“Vua cá tra” Hùng Vương sa cơ lỡ vận vì đâu?

Google News

2016 có lẽ là một năm không mấy thành công của "vua cá tra" Hùng Vương khi báo cáo tài chính của doanh nghiệp này sau kiểm toán bỗng “bốc hơi” hàng nghìn tỷ.

Thông qua chiến lược M&A, Công ty Cổ phần Hùng Vương (HVG) đã xây dựng được một “đế chế” trong các lĩnh vực sản xuất con giống, nuôi trồng, sản xuất thức ăn, chế biến, xuất khẩu thủy sản.
Chuyện làm sổ sách khó tin của “vua cá tra”
Có thể nói, trong gần 10 năm nay, “vua cá tra” Hùng Vương nổi lên như một hiện tượng bởi các hợp đồng M&A đình đám. Từ một doanh nghiệp cỡ trung trong ngành thủy sản (vốn điều lệ ban đầu chỉ 32 tỷ đồng), Hùng Vương nhanh chóng vươn lên vị thế dẫn đầu với gần 10 cuộc thâu tóm các doanh nghiệp chỉ trong 5 năm ngắn ngủi. Đến nay, Hùng Vương có 12 công ty con và hơn chục công ty liên kết hoạt động chính trong các lĩnh vực: sản xuất con giống, nuôi trồng, sản xuất thức ăn, chế biến thủy sản, chế biến phụ phẩm, xuất khẩu... với thị trường xuất khẩu lên tới 60 nước.
Thế nên, không ngạc nhiên khi có thời điểm giá trị cổ phiếu HVG lên tới trên 100.000 đồng/CP.
“Vua ca tra” Hung Vuong sa co lo van vi dau?
 
Thế nhưng, năm 2016 có lẽ là một năm không mấy thành công của HVG khi báo cáo tài chính của doanh nghiệp này sau kiểm toán bỗng “bốc hơi” hàng nghìn tỷ đồng. Gần đây nhất, cổ phiếu của “vua cá tra” Hùng Vương cũng được đưa vào diện cảnh báo. Nguyên nhân được HOSE đưa ra là lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2016 bị âm 49,3 tỷ đồng (niên độ tài chính 1/10/2015 - 30/9/2016).
Giới chuyên gia chứng khoán đánh giá, việc dựa vào M&A để tăng trưởng đang khiến cho HVG khó kiểm soát hoạt động của mình. Trong đó, sốc nhất với nhà đầu tư là việc báo cáo sau kiểm toán công ty lỗ ròng 49,3 tỷ đồng trong khi báo cáo tự lập trước đó lãi 309 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất vì thế cũng chỉ còn 9,7 tỷ đồng - giảm gần 90% so với báo cáo trước kiểm toán và giảm 93% so với năm trước.
Một điều đáng lưu ý, không phải đây là lần đầu HVG có “báo cáo sai” bởi trước đó hồi tháng 6/2016, Hùng Vương công bố báo cáo bán niên soát xét cho giai đoạn 6 tháng từ 1/10/2015 – 31/3/2016 đã bộc lộ nhiều sai sót khó hiểu. Cụ thể, thay đổi lớn nhất trong báo cáo của HVG là phần lợi nhuận trong công ty liên kết, liên doanh, từ mức lãi 28,7 tỷ đồng ghi nhận theo báo cáo tự lập, kiểm toán báo cáo soát xét đã ghi nhận khoản lỗ 29,4 tỷ đồng khiến lợi nhuận của HVG giảm tới 58,1 tỷ đồng. Tương tự, lãi gộp của Hùng Vương cũng được điều chỉnh tăng 44,5 tỷ đồng sau soát xét...
Điều làm cổ đông càng giật mình hơn là báo cáo của riêng công ty mẹ cũng chênh lệch đáng kể sau soát xét khiến kết quả lợi nhuận tăng hơn 10 lần, đạt 94,4 tỷ đồng sau thuế. Nguyên nhân được HVG lý giải là do ghi nhầm doanh thu, giá vốn nghiệp vụ bán hàng phát sinh.
Rõ ràng, một doanh nghiệp lớn, có vốn điều lệ hàng nghìn tỷ đồng như Hùng Vương mà việc lập báo cáo tài chính lại cẩu thả, sai sót đến mức khó tin khiến nhà đầu tư càng thêm thất vọng.
Nhiều vấn đề quanh chuyện “bốc hơi” hơn 2.000 tỷ đồng
Trở lại câu chuyện về khoản doanh thu hơn 2.000 tỷ đồng “bốc hơi” trong báo cáo kiểm toán quý 4/2016, khá nhiều nhà đầu tư và chuyên gia kinh tế đặt câu hỏi về bản giải trình của HVG. Cụ thể, phần doanh thu và giá vốn sau kiểm toán “bốc hơi” gần 2.000 tỷ đồng nhưng không thấy HVG giải trình? Kiểm toán điều chỉnh doanh thu và giá vốn nhưng ở mục hàng tồn kho và phải thu trước và sau kiểm toán đều không biến động một số tương tự vì thông thường, nếu một giao dịch không ghi nhận kỳ này mà ghi nhận kỳ khác thì khi điều chỉnh doanh thu, giá vốn, số điều chỉnh này sẽ phải chạy vào mục phải thu và hàng tồn kho nhưng số liệu này lại không biến động.
Ngoài ra, cũng có nhà đầu tư thắc mắc về phần doanh thu bán quyền sử dụng ao được ghi nhận vào báo cáo tài chính quý 3 ở mục doanh thu khác trong chỉ tiêu doanh thu nhưng lại không thấy HVG ghi giá vốn tương ứng? Đất nông nghiệp thì chắc chỉ có hợp đồng thuê dài hạn thôi, sao bán được? Nếu bán được thì sao không có chi phí hạch toán vào như là giá vốn của doanh thu này?...
Hàng loạt vấn đề đặt ra với HVG, tuy nhiên, điều các cổ đông và nhà đầu tư quan tâm hơn cả là việc doanh nghiệp này giải quyết các khoản nợ như thế nào bởi các khoản phải thu và vay nợ đang thực sự gây khó choa HVG. Cụ thể, tổng vay nợ của HVG hiện tại là hơn 8.700 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là vay ngắn hạn 7.649,8 tỷ đồng và 1.059,9 tỷ đồng vay dài hạn, khiến chi phí tài chính tiếp tục tăng từ 440 tỷ lên 577 tỷ đồng.
BIDV vẫn là chủ nợ hàng đầu của HVG bao gồm cả nội tệ (VND) và ngoại tệ (USD), dưới cả 3 hình thức: vay ngắn hạn, vay dài hạn và nợ trái phiếu.
Cụ thể, tính đến 30.09.2016, HVG đang vay ngắn hạn BIDV là 2.989,9 tỷ đồng và 25.974.880 USD (tương đương 580,3 tỷ đồng). Trong đó, khoản vay ngắn hạn bằng VND có kỳ trả nợ từ 4.10.2016 - 30.8.2017 với lãi suất dao động từ 5 - 7%/năm; Còn khoản vay ngắn hạn bằng USD có kỳ trả nợ từ 14/11/2016 – 20/6/2017 với lãi suất dao động từ 3,8 - 4,2%/năm.
Ngoài ra, HVG còn vay thêm 530,7 tỷ đồng dạng dài hạn và 440,1 tỷ đồng thông qua việc đầu tư trái phiếu của HVG phát hành.
Ngân hàng Viecombank cũng là một chủ nợ nghìn tỷ khác của HVG. Hiện Vietcombank đang cấp tín dụng ngắn hạn cho HVG bao gồm 1.318,1 tỷ đồng và 29.868.611 USD (khoảng 667,2 tỷ đồng).
Hàng loạt các nhà băng khác như: Agribank, Techcombank, VIB, Saigonbank, PGBank, OCB, Indovina, United Overseas, ACB, TPBank... cũng đang tài trợ hành nghìn tỷ đồng cho HVG. Thế nên, việc trả lãi mỗi tháng cho các ngân hàng cũng là vấn đề đau đầu cho “vua cá tra” Hùng Vương.
Tính đến thời điểm hiện tại, cổ phiếu HVG chỉ còn 6.670 đồng/CP, thấp hơn nhiều so với giá trị sổ sách (11.690 đồng/CP) và chưa bằng 1/10 giá trị so với thời hàng kim lên đến hơn 100.000 đồng/CP.
Theo Quốc Hải/Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)