VIMC “thay da đổi thịt” thế nào dưới tay ông Nguyễn Cảnh Tĩnh?

Google News

(Kiến Thức) - Trong thời gian giữ chức Quyền Tổng giám đốc Tổng Công ty hàng hải Việt Nam, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh đóng vai trò quan trọng trong quá trình tái cơ cấu VIMC.

Ngày 13/8, Tổng Công ty hàng hải Việt Nam (VIMC, tên cũ Vinalines) chính thức bổ nhiệm ông Nguyễn Cảnh Tĩnh làm Tổng giám đốc của VIMC sau 4 năm giữ chức Quyền Tổng giám đốc (từ tháng 10/2015 đến nay).
Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh sinh năm 1975, nguyên quán xã Lưu Sơn, Đô Lương, Nghệ An. Ông tốt nghiệp Đại học Tài chính Kế toán Hà Nội - Kinh tế, Thạc sỹ Tài chính.
VIMC “thay da doi thit” the nao duoi tay ong Nguyen Canh Tinh?
 Tân Tổng giám đốc VIMC Nguyễn Cảnh Tĩnh. Ảnh: Kinhtedothi
Năm 2011, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh về công tác tại VIMC và nắm giữ nhiều vai trò khác nhau. Cụ thể, tháng 1/2011 làm cán bộ Ban Tài chính Tổng công ty Hàng hải Việt Nam; từ tháng 1/2011 - 2/2012 Phó Trưởng Ban Tài chính Tổng công ty Hàng hải Việt Nam; vào tháng 2/2012 – 28/10/2015, ông là Trưởng Ban Tài chính và Quản l (vốn góp Tổng công ty Hàng hải Việt Nam).
Từ 7/2014 - 7/2015 là Ủy viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng; Từ tháng 7/2015 đến 10/2015 làm Phó Tổng GĐ Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam.
Từ 1/10/2015 đến nay, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh giữ chức Quyền Tổng giám đốc VIMC và đến ngày 13/8/2020, ông chính thức giữ chức Tổng Giám đốc VIMC, bắt đầu chuyển đổi thương hiệu mới và vận hành Tổng công ty mẹ theo mô hình công ty cổ phần.
VIMC đang nắm giữ vốn tại 19 công ty con và 16 công ty liên kết, hiện sở hữu cổ phần của 16 doanh nghiệp cảng biển, quản lý khai thác hơn 13.000 m cầu bến (chiếm khoảng 30% tổng số m cầu bến quốc gia). Trong đó có các cảng trọng điểm của cả nước như cảng Hải Phòng, cảng Sài Gòn, cảng Đà Nẵng và cảng Quy Nhơn.
Trước đó, vào thời điểm 2012-2014, Vinalines từng có 3 năm liền giữ "ngôi đầu" về thua lỗ, thậm chí đứng bên bờ vực phá sản do thị trường hàng hải thế giới phát triển nóng rồi suy thoái kéo dài.
Đến năm 2016 (cũng chính là năm ông Nguyễn Cảnh Tĩnh bắt đầu nắm quyền Tổng giám đốc), Vinalines đã ghi nhận sự khởi sắc trong bối cảnh vận tải biển vẫn chồng chất khó khăn.
Cụ thể, trong năm 2016, khối cảng biến thuộc hệ thống của Vinalines đã mang lại lợi nhuận trước thuê 923 tỷ; khối dịch vụ lãi 1.140 tỷ đồng (hầu hết các doanh nghiệp dịch vụ đều có lãi, trừ nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines). Hoạt động dịch vụ và hoạt động khác của Vinalines trong năm nay cũng tiếp tục làm ăn khởi sắc, mang lại 1.140 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Trong thời gian này, hàng loạt giải pháp cũng được tiến hành như: Cơ cấu lại các khoản nợ vay, xử lý nợ thông qua tham gia đàm phán trên nguyên tắc giá thị trường; Kiên quyết loại bỏ các công ty hoạt động kém hiệu quả; Thanh lý tàu già, biên chế lại đội tàu, thu gọn đầu mối của Tổng công ty, cổ phần hóa các doanh nghiệp thành viên…
Nhờ đó, sau nhiều năm tích cực đàm phán với các ngân hàng, tổng nợ phải trả của VIMC đã có những chuyển biến tích cực, giảm từ 67.550 tỷ đồng (năm 2013) xuống hơn 15.000 tỷ đồng (năm 2019).
Lỗ lũy kế giảm từ hơn 23.000 tỷ năm 2013 xuống hơn 3.000 tỷ đồng trong năm 2019. Cùng với đó, kết quả kinh doanh cũng ghi nhận sự khởi sắc khi lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước. Năm 2017 lãi hợp nhất 748 tỷ đồng tăng gấp đôi so với năm 2016, lãi năm 2019 đạt 419 tỷ đồng, tăng 52% so với năm 2018.
Theo định hướng phát triển mới, VIMC đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp giữ vị trí hàng đầu của ngành hàng hải Việt Nam, phấn đấu đến năm 2030 trở thành doanh nghiệp có thương hiệu trong khu vực; có năng lực cạnh tranh cấp độ quốc tế và tham gia chia sẻ thị trường khu vực.
Tổng Công ty đặt ra mục tiêu đến năm 2025 sản lượng vận tải biển đạt hơn 18 triệu tấn, sản lượng hàng thông qua cảng đạt gần 139 triệu tấn (mức tăng trưởng bình quân hơn 5%/năm), doanh thu đạt 10.771 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất hơn 1.230 tỷ đồng.
Hoàng Minh (tổng hợp)

>> xem thêm

Bình luận(0)