Mới đây, Chính phủ vừa quyết nghị thông qua Kế hoạch thực hiện chủ trương xử lý Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) - tiền thân là Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin).
Theo đó, công ty mẹ SBIC và 7 công ty con (bao gồm các Công ty TNHH một thành viên Đóng tàu: Hạ Long, Phà Rừng, Bạch Đằng, Thịnh Long, Cam Ranh; Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn; Công ty TNHH MTV Đóng tàu và Công nghiệp hàng hải Sài Gòn) được yêu cầu khẩn trương rà soát, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo quy định pháp luật để nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Thời gian thực hiện dự kiến từ quý I/2024.
Một đơn vị khác là Công ty CP Đóng tàu Sông Cấm, cũng thuộc SBIC nhưng không phải thực hiện thủ tục phá sản vì đơn vị này vẫn làm ăn có lãi, không có nợ xấu. Chính phủ chỉ yêu cầu thu hồi phần vốn góp của Công ty mẹ - SBIC, Công ty TNHH MTV Đóng tàu Bạch Đằng tại Công ty CP Đóng tàu Sông Cấm. Thời gian thực hiện sẽ căn cứ phương án xử lý được phê duyệt, phù hợp với lộ trình phá sản Công ty mẹ SBIC và Công ty TNHH MTV Đóng tàu Bạch Đằng, dự kiến triển khai từ quý 2/2024.
Với các doanh nghiệp thuộc cơ cấu Vinashin trước đây không giữ lại trong cơ cấu SBIC nhưng chưa hoàn tất quá trình tái cơ cấu, Chính phủ yêu cầu các bên tiếp tục xử lý để thu hồi tài sản.
Việc thực hiện phá sản đối với SBIC, Chính phủ yêu cầu thu hồi tối đa vốn và tài sản, hạn chế tối đa việc sử dụng ngân sách Nhà nước, trường hợp phải sử dụng ngân sách Nhà nước thì thực hiện đúng quy định của pháp luật; giảm thiểu tổn thất tiền, tài sản của Nhà nước, tổ chức và cá nhân liên quan cũng như đối với ngành đóng, sửa chữa tàu.
Bản kế hoạch của Chính phủ yêu cầu các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ với Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để phấn đấu xử lý dứt điểm đối với SBIC.
|
Vinashin từ "Cú đấm thép" doanh thu nghìn tỷ đến phá sản (ảnh minh họa: Internet). |
Từ "cú đấm thép" của nền kinh tế đến sự lụi bại
Ngày 31/1/1996, Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam được thành lập trên cơ sở sắp xếp lại các đơn vị đóng tàu trên cả nước. Không lâu sau, năm 2001-2002, Thủ tướng Chính phủ có các quyết định phê duyệt Đề án phát triển Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam và Quy hoạch tổng thể ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam giai đoạn 2001 - 2010.
Đến ngày 4/11/2003, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có Quyết định số 60/2003/QĐ-TTg về việc thí điểm chuyển tổng công ty sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con.
Ngày 15/5/2006, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 103/QĐ-TTg về việc thí điểm thành lập Tập đoàn kinh tế, đa sở hữu, trong đó sở hữu Nhà nước chi phối, trên cơ sở sắp xếp tổ chức lại Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin).
Theo đó, Vinashin sẽ là tập đoàn kinh doanh đa ngành, trong đó ngành công nghiệp đóng mới, sửa chữa tàu thủy và vận tải biển là ngành kinh doanh chính, làm nòng cốt của ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam. Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam giữ quyền chi phối các công ty con thông qua vốn, công nghệ, thương hiệu, thị trường.
Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyết định 104/2006/QĐ-TTg về việc thành lập Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam. Theo Quyết định này, Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam được thành lập trên cơ sở tổ chức lại cơ quan quản lý, điều hành và các đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc của Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam hiện nay.
Thông tin trên báo chí, Vinashin từng là một trong 17 tổng công ty lớn nhất Việt Nam. Theo Quyết định số 926/QĐ-TTg ngày 18/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu Vinashin, một số dự án sẽ phải chuyển giao cho các doanh nghiệp khác phù hợp hơn, có điều kiện hơn, cụ thể là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).
Tháng 7/2010, Thanh tra Chính phủ thực hiện thanh tra toàn diện về tài sản, kết quả sản xuất kinh doanh của Vinashin. Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, đến cuối năm 2009, tổng giá trị tài sản của Vinashin đạt hơn 102.500 tỷ đồng. Nếu loại trừ các công nợ nội bộ thì tổng giá trị tài sản còn lại gần 92.600 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả của Vinashin tính đến cuối năm 2009 là hơn 86.700 tỷ đồng, trong đó 750 triệu USD trái phiếu Chính phủ bảo lãnh vay nợ các ngân hàng trong và ngoài nước, nợ các đối tác. Tổng vốn chủ sở hữu của Vinashin là 5.900 tỷ đồng. Trong năm 2009, Vinashin thực lỗ gần 5.000 tỷ đồng, nhiều hơn 3.300 tỷ đồng so với báo cáo tài chính của Vinashin (1.700 tỷ đồng).
Sau khi đội ngũ lãnh đạo của Vinashin bị xử lý hình sự, tập đoàn này bắt tay vào quá trình tái cơ cấu từ năm 2010, tới năm 2013 chuyển lại thành tổng công ty và đổi tên thành SBIC. Tại thời điểm thành lập, SBIC có vốn điều lệ là 9.520 tỷ đồng. SBIC thực hiện nhiệm vụ sắp xếp lại 234 doanh nghiệp thuộc cơ cấu Tập đoàn Vinashin trước đây không tiếp tục duy trì trong cơ cấu Tổng công ty; cổ phần hóa, bán chuyển nhượng vốn, chuyển giao, sáp nhập 69 doanh nghiệp; bán, giải thể, phá sản 165 doanh nghiệp.
Tuy nhiên, sau nhiều năm vật lộn, SBIC hoạt động kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ, số nợ phải trả rất cao. Đơn cử, khi trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV vào tháng 6/2018, ông Nguyễn Văn Thể khi đó là Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã thừa nhận, việc tái cơ cấu Vinashin - SBIC thời gian qua vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong đợi. Trên thực tế, kể từ khi được “hạ cấp” từ tập đoàn xuống tổng công ty vào năm 2013, hoạt động sản xuất, kinh doanh của SBIC liên tục lao dốc.
Tương tự, ông Cao Thành Đồng khi đó là quyền Tổng giám đốc SBIC cho biết, trong năm 2018, toàn SBIC (gồm công ty mẹ và 8 nhà máy đóng tàu được giữ lại) chỉ ký được 74 sản phẩm với giá trị hợp đồng khoảng 1.682 tỷ đồng, doanh thu thực hiện khoảng 800 tỷ đồng, bằng 48% giá trị doanh thu xúc tiến trong kế hoạch năm 2018.
Đáng nói, nếu chỉ tính riêng hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong năm tài chính 2018, SBIC lãi 118 tỷ đồng, nhưng nếu hạch toán đầy đủ các công nợ “thừa kế” từ thời Vinashin, Tổng công ty lỗ tới 3.624 tỷ đồng, trong đó nặng nhất là lỗ do chi phí tài chính (lãi vay cũ và chênh lệch tỷ giá) 3.401,9 tỷ đồng, lỗ do thanh lý 723,4 tỷ đồng.
Theo thông tin từ báo Đầu tư, kể từ khi hoạt động theo mô hình tổng công ty từ năm 2013 đến nay, nếu hạch toán đúng, đủ theo các quy định của Luật Kế toán, năm nào, SBIC cũng lỗ từ 3.000 - 4.000 tỷ đồng. Nợ và lỗ quá lớn khiến khoản hỗ trợ 2.200 tỷ đồng từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và 4.190 tỷ đồng của Chính phủ cấp tạm ứng vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh cho Vinashin trong giai đoạn 2008 - 2010 như “gió vào nhà trống”. Do khó khăn về tài chính, hạ tầng không có điều kiện duy tu bảo dưỡng, nhiều máy móc, thiết bị xuống cấp, uy tín bị giảm sút, việc tiếp cận các đơn hàng mới của toàn Tổng công ty ngày càng hạn chế, dẫn tới khó khăn chồng chất khó khăn…