Có thể nói Facebook và các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Sendo,... giờ đã trở thành một kênh bán hàng vô cùng quan trọng. Với nhiều hộ kinh doanh, doanh thu từ bán hàng online bắt đầu vượt qua cách bán hàng truyền thống trước kia. Một số bạn trẻ mới khởi nghiệp còn chỉ mở duy nhất kênh bán hàng qua mạng để tiết kiệm chi phí thuê mặt bằng.
Tuy nhiên, việc bán hàng online có nhược điểm là không thực hiện giao dịch ngay tại chỗ. Thường là các shop sẽ gửi hàng trước, người mua nhận được hàng rồi mới trả tiền. Thời gian vận chuyển trung bình từ 2-3 ngày, tùy theo địa chỉ của người mua. Trong thời gian chờ đợi này, nhiều khách mua đổi ý, không muốn nhận hàng nữa nên cố tình không nghe điện thoại của shipper (còn gọi là bom hàng). Hàng giao đến nơi mà không có người nhận, shipper đành phải gửi lại người bán. Đây chính là nỗi lo lắng lớn nhất của các shop kinh doanh online.
|
Khách bom hàng vì lý do trời ơi đất hỡi. |
Theo các shop online, thiệt hại từ việc khách bom hàng là rất lớn. Đầu tiên là mất phí vận chuyển. Các shop sẽ mất từ 30.000-40.000 đồng cho một gói hàng kích thước nhỏ như giày dép, mỹ phẩm. Còn với hàng hóa kích thước lớn, mất vài trăm nghìn là chuyện thường. Chưa kể tới việc sản phẩm sau quá trình bốc dỡ, vận chuyển, hoàn trả khi quay về tới shop đã móp hỏng, không thể bán cho người khác. Nếu nhân số lượng lên, thiệt hại từ bom hàng có thể lên tới vài triệu/tháng.
Đặc biệt với những shop bán hàng chuyên dụng đặc thù, sản phẩm bán không có sẵn mà phải nhập từ nước ngoài về. Nếu khách bom hàng, chủ shop chỉ còn biết kêu trời vì không biết đẩy đi đâu.
Lệ Hằng, một chủ shop quần áo chia sẻ kinh nghiệm: “Với những người mới kinh doanh, nếu không quản lý được rủi ro về vấn đề bom hàng sẽ bị lỗ như chơi. Tốt nhất là gọi điện xác nhận lại một lần trước khi gửi hàng. Những khách hàng trẻ tuổi, thường xuyên mua hàng online sẽ có tỷ lệ bom hàng thấp hơn. Các đơn hàng giá trị lớn nên yêu cầu khách đặt cọc tiền trước.”
Dù vậy, việc gọi điện xác nhận chỉ ngăn ngừa được phần nào hiện tượng bom hàng. Thực chất, nhiều người xấu tính còn lấy chuyện bom hàng để làm thú vui giải trí. Cũng có trường hợp các shop cạnh tranh không lành mạnh, sử dụng việc bom hàng để phá hoại lẫn nhau.
Để giải quyết vấn đề này, một nhóm các shop bán hàng online đã quyết định tập hợp danh sách đen gồm những khách hàng xấu tính, thường xuyên bom hàng để mọi người phòng tránh.
Tới nay, danh sách “khách hàng xấu tính” mà nhóm này thu thập được đã có trên 7 nghìn người. Mỗi khi gặp trường hợp nghi ngờ hay đơn hàng có giá trị lớn, các chủ shop chỉ việc gõ số điện thoại người đặt mua lên trang web. Nếu vị khách đó từng có hành vi bom hàng trong quá khứ thì sẽ bị liệt kê ra.
Được biết, công cụ kiểm tra này được các shop online rất ủng hộ. Lượng người sử dụng tăng vọt trong thời gian ngắn.
Mỹ Dung, một chủ shop mỹ phẩm, cho biết: “Mình hay bị bom hàng mà không làm gì được nên rất bức xúc. Nay có danh sách này, mình sẽ đưa hết những khách xấu tính từng bom hàng lên để các shop khác biết đường mà tránh.”
Theo những người bán hàng online, công cụ kiểm tra này rất hữu ích khi bán hàng qua Facebook. Còn nếu bán hàng qua sàn thương mại điện tử, chủ shop không có quyền từ chối khách hàng. Mỗi một lượt từ chối sẽ bị trừ điểm đánh giá, khi shop bị tụt hạng việc kinh doanh sẽ rất khó khăn.
|
Số lượng thành viên của nhóm chống “bom hàng” tăng nhanh trong thời gian ngắn. |
Ngoài ra, việc xây dựng danh sách này hoàn toàn phụ thuộc vào tính tự giác của người đăng. Ban quản trị nhóm vẫn chưa đủ nhân lực để kiểm tra độ chính xác của các thông tin đưa lên.
Đã có trường hợp khách hàng phàn nàn rằng vì thời gian đợi vận chuyển quá lâu nên mới không nhận nữa. Ai dè chủ shop trả thù bằng cách đưa số điện thoại vào danh sách đen khiến việc mua hàng online gặp rất nhiều bất tiện.
Cũng có ý kiến cho rằng, danh sách này đã vi phạm chế độ bảo mật thông tin khi đăng toàn bộ tên tuổi, số điện thoại và địa chỉ nhà của khách hàng lên Internet. Được biết, ban đầu nhóm chống “bom hàng” hoạt động chính trên Facebook, nhưng sau khi bị Facebook xóa trang vì vi phạm chính sách cộng đồng, ban quản trị đã phải xây dưng website riêng để hoạt động.