Đi ngược số đông, từ bỏ nhà kính để trở lại với kiểu trồng trọt “nguyên thủy”
Làng Meidi, cách thành phố Long Tuyền (Trung Quốc) gần 30km là một ngôi làng nhỏ được bao quanh bởi những ngọn núi. Từ làng đi bộ dọc theo đường núi quanh co khoảng nửa giờ, bạn sẽ đến được “lãnh địa nấm linh chi” - “mỏ vàng” mà dân làng Meidi chăm chút mỗi ngày.
Nơi này không có người sinh sống, chỉ có rừng cây rậm rạp, những dòng suối chảy róc rách và bạt ngàn nấm linh chi màu cam sẫm chen chúc nhau quanh những gốc cây. Một số nấm linh chi đang "phun" bào tử, nhìn từ xa giống như làn khói đang bay lơ lửng trong không khí.
Xiang Yongnian - chủ trang trại nấm đặc biệt này cho biết, năm nay họ đã trồng hơn 250 mẫu nấm linh chi tự nhiên và thu được hơn 6.000 kg bào tử nấm linh chi, với giá trị sản lượng hàng năm khoảng 7 NDT (24.000đ)
Yongnian hào hứng chia sẻ, những loại nấm linh chi này đều có nguồn gốc tự nhiên, mọc trong rừng nguyên sinh, không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, v.v. Bào tử nấm linh chi được sản xuất có chất lượng cao và đã được chứng nhận là sản phẩm hữu cơ tại Trung Quốc. Nó có thể được bán với giá lên tới 7.000 NDT/kg (23,9 triệu đồng), cao gấp 6 lần so với giá thị trường. Ở Việt Nam, bào tử nấm linh chi hiện cũng có giá khá cao, từ 1,2 triệu đồng/100gr.
Được biết, nhà ông Xiang Yongnian có nghề trồng nầm gia truyền. Năm 1990, Xiang Yongnian đã để mắt đến nấm linh chi ở vùng núi địa phương.
Vào thời điểm đó, hơn 100 mẫu nấm linh chi được trồng trong nhà kính và một kg có thể được bán với giá hơn 200 NDT (684.000đ). Xiang Yongnian cho biết vào năm 1995, với sự hỗ trợ của nhân viên Cục Khoa học và Công nghệ thành phố Long Tuyền, ông đã nắm bắt thành thạo phương pháp thu thập bào tử nấm linh chi.
Với việc mở rộng quy mô trồng, ngành nấm linh chi đã dần phát triển thành một trong những ngành đặc trưng của Long Tuyền. Địa phương này cũng đã hình thành chuỗi công nghiệp chế biến sâu và không ngừng hoàn thiện hệ thống tiếp thị.
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều nông dân trồng nấm linh chi trong nhà kính, khiến giá thu mua nấm ngày càng giảm. Do môi trường nhà kính nhân tạo và việc canh tác diễn ra liên tục, các giống nấm linh chi đã xuống cấp nghiêm trọng và chất lượng cũng giảm sút.
Lúc đó, Xiang Yongnian nhận ra việc sản xuất các sản phẩm cấp thấp không còn đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Phải trồng nấm linh chi với chất lượng cao hơn, ông mới có thể tìm được khách hàng.
"Vào năm 2010, tôi đã lên núi để thu thập các giống nấm linh chi hoang dã, với hy vọng trồng được các giống linh chi tự nhiên chất lượng cao thông qua thuần hóa nhân tạo và quay trở lại với kiểu trồng nấm trong môi trường tự nhiên”- Ông Yongnian chia sẻ.
Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu và phát triển của Xiang Yongnian đã thất bại trong hai năm liên tiếp. Thậm chí, ông đã “đốt sạch” hơn 300.000 NDT (hơn 1 tỉ đồng) chi phí đầu tư.
Vợ và con trai ông không khỏi lo lắng và thuyết phục ông quay trở lại trồng nấm trong nhà kính. May mắn thay vào thời điểm đó, bố đẻ và bố vợ của Xiang Yongnian đã dùng quỹ hưu trí của họ để hỗ trợ ông tiếp tục nghiên cứu. Nhờ vậy, ông đã mở rộng quy mô và thử trồng hơn 30 mẫu nấm linh chi tự nhiên. Lần này, tuy việc trồng nấm đã thành công nhưng lô linh chi này có quy mô nhỏ, bán không chạy, chỉ có thể bán với giá tối đa 14 NDT (48.000đ)/kg - tương đương 1/10 giá thị trường lúc bấy giờ.
Không bỏ cuộc, trong những năm tiếp theo, Xiang Yongnian tập trung vào việc nhân giống nấm linh chi tự nhiên và cuối cùng đã tạo ra những giống chất lượng cao, có hình thức đẹp. Ông cũng đã nộp đơn xin 5 bằng sáng chế quốc gia.
Vào năm 2015, thành phố Long Tuyền đã tổ chức “Hội nghị Nấm linh chi”, thu hút rất nhiều chuyên gia và học giả. Cơ sở của Xiang Yongnian cũng trở nên nổi tiếng nhờ hội nghị này.
Vào năm 2016, Xiang Yongnian đã trồng hơn 220 mẫu nấm linh chi tự nhiên. “Trang trại” nấm của ông cũng trở thành nơi triển lãm cho “Hội nghị Nấm linh chi toàn quốc lần thứ 2” của Trung Quốc. Một số chuyên gia nổi tiếng quốc tế đã thực hiện chuyến đi đặc biệt đến trang trại để kiểm tra. Họ đánh giá cao mô hình trồng nấm linh chi thuần tự nhiên tại đây, đồng thời cho biết mô hình này là duy nhất ở Trung Quốc và thậm chí trên toàn thế giới.
Từ làng nấm đến làng du lịch
Sau đó, để thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, Xiang Yongnian đã ký hợp đồng hơn 2.590 mẫu đất rừng, thực hiện xây dựng các dự án tổng hợp nông, lâm nghiệp và du lịch, thành lập trung tâm tiếp đón khách du lịch và thành lập trung tâm văn hóa nấm linh chi, triển lãm và bán nấm linh chi, v.v. Nhiều công trình như cầu treo, đường bộ, cầu hình chữ T và nhà nghỉ cũng đã được xây dựng gần đó.
Với việc triển khai dự án tích hợp du lịch rừng tại cơ sở, làng nấm Meidi ngày càng trở nên nổi tiếng, đón khoảng 15.000 khách du lịch hàng năm, điều này đã thúc đẩy đáng kể việc tiêu thụ nông sản địa phương.
"Bây giờ dân làng có thể đến làm việc trong trang trại với mức lương hàng ngày từ 100 - 200 NDT (342.000 - 684.000đ). Mỗi năm, chi phí tiền lương cho nhân công là khoảng 800.000 NDT (hơn 2,7 tỉ đồng)" - Xiang Yongnian cho biết thêm.