Mới đây, Bộ Tài chính vừa công bố kết luận thanh tra 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ qua mô hình ngân hàng tham gia cung cấp các sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng thông qua mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch ngân hàng (kênh bancass), gồm: Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ BIDV Metlife, Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential, Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Sunlife Việt Nam và Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas.
Thông tin trên Thương Trường, theo kết quả thanh tra, tại nhiều doanh nghiệp bảo hiểm, kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng chiếm tới 50% số lượng hợp đồng và doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ mới. Tuy nhiên, do bị ép buộc nên sau năm đầu tiên, tỷ lệ huỷ hợp đồng của khách hàng lên tới hơn 70%.
Cụ thể, tại Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Sunlife Việt Nam, Bộ Tài chính thông báo năm 2021 công ty này triển khai bán bảo hiểm thông qua 2 tổ chức tín dụng là Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPB).
Theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2021 và số liệu báo cáo của công ty, tổng doanh thu phí bảo hiểm qua kênh ngân hàng đạt 2.038 tỷ đồng, tương ứng 61,15% tổng doanh thu phí; doanh thu khai thác mới qua kênh ngân hàng đạt 1.907 tỷ đồng, tương ứng 82,27% doanh thu phí khai thác mới. Trong đó, tổng doanh thu phí bảo hiểm qua ACB đạt 1.248 tỷ đồng (chiếm 61,26%) và tổng doanh thu phí bảo hiểm qua TPB đạt 789,484 tỷ đồng (chiếm 38,74%).
Năm 2021, Sunlife phát hành mới 80.117 hợp đồng bảo hiểm qua kênh ngân hàng, trong đó có 3.247 hợp đồng bảo hiểm bị hủy bỏ trong thời gian cân nhắc (4,05%). Đáng chú ý, tỷ lệ hủy bỏ và chấm dứt hợp đồng bảo hiểm sau thời gian cân nhắc (năm thứ nhất) của các hợp đồng phát hành qua TPB là 73%, còn qua ACB là 39%.
|
Vì sao tỷ lệ hợp đồng bảo hiểm bán qua ngân hàng bị hủy tới 73%? (ảnh minh họa: Internet). |
Trong khi đó, tại Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ BIDV Metlife, năm 2021, công ty này triển khai bán bảo hiểm thông qua Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
Theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2021 và số liệu báo cáo của công ty, doanh thu phí bảo hiểm triển khai bán thông qua BIDV đạt hơn 1.553 tỷ đồng, tương ứng 99,2% tổng doanh thu phí. Doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới triển khai bán thông qua BIDV đạt trên 452,6 tỷ đồng, tương ứng 98,3% tổng doanh thu phí khai thác mới. Năm 2021, công ty này phát hành mới 21.123 hợp đồng bảo hiểm qua kênh ngân hàng, thì tỷ lệ hủy sau năm thứ nhất là 39,4%.
Tương tự, tại Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential (Việt Nam), theo Bộ Tài chính, năm 2021 Prudential bán bảo hiểm thông qua 8 ngân hàng gồm VIB, MSB, Seabank, Vietbank, Pvcombank… Doanh thu phí bảo hiểm bán qua ngân hàng năm 2021 của Prudential đạt hơn 6.184 tỷ đồng; doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới qua kênh ngân hàng đạt 3.700 tỷ đồng. Năm 2021, công ty phát hành mới 94.431 hợp đồng bảo hiểm qua kênh ngân hàng, tỷ lệ duy trì hợp đồng sau năm thứ nhất (tính theo phí bảo hiểm) là 59%, tương ứng với tỷ lệ hủy, mất hiệu lực năm thứ nhất là 41%.
Còn lại, tại Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas, doanh nghiệp này bán bảo hiểm chủ yếu qua Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) và Công ty tài chính TNHH MB Shinsei (hay Công ty tài chính M.Credit).
Năm 2021, tổng doanh thu phí bảo hiểm bán qua ngân hàng của MB Ageas đạt 4.466 tỷ đồng; doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới qua kênh ngân hàng đạt 2.820 tỷ đồng, tương đương 74% tổng doanh thu phí khai thác mới. Cùng đó, MB Ageas phát hành mới 66.757 hợp đồng bảo hiểm qua kênh ngân hàng, tuy nhiên trong đó có 3.946 hợp đồng bảo hiểm bị hủy bỏ trong thời gian cân nhắc. Sau năm đầu tiên, có 32,4% hợp đồng bảo hiểm mới qua kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng bị huỷ.
Trong năm 2023, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thanh tra, kiểm tra chuyên đề bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với 10 doanh nghiệp bảo hiểm.