Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam, cho rằng, dù kênh nào, nhà đầu tư cũng cần phải quan tâm những yếu tố rủi ro như về mặt pháp lý và thanh khoản. Những yếu tố này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến nhà đầu tư khi lựa chọn vàng, USD hay gửi tiết kiệm ngân hàng. Thậm chí, nó còn quan trọng hơn cả lợi nhuận.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú lưu ý, nhà đầu tư lựa chọn vàng, USD hay tiền gửi tiết kiệm ngân hàng cần phải nắm thông tin chính xác, nếu không sẽ rất bấp bênh.
|
Ảnh minh họa. |
Giá USD quốc tế tăng cao... ai hưởng lợi, ai thiệt hại?
USD đang duy trì xu hướng tăng giá mạnh. Điều gì đẩy đồng ngoại tệ này tăng kỷ lục trong 6 tháng; theo đó, ai hưởng lợi và thiệt hại?
Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình: Như chúng ta biết, tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và USD được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ngày 4/10 ở mức 24.085 đồng, tăng 26 đồng so với ngày 3/10. Giá USD ở các ngân hàng thương mại ngày 4/10 đúng ở mức 24.190 – 24.560 đồng/USD (mua vào - bán ra). Đồng USD trên thị trường thế giới vẫn xu hướng tăng trong giỏ thanh toán quốc tế.
Giá USD cao bởi giá trị của đồng đô la Mỹ hiện nay được định bằng giá thể hiện qua lãi suất của đồng tiền này hiện rất cao. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang duy trì mức lãi suất cao và còn kéo dài trong một thời gian nữa. Fed cũng không nói rằng đến khi nào sẽ hạ lãi suất, ngụ ý còn có thể gia tăng lãi suất.
Do giá đô la Mỹ tăng đã tạo ra sức ép rất lớn đối với những đồng tiền khác, trong đó có VND. Vì vậy, sẽ có những tác động đối với doanh nghiệp và một số chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam.
Vừa qua, NHNN có một số động tác để sự dịch chuyển, biến động này không quá lớn. Cụ thể, NHNN mở lại kênh hút tiền qua tín phiếu sau hơn 6 tháng tạm ngưng. Liên tiếp trong 8 phiên giao dịch gần đây, NHNN chào thầu thành công gần 100.700 tỷ đồng tín phiếu, qua đó hút khỏi hệ thống ngân hàng lượng tiền đồng tương ứng.
|
Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình |
Tỷ giá như hiện nay có ảnh hưởng rất nhiều lĩnh vực. Doanh nghiệp xuất khẩu có thể được hưởng lợi nhờ đồng đô la Mỹ tăng giá. Với nhiều doanh nghiệp nhập khẩu vào để sản xuất ra hàng xuất khẩu, giá nguyên, vật liệu đầu vào cũng tăng mạnh do USD tăng. Các doanh nghiệp nhập khẩu bị ảnh hưởng lớn nhất. Người tiêu dùng sử dụng hàng nhập khẩu cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Đối với tổng thể nền kinh tế, Việt Nam là nền kinh tế xuất, nhập khẩu nhiều, do vậy việc làm cho tỷ giá ổn định rất quan trọng. Nếu thay đổi tỷ giá quá lớn sẽ ảnh hưởng quyết định đầu tư của các doanh nghiệp. Ngoài ra, còn có tác động như nợ nước ngoài. Nếu tỷ giá tăng quá mạnh, nợ của doanh nghiệp hay Chính phủ cũng bị tăng theo, sẽ ảnh hưởng nghĩa vụ trả nợ, tạo áp lực rất lớn đối với người vay vốn trên thị trường nước ngoài.
Thống kê số liệu tiền gửi tiết kiệm ngân hàng
Làn sóng giảm lãi suất huy động vẫn tiếp diễn tại các ngân hàng, đẩy mặt bằng lãi suất gửi tiền ngân hàng xuống mức thấp kỷ lục.
Tại Vietcombank, từ ngày 3/10, lãi suất niêm yết cao nhất giảm về còn 5,3%/năm, thấp hơn giai đoạn COVID-19 (khoảng 5,8%/năm). Còn khoản tiền gửi từ 1 đến dưới 12 tháng dao động 3-4,3%/năm. Ba ngân hàng khác thuộc nhóm Big 4 là Agribank, Vietinbank và BIDV cũng đều đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động từ tháng 9, hiện lãi suất cao nhất ở mức 5,5%/năm.
Đến hiện tại, lãi suất niêm yết cao nhất trong hệ thống ngân hàng là Đông Á Bank với 7%/năm, kỳ hạn 13 tháng với các khoản tiền gửi online. Theo sau đó, lãi suất từ 6%/năm trở lên chỉ còn xuất hiện ở kỳ hạn từ 12 tháng, tại các ngân hàng như Bắc Á Bank, Bảo Việt Bank, CBBank, Nam Á Bank, HD Bank, Đông Á Bank, LPBank, Oceanbank, NCB, SCB, PVCombank, SCB, Sacombank, VietBank, Việt Á Bank. Các ngân hàng còn lại đều đã đưa lãi suất huy động ở kỳ hạn 12 tháng về dưới 6%/năm.
Vàng, USD, gửi tiết kiệm... lựa chọn nào cho nhà đầu tư?
Trái ngược USD, lãi suất tiết kiệm ngân hàng về mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua. Liệu có làn sóng dịch chuyển dòng tiền từ tiết kiệm sang đầu cơ lĩnh vực khác?
Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình: Tôi nghĩ vấn đề cần phải có những cơ hội đầu tư khác nữa mà nó hấp dẫn. Bây giờ, muốn đầu tư sang lĩnh vực khác phải có kênh đầu tư hấp dẫn. Lãi suất hiện nay so với lạm phát vẫn là lãi suất thực dương. Đối với nhiều người dân, người gửi tiền vẫn thấy lãi suất này cao hơn lạm phát nên yên tâm gửi tiền. Trong khi đó, các kênh đầu tư khác hiện không có nhiều.
Những người gửi tiền tiết kiệm món nhỏ có thể dịch chuyển sang một số thị trường khác. Tuy nhiên, hiện nay, sức hấp dẫn của thị trường khác chưa đủ lớn để tạo ra sự dịch chuyển lớn. Đó cũng là những yếu tố cho thấy cần có nhiều kênh đầu tư khác như thị trường vốn, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản. Tuy nhiên, những lĩnh vực này hiện không hấp dẫn. Do đó, kênh gửi tiền tiền tiết kiệm vẫn là sự lựa chọn của nhiều người.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú: Lãi suất tiết kiệm ngân hàng giảm nhưng tiền gửi vào ngân hàng vẫn tăng, chủ yếu là ngắn hạn, trong khi ngân hàng cho vay dài hạn cho thấy sự chồng chéo dẫn đến khó trong điều hành quỹ tiền tệ của nhóm tiền gửi, tiền vay trong nội bộ từng ngân hàng và NHNN.
Hiện tăng trưởng tín dụng 5,6% so với kế hoạch trên 7% cho thấy có tình trạng tiền ứ mà không cho vay được, có tiền mà không đầu tư sản xuất được. Dịch chuyển dòng tiền từ tiết kiệm sang đầu cơ chứng khoán và vàng, kinh doanh buôn bán cũng có.
Biên độ giá vàng trong nước và quốc tế chênh lệch cao, tới 15 triệu đồng, cho thấy nhiều rủi ro khi bỏ tiền vào đây. Chưa kể, vàng SJC “một mình một chợ” nên có cần phá thế độc quyền?
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú: Chúng ta cũng thấy thời gian qua, vàng SJC độc quyền thương hiệu của NHNN. Do nguồn cung bị giảm, giá vàng trên thị trường thế giới tăng cao, các doanh nghiệp dự trữ vàng nên giá vàng miếng SJC ngày càng bị đẩy lên trên mốc 68 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC trong nước luôn cao hơn thế giới 14 - 15 triệu đồng/lượng.
Tôi cho rằng, xã hội không có cạnh tranh thì không thể phát triển được. Do đó, tiến tới, SJC cũng phải theo thị trường chứ không thể “một mình một chợ” mãi được.
Việc chênh cao hơn thế giới lên đến 14 triệu/lượng sẽ dẫn đến tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại. Bởi khi không thị trường hóa sẽ sinh ra vấn đề. Bản thân tôi không ủng hộ sự độc quyền mà phải tự do cạnh tranh, nhưng phải minh bạch, công khai, bình đẳng, đúng pháp luật.
NHNN cần sửa Nghị định 24, tăng nguồn cung cho thị trường theo hướng hủy bỏ quy định NHNN độc quyền sản xuất vàng miếng và không sử dụng một loại vàng miếng SJC làm thương hiệu độc quyền như hiện nay.
|
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú |
Dự báo nào đối với thị trường tài chính, vàng - đô la Mỹ hay lãi suất tiền gửi và cho vay “nhảy múa” thế nào trong những tháng cuối năm 2023?
Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình: Với những diễn biến đang diễn ra của nền kinh tế và trên toàn cầu thì vẫn sẽ ổn định từ giờ đến cuối năm với hình thái như hiện nay. Sang năm, khi nền kinh tế có những biến đổi mới, sự phát triển của một số thị trường khác phục hồi trở lại, có thể có những biến động.
Một lời khuyên của chuyên gia cho nhà đầu tư, nhà đầu cơ trong việc lựa chọn vàng, USD hay tiền gửi tiết kiệm ngân hàng lúc này?
Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình: Dù kênh đầu tư nào cũng phải quan tâm một số yếu tố như các rủi ro có liên quan về mặt pháp lý, thanh khoản. Những yếu tố đó còn quan trọng hơn cả lợi nhuận.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú: Các nhà đầu tư lựa chọn vàng, USD hay tiền gửi tiết kiệm ngân hàng cần phải nắm thông tin chính xác, nếu không sẽ rất bấp bênh. Bài toán về tiền tệ, chứng khoán, đầu tư vàng, USD không phải đơn giản trong lúc này nên cần phải thận trọng.
Xin cảm ơn các chuyên gia!
Đầu tư vàng nguyên liệu sẽ “nóng” thị trường?
Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn có khả năng tăng lãi suất sẽ áp lực giảm giá vàng, tăng giá trị của đồng USD. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, giá vàng trên thế giới sẽ tăng. Điều này khiến giá vàng trong nước cũng tăng. Do đó, có thể xem xét việc mua vàng bên cạnh việc gửi tiết kiệm ngân hàng.
>>> Mời độc giả xem thêm video Nơi cất giữ nửa số vàng trên Trái đất nhưng trộm không dám bén mảng