Trao đổi với Tiền Phong, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý An toàn Thực phẩm TPHCM cho biết, công tác quản lý chất lượng, an toàn với các mặt hàng mua bán ở “chợ trời” đang đối mặt với nhiều khó khăn đặc biệt là dịp Tết cận kề.
Sử dụng từ khóa “thực phẩm online” trên công cụ tìm kiếm của Google chỉ trong 0,90 giây đã cho ra 251 triệu kết quả với hàng loạt các thông tin quảng cáo khác nhau. Tuy nhiên, theo bà Phạm Khánh Phong Lan, hầu hết các cá nhân, đơn vị đang kinh doanh thực phẩm trên mạng xã hội đều là tự phát, chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, trừ những cơ sở sản xuất, doanh nghiệp lớn.
Cuối năm là thời điểm thị trường thực phẩm nhộn nhịp nhất Ảnh: Vân Sơn
Lý giải cho thực tế trên, Trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TPHCM cho rằng, sự phát triển của công nghệ thông tin với các nền tảng mạng xã hội đã tạo ra một thị trường mới buôn bán thực phẩm rất nhộn nhịp người mua người bán chỉ việc ngồi lướt điện thoại, nhấp chuột, phần còn lại đã có người giao hàng làm công tác vận chuyển.
Bên cạnh đó, dịch bệnh đã tạo ra một làn sóng kinh doanh mới theo hình thức “người người bán thực phẩm, nhà nhà bán thực phẩm”. Trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, TPHCM phải thực hiện các giải pháp giãn cách xã hội khiến việc mua bán thực phẩm tại các chợ truyền thống có giai đoạn phải tạm ngừng hoạt động, những người bán thực phẩm online đã chớp thời cơ tiếp cận khách hàng.
Việc mở một tài khoản bán hàng trên mạng xã hội hoặc sử dụng trang thông tin của cá nhân để buôn bán thực phẩm hiện nay theo bà Lan là rất dễ dàng, chưa có quy định quản lý, không phải đóng thuế nên ngày càng nhiều người tham gia. Tuy nhiên, nguồn gốc, chất lượng sản phẩm thì không rõ ràng, việc mua bán hầu hết dựa trên thông tin một chiều do người bán cung cấp.
Mặt khác, khi các chợ truyền thống tạm ngừng hoạt động cũng là thời điểm chợ tự phát tại TPHCM mọc lên như nấm.
“Chúng tôi đang rất đau đầu trong việc xử lý đối với những người buôn thúng bán bưng tại các điểm chợ tự phát. Họ phần lớn là những người có hoàn cảnh khó khăn, người mất việc làm bất đắc dĩ phải mưu sinh bằng việc buôn bán tự phát. Xử lý họ thì rất tội nhưng không xử lý thì không được vì chỉ nhìn bằng mắt thường cũng có thể thấy thực phẩm khó đảm bảo được chất lượng khi người bán ngồi xổm, ngồi bệt, thịt cá bày bán dưới đất, không có quầy sạp, không tủ bảo quản”.
Để ngăn chặn tình trạng trên, bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, chính quyền địa phương cần phải quyết liệt hơn trong công tác quản lý, xử lý dứt điểm đối với các điểm chợ tự phát. Với hình thức buôn bán trên mạng xã hội cũng cần sớm có hành lang pháp lý để ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại, bảo vệ người tiêu dùng và có cơ sở pháp lý cho hoạt động thành kiểm tra, xử lý vi phạm có liên quan đến an toàn thực phẩm.
Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TPHCM triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán và mùa lễ hội xuân 2022. Theo đó, các đoàn kiểm tra của thành phố và quận huyện sẽ tập trung thanh kiểm tra các mặt hàng phục vụ Tết và lễ hội như thịt và các sản phẩm từ thịt; bia rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau - củ - quả, phụ gia thực phẩm. Hoạt động kiểm tra sẽ được thực hiện từ nay đến hết ngày 22/3/2022.