UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản gửi Tổng công ty Cơ điện Xây dựng – CTCP (Agrimeco) về vị trí khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ bổ sung quy hoạch, đầu tư dự án thủy điện tích năng Tuyền Lâm.
Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, hồ Tuyền Lâm được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích thắng cảnh vào năm 1998 và được Thủ tướng Chính phủ công nhận là khu du lịch quốc gia vào năm 2017.
Theo quy hoạch đã được phê duyệt, hồ Tuyền Lâm và thác Đatanla với mục tiêu là khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí cao cấp, phát triển bền vững theo hướng tăng trưởng xanh, coi trọng bảo tồn và tôn tạo các yếu tố tự nhiên, bảo vệ tài nguyên nước và môi trường rừng bảo vệ đa dạng sinh học.
Nơi đây cần đảm bảo hài hòa với môi trường tự nhiên và hạn chế tối đa việc phá vỡ địa hình, cảnh quan tại từng khu vực; trong quy hoạch không có nội dung quy hoạch dự án thủy điện, thủy điện tích năng… tại các danh thắng này.
Ngoài ra, hồ Tuyền Lâm còn là nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho khu du lịch, TP Đà Lạt và cung cấp nước tưới tiêu nông nghiệp cho huyện Đức Trọng.
|
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, vị trí đề xuất dự án thủy điện tích năng tại Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm của Agrimeco là chưa phù hợp (ảnh minh họa: Internet).
|
UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, vị trí đề xuất nghiên cứu, lập quy hoạch, đầu tư dự án thủy điện tích năng Tuyền Lâm chủ yếu là đất quy hoạch lâm nghiệp đối tượng rừng phòng hộ, rừng sản xuất.
Do đó, việc lập quy hoạch và triển khai đầu tư xây dựng dự án sẽ làm ảnh hưởng đến mục tiêu, chức năng chính của khu di tích thắng cảnh, khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm; gây tác động lớn tới đất rừng tự nhiên, cảnh quan, môi trường sinh thái, đa dạng sinh học và các công trình, dự án khác trong khu vực; không phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm.
UBND tỉnh Lâm Đồng ủng hộ việc khảo sát, nghiên cứu đầu tư dự án thủy điện tích năng của Agrimeco. Tuy nhiên, vị trí đề xuất dự án tại Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm là chưa phù hợp.
Vì những lý do trên, UBND tỉnh Lâm Đồng không thống nhất vị trí khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ bổ sung quy hoạch dự án thủy điện tích năng Tuyền Lâm.
“Nếu công ty còn nhu cầu nghiên cứu đầu tư, phát triển dự án năng lượng tại tỉnh Lâm Đồng thì liên hệ với Sở Công thương để được hướng dẫn, nghiên cứu vị trí khác phù hợp” - UBND Lâm Đồng cho hay.
Trước đó, Agrimeco đề xuất khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ quy hoạch dự án thủy điện tích năng tại hồ Tuyền Lâm với diện tích đất hơn 66ha, công suất 300MW trên địa bàn TP Đà Lạt và các huyện Đức Trọng, Đơn Dương. Các loại đất sử dụng vào dự án gồm đất rừng phòng hộ, rừng sản xuất và một phần nhỏ là đất ngoài quy hoạch lâm nghiệp.
Thông tin liên quan, theo giới thiệu trên website doanh nghiệp được biết, Tổng công ty Cơ điện Xây dựng – CTCP (Agrimeco) tiền thân là Tổng công ty Cơ điện Nông Nghiệp và Thuỷ lợi, trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, được thành lập vào năm 1996 trên cơ sở hợp nhất các công ty cơ khí của ngành thuỷ lợi và nông nghiệp với nhiệm vụ trọng tâm là chế tạo các máy móc thiết bị phục vụ cho ngành nông nghiệp và thuỷ lợi.
Năm 2003, Tổng công ty Cơ điện Nông nghiệp và Thủy lợi và Tổng công ty Xây dựng Thủy lợi 1 được sáp nhập và trở thành Agrimeco, với mục tiêu xây dựng một tập đoàn kinh tế đủ năng lực thực hiện các dự án mang tầm cỡ quốc gia của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Đến năm 2013, Agrimeco thực hiện cổ phần hóa và chuyển sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần với vốn điều lệ 215 tỷ đồng. Agrimeco hiện có địa chỉ trụ sở chính tại Km số 10, Quốc lộ 1A, xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội. Chủ tịch HĐQT công ty kiêm người đại diện pháp luật là ông Lê Văn An. Ngoài ra, ông Lê Văn An còn là đại diện các doanh nghiệp như: Công ty CP Khu Công nghiệp cơ khí - Năng lượng Agrimeco Tân Tạo; Công ty CP Cơ khí và Xây lắp 276; Công ty CP Thiết bị phụ tùng cơ điện.
Các công trình lớn Agrimeco đã trực tiếp thi công gồm: Tổng thầu thi công xây lắp dự án Thuỷ điện sông Ba Hạ (Phú Yên); công trình thuỷ lợi, thuỷ điện hồ chứa nước Cửa Đạt (Thanh Hoá); thuỷ điện Pleikrong (Kon Tum); thuỷ điện Thanh H’Chan (Gia Lai); thuỷ điện Eakrongrau (Khánh Hoà); thuỷ điện Sơn La; thuỷ điện Sông Hinh; thủy điện Thác Mơ; thủy điện Kẻ Gỗ; công trình thủy điện Trị An; thủy điện Nậm Phao (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào); đê lấn biển Kiên Giang; kè chống xói lở Tân Châu (An Giang); kè Xâm Thị (Hà Nội); hồ chứa nước Dầu Tiếng (Tây Ninh); đập dâng Tân Giang (Ninh Thuận)…