Đại dịch COVID-19 kéo dài đã gây ảnh hưởng tiêu cực tới mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội, đặc biệt là bào mòn sức lực của rất nhiều doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ.
Doanh nghiệp lao đao vì dịch
Các doanh nghiệp hiện khó khăn trăm bề với việc tiếp cận với khách hàng, đứt gãy chuỗi cung ứng, nhiều lao động phải nghỉ việc, doanh thu đều giảm từ 50% đến 90% so với thời điểm trước dịch. Trong đó, các lĩnh vực như du lịch, bất động sản, dệt may, sản xuất thiết bị điện, xe có động cơ, bán lẻ,... bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn trong phòng chống dịch COVID-19, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), cho biết VASEP có 270 doanh nghiệp thành viên, tập trung chủ yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh Nam Trung bộ. Nhưng chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp đảm bảo được điều kiện “3 tại chỗ”, tức có khoảng 70% doanh nghiệp ngành thuỷ sản buộc phải tạm dừng sản xuất.
“Với những doanh nghiệp sản xuất “3 tại chỗ”, công suất hoạt động trung bình cũng chỉ đạt 40-50%. Họ cũng chỉ có khả năng duy trì 2-3 tuần, hoặc nhiều hơn là 4-5 tuần với những doanh nghiệp lớn”, ông Hòe nhấn mạnh.
Với thị trường bất động sản, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu cho hay, đại dịch COVID-19 khiến nhiều cổ phiếu bất động sản bị giảm sàn, nằm sàn, tất cả các doanh nghiệp bất động sản đều bị tác động rõ rệt, các sự kiện đông người như quảng bá tiếp thị bán hàng đều bị hủy bỏ. Trong đó, thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng và thị trường bất động sản cho thuê bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là tình trạng các mặt bằng cho thuê tại khối đế các tòa nhà cao tầng và nhiều mặt bằng nhà phố cho thuê bị nhiều khách thuê trả lại.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 8 tháng, cả nước có 81.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, ngừng hoạt động lên tới 85.500 doanh nghiệp. Trung bình mỗi tháng có gần 10.700 doanh nghiệp rút khỏi thị trường vì không thể chống đỡ được với COVID-19.
|
Trưa 6/9 đã có 22,075,731 liều vắc xin COVID-19 được tiêm chủng trên cả nước. (Ảnh: Zing.vn). |
Tiêm vắc xin giúp doanh nghiệp có cơ hội bứt phá?
Trước những khó khăn do dịch bệnh diễn biến phức tạp, các chuyên gia cho rằng tiêm vắc xin COVID-19 sẽ là giải pháp duy nhất, là điều kiện tiên quyết giúp doanh nghiệp tồn tại và bảo vệ chính mình. Khi các doanh nghiệp đạt tiêm 2 mũi vắc xin thường sẽ tìm ra cơ hội để tháo gỡ khó khăn, đảm bảo hoạt động ổn định.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, chuyên gia dịch tễ, nguyên Cục Trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhấn mạnh trong điều kiện Nhà nước có đủ vắc xin để doanh nghiệp tổ chức tiêm 2 mũi cho nhân lực sẽ rất tốt. Như vậy, công nhân được tiêm vắc xin sẽ yên tâm sản xuất, doanh nghiệp không cần phải thực hiện “3 tại chỗ”, không bị đứt gãy chuỗi sản xuất.
“Công nhân đã đạt 2 mũi tiêm vắc xin hoàn toàn có thể đi lao động, sản xuất tại công ty. Người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin có nguy cơ mắc COVID-19 thấp hơn nhiều lần so với người chưa tiêm, nếu có mắc thì tải lượng virus cũng thấp hơn và tình trạng lâm sàng cũng nhẹ hơn, nguy cơ làm lây lan cho người khác cũng thấp hơn”, Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga chia sẻ.
Tuy vậy, Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga cũng lưu ý những trường hợp công nhân khi đã được tiêm đủ vắc xin vẫn cần thực hiện biện pháp “5k”, vì khi di chuyển trên đường vẫn có nguy cơ lây nhiễm. Nguy hiểm hơn, số người này có thể lây sang cho người nhà, rồi nguy cơ lây lan ra cộng đồng.
“Doanh nghiệp hoàn toàn có thể tiếp tục sản xuất kinh doanh, thậm chí là bứt phá khi họ đã đảm bảo an toàn phòng chống dịch, tiêm đủ 2 mũi vắc xin”, Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga chia sẻ.
|
Công nhân được tiêm vắc xin sẽ yên tâm sản xuất. (Ảnh: Lao Động). |
Trong khi đó, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng cho biết, khi tiêm đủ vắc xin ngừa COVID-19 sẽ tạo ra được miễn dịch để bảo vệ cá nhân, khi bị nhiễm sẽ không biểu hiện lâm sàng, tức là không bị bệnh hoặc không có biểu hiện nặng, tỷ lệ tử vong thấp.
Là một trong số những doanh nghiệp vận tải phải tạm dừng toàn bộ hoạt động, đối mặt với khó khăn vì dịch bệnh, ông Đỗ Văn Bằng - Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát (hãng xe Sao Việt) cũng cho rằng việc tiêm vắc xin ở thời điểm này là rất cần thiết. Đồng thời, ông Bằng mong muốn Nhà nước tạo điều kiện đẩy mạnh tiêm vắc xin, nhất là những tuyến đầu, người làm việc văn phòng, hoạt động lái xe, phụ xe...
Theo thống kê trên cổng thông tin tiêm chủng vắc xin COVID-19, đến trưa 6/9 đã có 22,075,731 liều vắc xin COVID-19 được tiêm chủng trên cả nước. Đến nay, Việt Nam đã tiếp cận khoảng 33 triệu liều vắc xin COVID-19 từ các nguồn khác nhau.