Trong thư gửi Thủ tướng Chính phủ, đại diện Grab cho rằng, doanh nghiệp đã đóng vai trò là đơn vị tiên phong trong việc áp dụng công nghệ thông tin (CNTT), góp phần đưa ngành vận tải Việt Nam hòa nhập, bắt kịp với làn sóng Công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, Grab Việt Nam cảm thấy hết sức bất ngờ và quan ngại với những nội dung và quy định trong Dự thảo mới nhất mà Bộ Giao thông vận tải vừa trình lên Chính phủ.
Theo đại diện Grab, với Điều 3.7 và Điều 3.2, có nghĩa là xe ô tô có sức chứa từ 9 chỗ trở xuống sẽ không được áp dụng hợp đồng vận tải điện tử. Tất cả các đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối và giao kết hợp đồng điện tử sẽ buộc phải trở thành các đơn vị kinh doanh vận tải. Những quy định này không chỉ đi ngược lại chủ trương và chỉ đạo của Chính phủ về việc ứng dụng khoa học công nghệ và cải cách thủ tục hành chính, mà còn phủ nhận hoàn toàn những lợi ích và kết quả tích cực mà Đề án thí điểm xe hợp đồng ứng dụng hợp đồng điện tử đã mang lại cho người dân, doanh nghiệp và xã hội.
Theo đại diện Grab, sự ra đời và triển khai Đề án thí điểm đã mở ra một giai đoạn chưa từng có đối với ngành vận tải Việt Nam, mang lại rất nhiều lợi ích và ưu việt cho người tiêu dùng, các đơn vị kinh doanh vận tải, các đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối, và cả cơ quan quản lý Nhà nước.
Việc ứng dụng khoa học công nghệ đã giúp tăng sức cạnh tranh cho các đơn vị vận tải vừa và nhỏ trên thị trường, từ đó thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành vận tải hành khách. Các đơn vị vận tải lớn trong ngành đã buộc phải chuyển mình, hạ giá thành và nâng cao chất lượng dịch vụ, mà người tiêu dùng là bên có lợi nhất.
“Đến nay, bên cạnh Grab, đã có gần 10 ứng dụng khác của Việt Nam tham gia Đề án thí điểm và nhiều ứng dụng mới ra đời sau này”, đại diện Grab cho hay.
Grab khẳng định đã có cơ hội cung cấp kết nối các dịch vụ thiết yếu hàng ngày cho 20% người dân Việt Nam mỗi tháng, và cung cấp các cơ hội nâng cao thu nhập trực tiếp cho 175.000 đối tác tài xế. Bên cạnh đó, dù là một doanh nghiệp còn non trẻ, Grab luôn nỗ lực hoàn thành các nghĩa vụ đối với Nhà nước, đặc biệt là nghĩa vụ thuế. Số thuế đóng góp của doanh nghiệp luôn tăng trưởng gấp 3 lần mỗi năm.
“Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2018, Grab đã đóng góp 270 tỷ đồng và ước tính sẽ đóng hơn 500 tỷ đồng trong cả năm 2018. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chủ động hỗ trợ các đối tác trong việc kê khai và hoàn thành nghĩa vụ thuế của họ, cũng như hợp tác chặt chẽ với cơ quan thuế địa phương”, đại diện Grab cho hay.
Đại diện Grab cho rằng, đến nay điều đáng buồn là vẫn còn những doanh nghiệp taxi truyền thống lo sợ sự đổi mới, sợ mất vị thế thống lĩnh, sợ cạnh tranh. Từ việc gửi đơn thư cầu cứu khắp nơi, tuyên truyền thông tin sai lệch, gièm pha về Grab và các đối tác, dán băng rôn khẩu hiệu trên xe, kiện tụng đòi bồi thường với lý do mất thị phần, cho đến việc yêu cầu Chính phủ dừng Đề án thí điểm, thậm chí đe dọa Ban soạn thảo Nghị định phải chịu trách nhiệm, bồi thường thiệt hại cho ngành taxi. Các doanh nghiệp này đã bằng mọi cách cản bước xâm nhập của công nghệ và việc những doanh nghiệp nhỏ hơn nhưng linh động hơn áp dụng công nghệ để gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Grab nhấn mạnh rằng việc thông qua Dự thảo lần này, chiều theo ý muốn chủ quan của một số đơn vị taxi truyền thống mà bỏ qua những ích lợi và sự tiến bộ quan trọng đối với xã hội và nền kinh tế, sẽ thực sự là bước lùi...Grab cho rằng, dự thảo nghị định nếu được thông qua sẽ trở thành một tiền lệ xấu đối với toàn bộ hệ thống pháp luật của Việt Nam, cũng như là dấu hiệu tiêu cực về môi trường khởi nghiệp, môi trường đầu tư – kinh doanh của Việt Nam.