CNBC đưa tin theo số liệu mới nhất của S&P Global Market Intelligence, giá cước vận tải tiếp tục lao dốc do khối lượng thương mại toàn cầu thu hẹp vì nhu cầu sụt giảm.
Theo nhóm nghiên cứu, giá cước vận tải sụt giảm một phần do tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng thuyên giảm. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu nằm ở nhu cầu đối với container và tàu chở hàng lao dốc vì ít hàng hóa cần vận chuyển hơn.
"Tình trạng tắc nghẽn tại các cảng đang giảm đi và khối lượng hàng hóa lao dốc là những lý do chính khiến giá cước vận tải giảm đi đáng kể", S&P nhận xét.
|
Giá cước vận tải tiếp tục lao dốc do khối lượng thương mại toàn cầu sụt giảm. Ảnh: Reuters.
|
Khối lượng giao dịch hàng hóa sụt giảm
"Khi khối lượng giao dịch giảm đi, chúng tôi cho rằng tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng sẽ không trở lại trong những quý tới", nhóm nghiên cứu nói thêm.
Giá thuê container và tàu chở nguyên liệu thô, hàng rời đã sụt giảm trong 3 tháng qua. S&P cho biết vào quý II, giá cước vận tải quay đầu lao dốc sớm hơn dự kiến của giới quan sát.
"Do tính thời vụ của thị trường, giá cước vận chuyển hàng rời, nguyên liệu thô thường đạt đỉnh trong quý III. Tuy nhiên, theo đánh giá triển vọng thị trường của S&P Global Market Intelligence, giá có thể đã đạt đỉnh vào quý II", công ty nhận định.
Các mô hình dự báo của S&P chỉ ra Baltic Dry Index sẽ giảm khoảng 20-30% trong năm nay trước khi phục hồi nhẹ vào năm 2024. Chỉ số này đo lường xu hướng tăng, giảm của giá cước vận tải đối với những nguyên liệu thô chính được vận chuyển bằng đường biển.
|
Giá thuê container và tàu chở nguyên liệu thô, hàng rời trên toàn cầu đã sụt giảm trong 3 tháng qua. Ảnh: Reuters.
|
CNBC nhận định sự sụt giảm trong giá cước vận tải cho thấy nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu đang ngày càng gia tăng. Chi phí sinh hoạt tăng cao khiến nhu cầu của người tiêu dùng lao dốc.
Sự chậm lại trong tăng trưởng thương mại toàn cầu là dấu hiệu của một cuộc suy thoái. Điều này đã được nhấn mạnh trong báo cáo Phong vũ biểu Thương mại Hàng hóa vừa được Tổ chức Thương mại Toàn cầu (WTO) công bố.
Báo cáo được công bố trong tháng 8 cho thấy trong quý I, khối lượng thương mại hàng hóa thế giới tăng trưởng 3,2% so với cùng kỳ năm trước, giảm từ mức tăng 5,7% của quý cuối năm ngoái.
Tăng trưởng thương mại chậm lại một phần do xung đột ở Ukraine và các đợt phong tỏa ở Trung Quốc để đối phó với đại dịch.
Bất ổn gia tăng
Theo báo cáo, WTO từng dự báo thương mại toàn cầu sẽ tăng lên trong năm nay, tuy nhiên, sự không chắc chắn đã leo thang "do xung đột đang diễn ra ở Ukraine, áp lực lạm phát gia tăng và việc các nền kinh tế tiên tiến thắt chặt chính sách tiền tệ".
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã nâng lãi suất 2,25 điểm phần trăm trong năm nay, nhưng Chủ tịch Jerome Powell khẳng định vẫn chưa thể "dừng hoặc tạm ngừng tăng lãi suất", ngay cả khi việc này có thể cản trở tăng trưởng kinh tế.
Kinh tế Mỹ đã ghi nhận GDP sụt giảm trong 2 quý liên tiếp. Giới quan sát cho rằng FED khó có thể hạ nhiệt lạm phát mà không đẩy nền kinh tế hàng đầu thế giới vào suy thoái.
S&P Global Market Intelligence cũng thừa nhận những lo ngại này.
"Chúng tôi cho rằng thị trường hàng rời, nguyên liệu thô sẽ được cải thiện trong những tháng tới. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, giá cước vận tải có thể lao dốc do tăng trưởng kinh tế chậm hơn dự kiến, sự suy yếu của lĩnh vực bất động sản tại Trung Quốc và tình trạng tắc nghẽn giảm bớt", ông Daejin Lee - nhà phân tích tại S&P Global Market Intelligence - nhận định.
Mới đây, Trung Quốc đã gia hạn lệnh phong tỏa đối với một số quận tại Thành Đô - một trong những thành phố lớn nhất Trung Quốc. Ngoài Thành Đô, các thành phố lớn khác như Thiên Tân, Thạch Gia Trang, Đại Liên và nhiều khu vực ở Thâm Quyến cũng đang siết chặt hạn chế để chống dịch.
Theo S&P, nếu Trung Quốc thay đổi chính sách Zero-Covid (đưa số ca nhiễm mới về 0), hoặc Nga và Ukraine đi đến thỏa thuận ngừng bắn, giá cước vận tải đối với nguyên liệu thô sẽ tăng lên. Nhưng giá có thể bị đẩy xuống thấp khi nhu cầu hàng hóa và tiêu dùng chậm lại.
Theo Chỉ số Áp lực Chuỗi cung ứng Toàn cầu của Cục Dự trữ Liên bang (FED) chi nhánh New York, áp lực đối với chuỗi cung ứng toàn cầu đang trên đà giảm dù vẫn ở mức cao nhất lịch sử.