Đây là nguyên nhân đổi USD bị phạt 90 triệu... cần phải nằm lòng

Google News

(Kiến Thức) - Ít ai biết việc xử phạt hành chính 90 triệu đồng với hành vi trao đổi USD trái phép nằm trong quy định về mua bán ngoại tệ trái phép được quy định tại điểm a, khoản 3 điều 24 Nghị định 96/2014/NĐ-CP. 

Ngày 23/10 vừa qua, dư luận xôn xao trước việc UBND TP Cần Thơ ra quyết định xử phạt hành chính 90 triệu đồng với anh Nguyễn Cà Rê (38 tuổi, thợ điện, ngụ Ninh Kiều) do mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép. Đáng chú ý, anh Rê bị bắt khi trao đổi 100 USD (2,3 triệu đồng), chưa bằng 1/40 lần so với số tiền anh bị xử phạt.
Xử phạt 90 triệu là đúng pháp luật
Thông tin này khiến nhiều người dân hoang mang, bởi hoạt động mua bán, trao đổi USD nói riêng và ngoại tệ nói chung trên thị trường tự do từ xưa đến nay vẫn nhộn nhịp và khá công khai. Bởi vậy, rất nhiều người dân không hiểu rõ về quy định xử phạt này.
Cụ thể, quy định về mua – bán ngoại tệ trái phép được quy định tại điểm a, khoản 3 điều 24 Nghị định 96/2014/NĐ-CP. Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng nêu rõ: phạt 80 - 100 triệu đồng đối với hành vi mua bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép đổi ngoại tệ.
Đối với hành vi thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ không đúng quy định pháp luật còn chịu mức phạt lên tới 200 đến 250 triệu đồng. Ngoài ra, hình phạt bổ sung là tịch thu toàn bộ số ngoại tệ và tiền đồng Việt Nam đối với hành vi vi phạm.
Day la nguyen nhan doi USD bi phat 90 trieu... can phai nam long
Hầu hết người dân đều không hiểu rõ về quy định xử phạt hoạt động mua bán trao đổi USD. Ảnh: Internet.
Chính vì quy định rõ ràng này nên dù có nhiều ý kiến trái chiều của người tiêu dùng nhưng giới luật sư vẫn cho rằng đây là việc làm đúng luật và hoàn toàn phù hợp. Chia sẻ trên Anninhthudo.vn, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty luật BASICO cho biết thực ra Nghị định 96, mức xử phạt vi phạm hành chính với hành vi mua bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu – đổi ngoại tệ đã giảm so với trước. Trước đó, theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, hành vi vi phạm này bị phạt tới 500 triệu đồng, không có ngoại lệ. Đây là mức xử phạt cao nhất trong Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính. Tức là tất cả các hành vi vi phạm hành chính gì ghê gớm nhất cũng chỉ bị phạt bằng hành vi mua bán 1-2 USD.
Tuy nhiên, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng Nghị định 96 nên xem xét lại, theo hướng tập trung xử phạt đơn vị mua – bán ngoại tệ trái phép thay vì phạt nặng người dân như hiện nay. Bởi xét mặt bằng chung, hành vi vi phạm hành chính này không gây hậu quả nghiêm trọng.
Trao đổi trên báo Lao động, PGS-TS Trịnh Quốc Trung cho rằng mức phạt 90 triệu đồng là đúng quy định nhưng trong trường hợp này chỉ nên phạt hành chính với người dân đi đổi tiền. Nếu phạt tiền thì nên ở mức thấp. Sai phạm chủ yếu thuộc về đơn vị thực hiện kinh doanh thu đổi. Trước khi doanh nghiệp hoạt động thì cần phải biết điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực của mình là gì.
Mua bán ngoại tệ "chui" vẫn nhộn nhịp
Thực tế, nhu cầu mua đổi ngoại tệ của người dân lớn. Tuy nhiên, để mua được ngoại tệ ở ngân hàng thì người dân phải chứng minh được mục đích mua ngoại tệ là chính đáng như đi du lịch, chữa bệnh, du học... Kể cả có nhu cầu mua chính đáng thì người dân cũng chỉ được mua ngoại tệ với số lượng ít.
Day la nguyen nhan doi USD bi phat 90 trieu... can phai nam long-Hinh-2
Cảnh mua bán trao đổi USD vẫn diễn ra nhộp nhịp trên phố Hà Trung. Ảnh: Lao động. 
Theo ghi nhận của báo Lao động, sáng 24/10, cảnh mua bán ngoại tệ vẫn đang diễn ra nhộn nhịp tại các cửa hàng vàng bạc trên phố Hà Trung (Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Không chỉ đổi USD, các tiệm vàng trên phố Hà Trung còn mua bán ngoại tệ của nhiều nước khác như Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản…
Cũng theo báo Lao động, hoạt động thu đổi ngoại tệ cho khách vẫn được thực hiện tại một số tiệm vàng nằm ở khu các khu vực chợ Bến Thành, chợ Tân Định thuộc quận 1 (TP HCM).
Đổi tiền USD ở đâu để không bị phạt 90 triệu đồng?
Hiện tại, hầu hết ngân hàng thương mại đều được Ngân hàng Nhà nước cấp phép mua, bán ngoại tệ. Tất cả chi nhánh và phòng giao dịch của ngân hàng thương mại đều là các điểm trao đổi USD, ngoại tệ hợp pháp.
Ngoài ra, người dân cũng có thể tìm đến các điểm kinh doanh của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cấp phép kinh doanh ngoại tệ.
Bên cạnh các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước còn cấp phép cho 580 đại lý thu đổi ngoại tệ khác trên toàn quốc.
Tuy nhiên, tỷ giá ngoại tệ thay đổi theo từng ngày và từng ngân hàng. Khi mua, người dân cần tham khảo trước tỷ giá niêm yết tại mỗi ngân hàng để so sánh và lựa chọn địa chỉ phù hợp nhất.
Hoàng Minh

>> xem thêm

Bình luận(0)