Đây là lô đầu tiên trong cam kết cung ứng 31 triệu liều vaccine của Pfizer/BioNtech cho Việt Nam trong năm 2021. Ông John Paul Pullicino -Tổng giám đốc Công ty TNHH Pfizer Việt Nam nêu rõ, số liều vaccine Pfizer về Việt Nam hôm nay đánh dấu bước tiến quan trọng trong tiến trình cung cấp 31 triệu liều vaccine Pfizer cho Việt Nam. Pfizer đã cùng Bộ Y tế làm việc để có thể cung ứng vaccine cho Việt Nam sớm nhất.
Vắc xin này có hiệu lực với các biến thể mới không?
SAGE đã rà soát lại tất cả số liệu hiện có về hiệu lực của vắc xin này trong các thử nghiệm để đánh giá hiệu lực của chúng đối với các biến thể mới. Các thử nghiệm này cho thấy vaccine này hiệu quả với các biến thể mới.
Hiện tại SAGE khuyến cáo sử dụng vắc xin Pfizer BioNTech theo Lộ trình Ưu tiên của WHO, thậm chí nếu biến thể mới của vi rút xuất hiện trong nước. Khi các quốc gia đánh giá nguy cơ và lợi ích, cần cân nhắc tình hình dịch tễ của địa phương.
Các phát hiện ban đầu cho thấy nhu cầu cấp thiết là phải có sự phối hợp chặt chẽ trong giám sát và đánh giá các biến thể cũng như tác động tiềm năng của chúng đối với hiệu quả vắc xin. Khi có thêm số liệu mới WHO sẽ cập nhật các khuyến cáo.
Ai nên tiêm vắc xin này?
Vắc xin Pfizer an toàn và hiệu quả ở những người có nhiều bệnh lý nền liên quan tới việc tăng nguy cơ mắc bệnh nặng.
Các bệnh nền bao gồm tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản, bệnh phổi, gan, thận cũng như các bệnh truyền nhiễm mạn tính đã ổn định và được kiểm soát.
Những người bị suy giảm miễn dịch có thể tiêm chủng sau khi được cung cấp thông tin và tư vấn.
Có thể tiêm chủng vắc xin cho người từng mắc COVID-19. Tuy nhiên, do nguồn cung vắc xin hạn chế nên những người này có thể hoãn tiêm phòng khoảng 6 tháng kể từ thời gian bị nhiễm virus SARS-CoV-2.
Hiệu quả vắc xin được đánh giá là tương tự ở phụ nữ đang trong thời kỳ cho con bú như với người trưởng thành khác. WHO không khuyến cáo dừng cho con bú sữa mẹ vì lý do tiêm phòng COVID-19.
Ai không nên tiêm chủng vắc xin này?
- Những người dị ứng với bất kỳ thành phần nào của vắc xin ngừa COVID-19 mRNA.
- Những người có phản ứng dị ứng nghiêm trọng (cần chăm sóc y tế) hoặc tức thì (phát ban, sưng tấy, thở khò khè) sau khi tiêm liều đầu tiên thì không nên tiêm liều thứ hai.
Khuyến cáo liều dùng
Hiệu lực bảo vệ bắt đầu 12 ngày sau liều đầu tiên nhưng để bảo vệ đầy đủ cần phải tiêm 2 liều theo khuyến cáo của WHO, khoảng cách giữa hai mũi tiêm là 21 - 28 ngày.
Cần nghiên cứu thêm để hiểu hơn về khả năng bảo vệ tiềm năng lâu dài sau một liều đơn. Hiện tại, khuyến cáo sử dụng cùng loại sản phẩm cho cả hai liều.
Tác dụng phụ nào có thể xảy ra?
Trên cánh tay, nơi được tiêm có thể đau, mẩn đỏ, sưng tấy. Người tiêm có khả năng mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, ớn lạnh, sốt, buồn nôn.
Các tác dụng phụ này xảy ra trong vòng 1 - 2 ngày kể từ khi tiêm vắc xin. Đó là dấu hiệu bình thường cho thấy cơ thể đang tạo ra kháng thể. Các biểu hiện đó sẽ biến mất trong vòng vài ngày.
Ngày 31/12/2020, vắc xin Pfizer được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt cho nhu cầu tiêm chủng khẩn cấp. Tới nay, loại vắc xin trên được hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ sử dụng. Hãng Pfizer dự kiến sản xuất 2,5 tỷ liều vắc xin trong năm 2021.
Vắc xin Pfizer dùng công nghệ mRNA được đánh giá có tính đột phá trong cuộc chiến chống COVID-19 và cả ung thư. Theo đó, vắc xin sử dụng mRNA xuất xứ từ phòng thí nghiệm để hướng dẫn các tế bào tạo ra các protein của virus corona, thúc đẩy hệ miễn dịch hoạt động.