Thủ tướng nói về khát vọng thịnh vượng của gần 100 triệu người Việt

Google News

Trước hàng trăm đại biểu dự Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế vừa nhanh, vừa bền vững.

Dẫn lại so sánh của giáo sư Jay Rosengard (Đại học Harvard), Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đặt vấn đề cần làm gì để Việt Nam không phải chỉ là “còn mèo nhỏ” mà phải trở thành “con hổ mới” của kinh tế châu Á khi bắt đầu phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019 chiều 17/1.
Ông nhấn mạnh Việt Nam hiện đã đạt đến một trình độ phát triển kinh tế mà để tiếp tục tiến bước trở thành một nước có thu nhập cao hơn cần phải có sự đột phá trong chính sách. Diễn đàn lần này chính là cơ hội để Đảng và Chính phủ lắng nghe các ý kiến góp ý, giúp tìm ra con đường tốt nhất cho mục tiêu trở thành nước thịnh vượng trong tương lai.
Vấn đề mà ông Nguyễn Văn Bình nêu đã được nhiều chuyên gia, nhà kinh tế trong và ngoài nước thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019 với một phiên chính và 3 phiên chuyên đề. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến dự và đưa ra nhiều quan điểm phát triển rõ ràng của Chính phủ.
Những thách thức chờ đợi Việt Nam
Trình bày tham luận tại diễn đàn, nhiều chuyên gia quốc tế chỉ ra những vấn đề mà Việt Nam phải đối mặt nếu muốn phát triển nhanh và bền vững. Ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng châu Á (ADB) tại Việt Nam cho biết với độ mở lớn trong khu vực, quản lý kinh tế vĩ mô của Việt Nam sẽ khó khăn hơn trong bối cảnh tình trạng suy giảm kinh tế toàn cầu.
Ông khuyến nghị Việt Nam phát triển theo bề rộng mà nên theo chiều sâu, nâng cao chất lượng thực sự cho nền kinh tế, đảm bảo cho trung hạn và bền vững. Việt Nam cũng cần nâng cao hiệu suất tăng trưởng, hài hòa hóa sự tham gia của tư nhân vào nền kinh tế và khuôn khổ chính sách đầu tư theo chuẩn quốc tế.
"Quá trình đi đến quốc gia thịnh vượng sẽ có những thăng trầm nhưng chúng ta cần đảm bảo không có những cú sốc đối với nền kinh tế", ông nói.
Thu tuong noi ve khat vong thinh vuong cua gan 100 trieu nguoi Viet
 Hàng chục diễn giả, chuyên gia trao đổi về định hướng phát triển kinh tế Việt Nam tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019. Ảnh: Việt Hùng.
Đồng tình, Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione cho rằng Việt Nam mới chỉ tham gia chuỗi sản xuất của thế giới, chưa sâu, nên chưa gặt hái lợi ích mở cửa với bên ngoài cho doanh nghiệp nội.
Việt Nam thiếu nhà cung cấp trong nước có chất lượng tốt. Hiện, chỉ có 9% doanh nghiệp trong nước có chứng chỉ quốc tế về chất lượng
Đáng lo hơn, tỷ trọng giá trị nội địa của Việt Nam hiện đã giảm theo thời gian, đóng góp của Việt Nam thấp trong các sản phẩm xuất khẩu cao, giá trị nội địa sản phẩm điện tử chỉ chiếm 40%, còn lại 60% là nguyên liệu nhập khẩu.
Nguyên nhân của tình trạng này cho thấy Việt Nam thiếu nhà cung cấp trong nước có chất lượng tốt. Hiện, chỉ có 9% doanh nghiệp trong nước có chứng chỉ quốc tế về chất lượng.
Từ đó, ông Ousmane Dione khuyến nghị các ngành chức năng Việt Nam nâng cao giá trị doanh nghiệp trong nước để kết nối, tận dụng hợp tác với FDI và chuỗi giá trị toàn cầu.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thì cảnh báo biến đối khí hậu sẽ đặt ra các thách thức cho Việt Nam trong giai đoạn tới. Ông cũng khuyến nghị Việt Nam cần bảo đảm an ninh năng lượng, động lực sống còn giúp phát triển kinh tế.
Việt Nam cần làm gì?
Trong phần thảo luận của mình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhắc lại Đảng đã có định hướng về phát triển nhanh và bền vững với 3 đột phá chiến lược là thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Tuy nhiên, mỗi giai đoạn phát triển, trong các nội hàm đột phá sẽ phải có trọng tâm trọng điểm khác nhau.
Về thể chế, ông Nguyễn Văn Bình cho rằng thế giới hiện đại đã "phẳng hơn", do đó sự cạnh tranh giữa các quốc gia đã khác.
"Quốc gia này hơn quốc gia kia không phải là về vật chất, mà là thể chế. Các nước cạnh tranh với nhau là để có môi trường thể chế tốt nhất, có sức cạnh tranh nhất", ông nói.
Ông Bình nhấn mạnh từ thể chế sẽ thu hút nhà đầu tư và có nguồn lực, không chỉ trong nước mà toàn cầu. Có thể chế tốt cũng sẽ giúp có khoa học công nghệ. Đó là tất cả những yếu tố cơ bản để phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
Thu tuong noi ve khat vong thinh vuong cua gan 100 trieu nguoi Viet-Hinh-2
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình: "Quốc gia này hơn quốc gia kia không phải là về vật chất, mà là thể chế. Các nước cạnh tranh với nhau là để có môi trường thể chế tốt nhất, có sức cạnh tranh nhất". Ảnh: Việt Hùng.
Cụ thể hơn, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng ngoài việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đáp ứng các FTAs, thì cần xây dựng được môi trường pháp lý cho phát triển kinh tế số. Ông nhấn mạnh cứ nói nhiều đến kinh tế số thì phải có môi trường pháp lý.
“Thời gian vừa qua đã có mâu thuẫn về khuôn khổ pháp lý như Fintech với ngân hàng, như Grab với taxi, đó cũng là do môi trường pháp lý. Để đáp ứng Cách mạng công nghiệp 4.0 thì ưu tiên làm ngay thể chế”, ông nói.
Về hạ tầng, ông Nguyễn Văn Bình cho rằng Việt Nam đã có nhiều cải thiện nhưng vẫn kém xa so với thế giới. Ông lấy ví dụ chi phí logistics quá cao khiến nền kinh tế khó cạnh tranh. Do đó thời gian tới cần tiếp tục xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.
Bên cạnh đó, hạ tầng về năng lượng và hạ tầng số là vấn đề cần được quan tâm. Nhu cầu vốn để phát triển năng lượng đến năm 2030 dự kiến lên tới 150 tỷ USD, do đó, cần có bài toàn huy động nguồn lực này. Hạ tầng số như mạng 5G, công nghệ thông tin cũng rất cần đột phá khi bước vào Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Về đột phá trong nguồn nhân lực, ông Nguyễn Văn Bình lưu ý chú trọng đào tạo con người, đặc biệt là khoa học công nghệ. Chỉ khi đó mới có thể tăng năng suất và chất lượng cho nền kinh tế, nhanh chóng ứng dụng khoa học kỹ thuật.
“Làm ra khoa học công nghệ chính là con người. Chúng ta phải đổi mới toàn diện giáo dục - đào tạo, đặc biệt đại học, học nghề, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, từ đó giúp thực hiện thành công chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng”, ông nói.
Liên quan đến vấn đề nguồn nhân lực, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cho rằng không cần lo ngại về việc chảy máu chất xám. Ông nêu quan điểm tôn trọng sự lựa chọn, quyền con người.
"Họ có thể làm việc ở chỗ nào muốn để có thể phát huy hết sở trường, kể cả trong nước hay ngoài nước, tư nhân hay Nhà nước. Lo ngại này không phải lớn nhất mà đáng lo nhất là không có người Việt Nam làm việc", ông nói.
Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển nhanh, bền vững
Trong phần phát biểu bế mạc diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển, Chính phủ đặt mục tiêu vừa tăng trưởng kinh tế nhanh, vừa bền vững.
"Điều này đã không chỉ là khẩu hiệu mà thực sự trở thành quyết tâm hành động của Việt Nam bởi tiềm năng còn rất lớn. Quan trọng hơn cả là gần 100 triệu người dân Việt Nam luôn nuôi dưỡng khát vọng mãnh liệt trở thành một quốc gia độc lập, tự cường và thịnh vượng", ông nói.
Chính vì thế, Chính phủ sẽ tập trung vào những vấn đề trọng tâm như quyết tâm giữ vững sự ổn định chính trị, xã hội và củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô lẫn vi mô vững chắc.
Chính phủ cam kết thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các cải cách về cơ cấu, nâng cao chất lượng thể chế pháp luật và năng lực quản trị Nhà nước để cải thiện tăng trưởng tiềm năng từ 7% trở lên, cải cách nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước, thúc đẩy kinh tế tư nhân.
Thu tuong noi ve khat vong thinh vuong cua gan 100 trieu nguoi Viet-Hinh-3
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Việt Hùng.
Chính phủ cũng sẽ thúc đẩy và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp rộng khắp, khuyến khích đổi mới sáng tạo, thực thi bảo vệ quyền tài sản cho nhà đầu tư và doanh nghiệp; dành ưu tiên đầu tư cho khoa học công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.
“Chúng ta có quyết tâm nhằm giải quyết rốt ráo những tồn tại, bất cập của nền kinh tế; và quan trọng hơn cả là bắt nhịp vào những chuyển động nhanh của Cách mạng công nghiệp 4.0, của tiến trình toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại và đầu tư”, ông nói.
Cuối cùng, ông gửi lời cảm ơn nhiều chuyên gia, chính trị gia đã có những ý kiến tham luận tâm huyết, sâu sắc vì một Việt Nam thịnh vượng. Ông cũng đề nghị Ban Kinh tế Trung ương, các bộ, ngành tiếp thu tối đa ý kiến, tham mưu cho Đảng, Chính phủ, Quốc hội nhằm củng cố nền tảng tăng trưởng nhanh và bền vững của nước ta trong thời gian tới.
Theo Hiếu Công/Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)