Chính phủ vừa gửi báo cáo tới Quốc hội về 12 dự án thua lỗ ngành Công Thương, trong đó có nhà máy đóng tàu Dung Quất nợ gần 7.000 tỷ đồng.
Sau 13 năm thành lập, đến nay Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) hoạt động cầm chừng, bên bờ vực phá sản.
Nhà xưởng, thiết bị lạc hậu
Hiện nhà máy đóng tàu Dung Quất (Quảng Ngãi) có hàng loạt công trình thi công dở dang; mái tôn một số nhà xưởng mục nát khiến nước mưa thấm dột chảy lênh láng khắp nơi. Nhiều cẩu trục, dây chuyền thiết bị có giá trị hàng trăm tỷ đồng không sử dụng lâu ngày bị gỉ sét, hỏng nặng.
Theo báo cáo tài chính của DQS, từ tháng 6/2010 đến nay, sau khi tiếp quản nhà máy đóng tàu Dung Quất, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tiếp tục phát sinh lỗ lên hàng nghìn tỷ đồng (chủ yếu do các khoản nợ cũ của Vinashin với các tổ chức tín dụng, lãi chồng chất).
|
Ụ tàu số 2, nhà máy đóng tàu Dung Quất có vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng trong tình trạng thi công dở dang, bỏ hoang nhiều năm qua. Ảnh: Minh Hoàng.
|
Ông Lương Minh Hải, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất, xác nhận khoản nợ lớn từ thời Vinashin tồn tại kéo dài khiến doanh nghiệp tham gia đấu thầu tìm kiếm sản phẩm đầu vào lao đao. Lợi nhuận của DQS bị âm nhiều năm qua nên doanh nghiệp tham gia vào các cuộc đấu thầu nhiều lần bị loại ngay từ vòng đầu.
Theo ông Hải, đơn hàng ít nên nhiều dây chuyền thiết bị lâu ngày không sử dụng đã xuống cấp, hỏng nặng. DQS đã kiến nghị PVN xem xét cho thẩm định lại để làm cơ sở thanh lý bớt tài sản không dùng, kể cả tài sản đầu tư chưa quyết toán, nhằm giảm thiểu lãng phí.
Đánh giá của Bộ Công Thương, tài sản cố định của DQS chưa quyết toán phần lớn được đầu tư từ các dự án thời Vinashin. Nhà máy này có hiệu suất sử dụng tài sản thấp, chỉ đạt khoảng 20-30%. Nhiều trang thiết bị không phù hợp, lạc hậu hoặc không đạt chất lượng để tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh dẫn đến chi phí khấu hao hàng năm của doanh nghiệp rất lớn.
Còn Thanh tra của Bộ Xây dựng kết luận DQS đầu tư dàn trải, thiếu thiết kế kỹ thuật và biện pháp thi công chồng chéo, không tuân thủ trình tự kỹ thuật. Nhiều gói thầu trong tình trạng thi công dở dang không đưa vào sử dụng được gây lãng phí, thất thoát ngân sách.
Lãnh đạo DQS xác nhận nhiều năm dài nhà máy không có sản phẩm nhưng doanh nghiệp phải "gồng mình" trả lương, bảo hiểm đều đặn cho 2.200 kỹ sư, công nhân (mức lương từ 3,5 đến 20 triệu đồng mỗi tháng/lao động).
Đóng tàu 104.000 tấn ì ạch hơn 12 năm
Mặt khác, doanh nghiệp vay ngân hàng đầu tư dàn trải cùng lúc hai ụ tàu, mua sắm hàng loạt trang thiết bị, cổng trục với tổng vốn lên hơn 1.000 tỷ đồng. Trong khi đó, DQS khởi công đóng tàu 104.000 tấn năm 2006 nhưng hơn 12 năm sau mới có thể hoàn thành.
Ông Huỳnh Văn Điểu, nguyên Phó tổng giám đốc Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Dung Quất, nhớ lại chiếc tàu này chậm tiến độ do liên tục trục trặc, bổ sung nhiều hạng mục, thiết bị trên đường "về đích".
Cụ thể, trong lúc hoàn thiện tàu 104.000 tấn thì tháng 7/2009, bão số 9 khiến triều cường dâng cao, sóng lớn tràn vào ụ số 1 gây ngập toàn bộ thân và máy, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.
Năm 2010, sau khi Vinashin phá sản, nhà máy đóng tàu Dung Quất được chuyển sang cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tiếp quản. Thời điểm tiếp nhận, Vinashin chuyển giao cho PVN tàu 104.000 tấn trong tình trạng thi công dở dang, theo định giá là 28 triệu USD.
Đến tháng 6/2012, chiếc tàu này được bàn giao; tuy nhiên, lãnh đạo Tổng công ty Vận tải Dầu khí (PVTrans) thông báo tàu 104.000 tấn có thiết kế cũ, tiêu chuẩn hàng hóa chưa được cập nhật và đề nghị thay đổi một số hạng mục mới, bổ sung van, đường ống, hầm hàng…
Do vậy DQS ký thêm một hợp đồng 504 tỷ (khoảng 25 triệu USD) với PVTrans để hoàn thiện chiếc tàu. Sau khi hoàn thành, chiếc tàu này có tổng giá trị hơn 70 triệu USD.