Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, Tập đoàn Điện lực Việt Nam thông báo khoản lỗ ước tính 17.000 tỷ đồng, riêng công ty mẹ lỗ 24.595 tỷ đồng. Tính chung 2022 - 2023, tập đoàn này lỗ gần 38.000 tỷ đồng, chưa gồm khoản chênh lệch tỷ giá vẫn treo từ các năm trước (khoảng 14.000 tỷ đồng). EVN lý giải nhiều thông số đầu vào ảnh hưởng tới chi phí. Ngoài ra, còn do giá nhiên liệu đầu vào dù giảm so với năm ngoái nhưng vẫn ở mức cao so với trước.
Đáng chú ý, trong năm 2023, giá bán lẻ điện được điều chỉnh 2 lần tăng. Cụ thể, ngày 4/5, giá giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 1.864,44 đồng/kWh lên 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 3% (hơn 55,9 đồng/KWh).
Đến ngày 9/11, mức giá bán lẻ điện bình quân lại được điều chỉnh tăng từ 1.920,37 đồng/kWh lên mức giá mới là 2.006,79 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tương ứng tăng 4,5%. Do đó, giá bán điện bình quân cả năm 2023 ước đạt 1.950 đồng/kWh, tăng 69,22 đồng/kWh so với năm 2022.
|
Vì đâu EVN liên tiếp thua lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng? (ảnh minh họa: Internet). |
Thông tin trên báo chí, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, dù nỗ lực tiết giảm chi phí, giá bán lẻ điện được điều chỉnh hai lần nhưng vẫn không thể bù đắp được chi phí mua điện tăng cao, nên năm 2023 EVN không cân bằng được kết quả sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, năm 2023, giá nhiên liệu cao hơn nhiều so với các năm trước, trong khi cơ cấu huy động nguồn điện không thuận lợi do tình hình nước về các hồ thủy điện kém làm sản lượng thủy điện giảm. Chi phí mua điện trên thị trường điện cao, chi phí thanh toán tăng so với giá điện hợp đồng đã khiến giá điện tuy tăng nhưng doanh nghiệp vẫn lỗ.
Theo ông Tuấn, thông thường, sản lượng thủy điện của Việt Nam đạt 35% hoặc cao hơn, nhưng trong năm 2023, do hạn hán, nhiều hồ thủy điện về mực nước chết, nên sản lượng của nguồn thủy điện chỉ đạt 28,4%.
Trong khi đó, nhiệt điện than - nguồn năng lượng chiếm tỷ trọng 33,2% nhưng năm 2023 sản xuất được 46,2%; nguồn tuabin khí và nhiệt điện dầu chiếm tỷ trọng 10,3% nhưng sản xuất được 9,8%; nhập khẩu điện chiếm tỷ trọng rất ít 1,46%; năng lượng tái tạo có công suất đặt chiếm 26,9%, nhưng sản xuất đạt 13%.
Hiện nay, thủy điện vẫn là nguồn có giá ổn định nhất, nhưng nguồn này chỉ chiếm 28,4% tổng công suất nguồn điện. Còn năng lượng tái tạo, do chính sách khuyến khích ban đầu cho nên giá của nguồn năng lượng này rất cao, nếu xét theo giá thành 9,35 cent theo Fit 1 thì vượt giá thành bán ra của EVN.
Theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính lưu ý, EVN cần phải công khai, minh bạch trong giá mua, bán điện cũng như tình hình kinh doanh để không ảnh hưởng tới tâm lý người dân. Theo ông Thịnh, giá điện cần tiến tới được điều hành theo cơ chế thị trường, có tăng, có giảm.
Mới đây, tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá, Bộ Công Thương kiến nghị điều chỉnh giá điện trong năm 2024, để phản ánh biến động các chi phí đầu vào của giá điện và giúp EVN có nguồn lực thanh toán cho chủ đầu tư các nhà máy điện.
Hiện nay, theo Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, trong đó thời gian giữa hai lần điều chỉnh là 6 tháng nếu rà soát, kiểm tra các chi phí đầu vào khiến giá thành tăng từ 3% trở lên. Gần nhất, giá điện tăng 4,5% vào tháng 11/2023, với đề xuất của Bộ Công Thương, nếu được cấp có thẩm quyền đồng ý, đợt tăng giá tiếp theo có thể sẽ vào tháng 5 năm nay.