Giải đua F1 là một sự kiện truyền hình lớn, với hàng triệu người theo dõi cuộc đua trên khắp thế giới. Là môn thể thao đắt đỏ nhất thế giới, hiệu ứng kinh tế của nó là rất rõ ràng. Lịch sử và sự phổ biến của môn thể thao này đã khiến cho nó trở thành một môi trường buôn bán hiển nhiên, dẫn đến sự đầu tư cao từ những nhà tài trợ, chuyển thành ngân sách cực lớn dành cho các đội đua.
Với lượng khán giả truyền hình tích lũy hàng năm lên đến 1,8 tỷ người, giải đua F1 hiện đang có hơn 506 triệu người hâm mộ toàn cầu và số người tham dự trung bình cho mỗi lần tổ chức là khoảng 200.000 người, qua đó tạo ra lợi ích cả về văn hóa và kinh tế cho một thành phố chủ nhà.
Tổ chức giải đua F1 là cơ hội lớn để quảng bá hình ảnh, văn hóa của Việt Nam nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng, đưa tên tuổi Việt Nam lên bản đồ quốc tế gắn liền với các sự kiện thể thao lớn và danh giá nhất thế giới.
Đây cũng là một cơ hội để Việt Nam có thêm các sản phẩm du lịch cao cấp mới, thu hút du khách quốc tế, cũng như tạo điều kiện giao lưu, xúc tiến đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong các lĩnh vực qua đó thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế nước nhà.
Trong quá khứ, giải đua xe F1 United States Grand Prix được tổ chức tại The Circuit of the Americas đã đóng góp đáng kể cho nền kinh tế địa phương, với tổng giá trị tác động kinh tế đến khu vực Austin Metro từ năm 2012 đến 2015 lên con số 2,8 tỷ USD.
Tương tự như vậy, một nghiên cứu gần đây của PriceWaterhouseCoopers đã phát hiện ra rằng giải đua F1 Azerbaijan Grand Prix ở Baku đã tạo ra 277,3 triệu USD cho nền kinh tế nước nhà trong năm 2016 và 2017.
Với việc phát sóng trực tiếp tới hơn 200 vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, giải đua F1 luôn khiến người hâm mộ phấn khích qua việc tạo ra hơn 635 giờ phát sóng. Một thành phố chủ nhà sẽ có thể đạt được một hình ảnh tích cực trước khán giả toàn cầu, qua đó mở ra những cơ hội mới cho các sự kiện thể thao và giải trí lớn trong tương lai.
Trong năm 2019, giải đua F1 Mexican Grand Prix đã tạo ra gần 300 triệu USD cho các phương tiện truyền thông toàn cầu và hơn 46,5 triệu USD cho các phương tiện truyền thông của Mexico.
Giải đua F1 năm 2019 có 21 chặng đua ở 21 quốc gia, 5 châu lục, 9 tháng thi đấu và 4 lễ hội cho người hâm mộ. Có thể nói, với một sự kiện lớn như giải đua F1, sức lan toả sẽ vô cùng mạnh mẽ vì không đơn thuần là sự kiện thể thao quốc tế trong 3 ngày diễn ra chặng đua chính thức tại Việt Nam, mà còn là một lễ hội đích thực với chuỗi các hoạt động giải trí trước và sau sự kiện. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức với ngành du lịch Hà Nội khi phải đáp ứng khối lượng dịch vụ khổng lồ
Theo thống kê từ ban tổ chức Grand Prix, hơn 200.000 người sẽ tham dự cho mỗi cuộc đua và trung bình 53% đến từ nước ngoài. Tại giải đua F1 Mexican Grand Prix, thành phố Mexico đã phải tăng 12% công suất phòng khách sạn tại các khách sạn 4 và 5 sao và trung bình chi tiêu cuối tuần cho mỗi khách là 2.100 USD (không bao gồm vé).
Kể từ Grand Prix đầu tiên của họ vào năm 2008, Singapore đã tiếp đón hơn 450.000 du khách quốc tế, những người đã đóng góp khoảng 1,4 tỷ USD vào các khoản thu cho ngành du lịch.
Với việc được tổ chức hàng năm, giải đua F1 Grand Prix sẽ luôn mang đến giá trị gia tăng cho cả việc làm hàng năm và thời vụ cho quốc gia đăng cai tổ chức sự kiện. Khi Grand Prix tới Montreal, giải đấu này đã tạo ra thêm 640 việc làm ở khu vực Quebec trong xuyên suốt thời gian tổ chức sự kiện.
Ngoài ra, các hoạt động hàng năm của giải đua xe F1 United States Grand Prix được tổ chức tại The Circuit of the Americas đã hỗ trợ gần 9.100 việc làm ở địa phương tổ chức, tương đương cho 306 triệu USD trong biên chế hàng năm cho công nhân khu vực Austin.