngành ngạnh, chòi mòi, bằng lăng, tui leo lên tận ngọn cây mới hái được. Cây càng to, hái lá non càng nhiều. Mỗi cây hái được từ 3-5kg là chuyện bình thường”- anh Nhị cho hay.
Nghề hái rau núi lắm vất vả, gian truân, bởi họ thường đối mặt với nguy hiểm, do leo lên những cây cao vắt vẻo mà không có dây bảo vệ an toàn. Ngoài ra, trong quá trình đi rừng, thi thoảng họ đối mặt với thú dữ hoặc côn trùng, rắn độc.
Ở núi Cấm, nhiều người biết rành thời điểm nào rau rừng phát triển mạnh. Theo kinh nghiệm của Chín Mót, rau rừng mọc quanh năm, nhưng nhiều nhất là vào mùa mưa (từ tháng 6 đến tháng 9 âm lịch).
Nếu năm nào khí hậu thuận lợi thì rau rừng phát triển cho tới Tết Nguyên đán. Nhờ nguồn rau rừng vô tận mà đông đảo người dân có chuyện làm quanh năm. Nhiều năm đi “săn” rau rừng nên Chín Mót và anh Nhị hiểu rất rõ về tính dược của các loại rau rừng trên núi Cấm.
“Rau cải trời đem nấu canh ăn có vị ngọt, trị được bệnh thương hàn và sốt. Còn đọt hồng ngọc, ăn có vị chát nhẹ, trị bách bệnh. Riêng rau kim thất, càng cua, giàu dinh dưỡng chuyên trị chóng mặt, mất máu…”- Chín Mót liệt kê.
Hàng ngày, những quán bánh xèo ở núi Cấm tiêu thụ hàng trăm ký rau rừng các loại. Khu vực chùa Phật Lớn và xung quanh hồ Thủy Liêm, vồ Đầu, vồ Thiên Tuế, điện Bồ Hong… có khoảng 200 quán bánh xèo. Vào các ngày lễ hội, ngày rằm lớn, du khách đến ăn bánh xèo đông đúc, kéo theo nghề hái rau núi “ăn nên làm ra”. Rau rừng ở đây mọc tự nhiên, không sử dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật nên lữ khách không ngần ngại mua về thưởng thức.