|
Vụ Vinasun kiện Grab: CEO Jerry Lim Hock của Grab Việt Nam ngày 25/10 đã có “tâm thư“ gửi tới Thủ tướng. |
Hai ngày sau khi VKSND TP.HCM đề nghị HĐXX chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, buộc Grab bồi thường cho Vinasun 41,2 tỷ đồng, CEO Jerry Lim Hock của Grab Việt Nam ngày 25/10 đã có “tâm thư“ gửi tới Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ quan ngại với những nội dung và quy định trong Dự thảo Nghị định về Kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô để thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP mà Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa trình lên Chính phủ.
Grab dẫn Điều 3.7 dự thảo này quy định: "Hợp đồng vận tải điện tử chỉ áp dụng đối với xe ô tô có sức chứa từ 09 chỗ (bao gồm cả người lái xe) trở lên"; Điều 3.2 quy định: "Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện các công đoạn của hoạt động vận tải để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi. Trong đó, có công đoạn trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe để vận chuyển hành khách, hàng hóa; quyết định giá cước vận tải".
"Điều đó có nghĩa là xe ô tô có sức chứa từ 9 chỗ trở xuống sẽ không được áp dụng hợp đồng vận tải điện tử, và tất cả các đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối và giao kết hợp đồng điện tử sẽ buộc phải trở thành các đơn vị kinh doanh vận tải", ông Jerry viết.
Ông Jerry Lim cho rằng những quy định này không chỉ đi ngược lại chủ trương và chỉ đạo của Chính phủ về việc ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) và cải cách thủ tục hành chính, mà còn phủ nhận hoàn toàn những lợi ích và kết quả tích cực mà Đề án thí điểm xe hợp đồng ứng dụng hợp đồng điện tử đã mang lại cho người dân, doanh nghiệp và xã hội.
Trên thực tế, Đề án thí điểm và sự thành công của Grab với tư cách là một doanh nghiệp khởi nghiệp đã khuyến khích các đơn vị trong nước tự phát triển và đưa vào triển khai các ứng dụng kết nối và giao kết hợp đồng điện tử. Đến nay, bên cạnh Grab, đã có gần 10 ứng dụng khác của Việt Nam tham gia Đề án thí điểm và nhiều ứng dụng mới ra đời sau này.
Điều này chứng tỏ các doanh nghiệp Việt Nam rất nhanh nhạy, chủ động nghiên cứu tiếp cận và làm chủ các thành tựu khoa học kỹ thuật và không ngại cạnh tranh song phẳng trên thị trường.
Grab cho biết dù là một doanh nghiệp còn non trẻ, nhưng đơn vị này luôn nỗ lực hoàn thành các nghĩa vụ đối với Nhà nước, đặc biệt là nghĩa vụ thuế. Số thuế đóng góp của Grab luôn tăng trưởng gấp 3 lần mỗi năm. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2018, Grab đã đóng góp 270 tỷ đồng và ước tính sẽ đóng hơn 500 tỷ đồng trong cả năm 2018.
Grab cũng phản hồi về những thông tin cho rằng Grab và các ứng dụng kết nối khác đang cạnh tranh không lành mạnh với taxi truyền thống.
"Trên thực tế, khi nhận thấy lợi ích của việc ứng dụng công nghệ trong kinh doanh, rất nhiều doanh nghiệp taxi đã thức thời và hiện đang hợp tác rất tốt với Grab cũng như nhiều đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối khác trên thị trường. Vào một vài thời điểm, doanh thu của các lái xe, đơn vị taxi kết nối ứng dụng Grab tăng đến 300% so với thời điểm chưa sử dụng ứng dụng kết nối.
Tuy nhiên, điều đáng buồn là vẫn còn những doanh nghiệp taxi truyền thống lo sợ sự đổi mới, sợ mất vị thế thống lĩnh, sợ cạnh tranh. Từ việc gửi đơn thư cầu cứu khắp nơi, tuyên truyền thông tin sai lệch, dèm pha về Grab và các đối tác (mặc cho chúng tôi đã ra sức cải chính), dán băng rôn khẩu hiệu trên xe, kiện tụng đòi bồi thường với lý do mất thị phần, cho đến việc yêu cầu Chính phủ dừng Đề án thí điểm", CEO Grab Việt Nam nói.
Phía Grab nhấn mạnh rằng việc thông qua Dự thảo lần này sẽ thực sự là bước lùi trước "những người công nhân giận dữ đòi đập phá máy móc" trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 của ngành vận tải.
"Chúng tôi tha thiết mong muốn Ngài Thủ tướng và Chính phủ Việt Nam hãy công tâm xem xét, đánh giá, đặt nguyện vọng và lợi ích của người dân và của nền kinh tế Việt Nam lên hàng đầu, để đưa ra những quyết sách đúng đắn và phù hợp với thời đại".
"Grab cam kết sẽ luôn sát cánh và hỗ trợ Chính phủ trong việc xây dựng một môi trường pháp lý cởi mở, thuận lợi cho doanh nghiệp, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên và với mục đích cuối cùng là phục vụ người dân và xã hội ngày một tốt hơn", CEO Grab Việt Nam viết trong tâm thư.
Trước Grab, đầu tháng 7/2018, Công ty Cổ phần Ba Huân (Ba Huân) sau gần nửa năm nhận khoản đầu tư 32 triệu USD (745,6 tỷ đồng) từ tập đoàn quản lý quỹ đầu tư VinaCapital cũng có văn bản kêu cứu lên Thủ tướng, nhờ hỗ trợ để có thể chấm dứt hợp tác.
Một môi trường đầu tư kinh doanh để xẩy ra nhiều đơn "kêu cứu" như vậy, cho thấy còn rất nhiều việc phải làm để có thể cạnh tranh hơn so với các nền kinh tế khu vực và quốc tế.
Doanh nghiệp của “nữ hoàng hột vịt” cho rằng việc hợp tác với VinaCapital nhằm mục đích đưa thương hiệu Ba Huân vươn tầm quốc tế. Tuy nhiên, quỹ đầu tư này đã đưa ra một số thỏa thuận hợp tác ban đầu bằng tiếng Anh để hai bên ký kết, dẫn đến hiểu lầm.
Bản thỏa thuận hợp tác quy định sử dụng hai ngôn ngữ Anh - Việt, nhưng hai bên mới chỉ ký thỏa thuận bằng bảng tiếng Anh, doanh nghiệp muốn hủy vì không thể đáp ứng được các điều khoản sau khi đọc kỹ bản tiếng Việt.
Trong văn bản gửi Thủ tướng, Ba Huân nhấn mạnh thay vì mục tiêu hợp tác và phát triển, VinaCapital lại muốn chiếm quyền quản lý và điều hành toàn bộ công ty, chiếm đoạt thương hiệu Ba Huân.
VinaCapital khẳng định không có ý định chiếm quyền điều hành hay thâu tóm Ba Huân, và việc này không nằm trong chiến lược kinh doanh của tập đoàn từ trước đến nay.
Đến đầu tháng 8/2018, Ba Huân và VinaCapital đã chính thức ngồi lại với nhau và ra quyết định thoả thuận chấm dứt việc đầu tư, chuẩn bị các tài liệu cho các thủ tục pháp lý cần thiết nhằm hoàn tất thỏa thuận này.
Trong thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp ngày 3/10, Công ty cổ phần Ba Huân đã điều chỉnh vốn điều lệ từ 280 tỷ đồng xuống còn 222 tỷ.
Danh sách cổ đông không thay đổi, nhưng cơ cấu lại biến động mạnh khi Hawke Investments Pte. Ltd (Singapore) giảm tỷ lệ nắm giữ còn 16,39%. Tỷ lệ này đúng bằng giá trị trước khi VinaCapital thông qua Hawke Investments góp vốn vào Ba Huân hồi cuối tháng 2.
Thực tiễn kinh doanh tại Việt Nam thường xuyên phát sinh các trường hợp doanh nghiệp làm đơn "kêu cứu" gửi lên Thủ tướng kiểu như Ba Huân và Grab mỗi khi "gặp vấn đề". Điều này một mặt cho thấy các doanh nghiệp đặt niềm tin rất cao vào người đứng đầu Chính phủ, tuy nhiên ở chiều ngược lại, cũng cho thấy họ thiếu niềm tin vào các cấp hành pháp bên dưới hoặc các thiết chế giải quyết tranh chấp vẫn đang vận hành. Một môi trường đầu tư kinh doanh để xẩy ra nhiều đơn "kêu cứu" như vậy, cho thấy còn rất nhiều việc phải làm để có thể cạnh tranh hơn so với các nền kinh tế khu vực và quốc tế.
Chiều 23/10, tại phiên tòa xét xử vụ án tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do nguyên đơn là Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) kiện Công ty TNHH Grab (Grab), đại diện VKSND TP.HCM cho rằng có cơ sở khẳng định Grab đã gây thiệt hại cho Vinasun và đề nghị HĐXX chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, buộc Grab bồi thường cho Vinasun 41,2 tỷ đồng, bồi thường 1 lần.
Vinasun kiện Grab vì cho rằng Grab đã có hành vi kinh doanh không lành mạnh. Vinasun cho rằng lợi nhuận bị sụt giảm trong giai đoạn từ ngày 1/1/2016 đến 30/6/2017 là do sự xuất hiện và phát triển của các nền tảng đặt xe công nghệ như Grab (và Uber) đã trở thành một nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày của người tiêu dùng.