Mới vào trại Tân Lập thi hành bản án 19 năm 6 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” được gần 2 năm nhưng cái tên Bùi Hồng Quảng, SN 1985, trú tại xã Quy Mỹ, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình được nhiều người biết đến. Không phải vì Quảng quậy phá hay có thành tích gì đặc biệt mà bởi bài hát “thương mẹ” do anh ta phổ nhạc theo lời thơ của một phạm nhân đã đánh trúng tâm tư thầm kín của những người đang cải tạo trong trại giam.
Mất tất cả vì ham mê cờ bạc
Tâm sự với chúng tôi, Quảng vẫn chưa dứt ra được khỏi những mặc cảm của mình về những gì đã gây ra cho bản thân cũng như gia đình. Quảng bảo: “Tôi đang phải trả giá cho những sai lầm, trả giá cho những ngày tháng ham chơi lêu lổng của mình, nghĩ lại những đánh mất, xót xa lắm”.
Hiện Quảng đang cải tạo ở đội 7 phân trại số 3 trại giam Tân Lập. Công việc chính của anh ta là khâu bóng nhưng ngoài thời gian lao động ra, Quảng tìm đến thú vui đọc sách và những vần thơ của người bạn cùng đội cải tạo đã cho Quảng có thời gian quay lại với ước mơ thuở nào.
Quảng sinh ra trong một gia đình trí thức, bố mẹ đều là công chức Nhà nước nên chuyện ăn ở, học hành đều được cha mẹ quan tâm, chăm chút. Là con út nên Quảng được bố mẹ ưu ái hơn các anh chị trong nhà. Quảng nộp hồ sơ thi vào trường văn hóa nghệ thuật để rồi sau mấy năm đèn sách, Quảng trở thành giáo viên dạy nhạc của một trường THCS ở Hòa Bình. Một thời gian sau, Quảng lấy vợ, cũng là một đồng nghiệp và giữa hai người có một cậu con trai.
Sẽ chẳng có gì phải nói nếu như Quảng cứ dành tâm huyết cho công việc và vun vén cho mái ấm của mình. Thế nhưng chẳng hiểu ma xui quỷ khiến thế nào, Quảng bỗng thích chơi cờ bạc và những con số của lô đề và sự hư ảo của những ván bài như có ma lực khiến Quảng mụ mẫm. Bỏ ngoài tai những lời khuyên can của cha mẹ và cả những đêm rủ rỉ, mếu khóc của vợ, Quảng ngày càng lấn sâu hơn vào sự đam mê của mình. Thậm chí nhiều lần, thấy cậu con trai khóc mếu vì không có tiền đóng học, Quảng cũng chỉ chạnh lòng đôi chút rồi quên ngay.
“Tôi đi dạy ở trường cũng gần chục năm rồi, được biên chế hẳn hoi. Nhiều người nhìn vào thì thèm muốn vậy mà tôi lại không coi trọng những gì mình đã đạt được. Tôi lao vào cờ bạc, bị vòng xoáy của cờ bạc, lô đề nhấn chìm đến không lối thoát”, Bùi Hồng Quảng tâm sự.
Theo lời anh ta thì đã rất nhiều lần bố mẹ Quảng ôm tiền đi trả nợ cho con trai, cố mong Quảng giữ được cái nghề giáo viên nhưng anh ta vẫn chứng nào tật nấy.
“Gia đình tôi rất khá giả, bố mẹ có kinh tế nên chuyện lo vài trăm triệu không khó. Tôi hiểu điều đó nên bỏ qua tất cả những lời khuyên can của bố mẹ, bạn bè, đồng nghiệp. Tôi lao vào cờ bạc như một con thiêu thân, làm tất cả những gì có thể miễn là có tiền để đánh bạc”, Quảng nhớ lại.
Không còn tiền đánh bạc, Quảng bắt đầu nghĩ cách mượn tiền của mọi người để chơi và khi nợ nần chồng chất có khả năng bị tố giác, Quảng lại chạy về cầu cứu cha mẹ. Thương con, bố mẹ Quảng đã phải bán tất mọi thứ trong nhà nhưng cũng không đủ để cứu vớt con trai khỏi vòng lao lý. Với số tiền gần 2 tỷ đồng vay mượn của những người xung quanh mà không có khả năng thanh toán, Quảng bị kết tội lừa đảo và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Cuối năm 2017, Bùi Hồng Quảng về trại giam Tân Lập cải tạo.
|
Các phạm nhân nam đang cải tạo lao động. |
Và bài hát thức tỉnh những con người tội lỗi
“Vì thương con, bố mẹ tôi đã có một quyết định cuối cùng là bán nốt căn nhà đang ở để trả nợ cho tôi nhưng vẫn không đủ. Tôi hiểu việc đưa ra quyết định bán nhà là một điều thật khó khăn với cha mẹ nhưng tình thương mà ông bà dành cho tôi còn lớn hơn cả khó khăn ấy. Họ đã hy sinh tất cả vì tôi, không một lời than vãn trong khi tôi chẳng đem lại gì cho bố mẹ ngoài những tai tiếng và đau khổ”, Quảng bộc bạch, đôi mắt rớm lệ. Anh ta tự nhận mình là đứa con bất hiếu, giờ này chỉ còn biết cầu mong bố mẹ mạnh khỏe, bình an để anh ta “yên tâm cải tạo”.
Theo lời Quảng thì ngày mới vào trại giam, anh ta không tránh khỏi mặc cảm mỗi khi được hỏi về nghề nghiệp trước đây của mình. Nhưng những vần thơ tươi trẻ của người bạn cùng đội cải tạo đã khiến Quảng phải nhìn nhận lại. Người bạn ấy là phạm nhân Đỗ Văn Khiêm, quê ở Nam Định, phạm tội Giết người, chưa học hết phổ thông và trong người lại mang căn bệnh thế kỷ nhưng lúc nào cũng lạc quan, vui vẻ. Khiêm không chỉ cải tạo tốt mà còn sáng tác thơ. Những bài thơ về mẹ, về cuộc sống trong trại và cả về quản giáo, cán bộ trại giam… đã khiến Quảng xúc động thực sự.
“Tôi đã thực sự ngỡ ngàng khi biết Khiêm mới học hết lớp 9, chưa một ngày được bổ túc kiến thức về thơ ca. Những âm vần, niêm, luật của thơ, Khiêm không hề nắm được mà anh ta chỉ sáng tác theo cảm hứng của mình…Tôi quí mến và cảm phục Khiêm bởi trong môi trường tù tội này mà anh ta vẫn còn tâm trí để mày mò học hỏi và tìm hiểu để tự bổ túc cho bản thân kiến thức về thơ ca. Chính thơ của Khiêm đã là lời nhắn nhủ và thức tỉnh tôi”, phạm nhân Bùi Hồng Quảng cho biết.
Và như lời Quảng tâm sự, trong những bài thơ của Khiêm, Quảng đã tìm thấy một bài thơ viết về mẹ mà khi đọc lên, Quảng như thấy bóng dáng của mẹ mình trong đó. Và trong sự dâng trào những cảm xúc về mẹ, về nỗi ân hận, day dứt và cả những trăn trở của người con có lỗi, Quảng đã cho ra đời bài hát “Thương mẹ”, phổ theo lời bài thơ của phạm nhân Đỗ Văn Khiêm.
Sau khi bài hát ra đời, không chỉ được các phạm nhân cùng đội đón nhận mà nó còn đến với các phạm nhân khác. Sự tương đồng về hoàn cảnh và cả những tâm tư suy nghĩ của người con lầm lỗi trong bài hát thương mẹ đã trở thành niềm an ủi, động lực cho tất cả các phạm nhân đang cải tạo ở trại giam Tân Lập. Quảng bảo hôm trình diễn văn nghệ, Quảng đã đánh đàn cho đội văn nghệ hát bài hát này và anh ta nhìn thấy rất nhiều phạm nhân dưới hội trường đưa tay lau nước mắt. Họ xúc động giống như lần đầu Quảng hoàn thiện bài hát vậy.
“Cuộc đời tôi có những thăng trầm và vấp ngã. Tôi từng có rất nhiều thứ nhưng lại tự mình hủy hoại tất cả. Giờ đây tôi chỉ mong hai chữ bình yên đến với bố mẹ, vợ con mình để tôi yên tâm cải tạo”, Quảng chia sẻ tâm tư.
Anh ta cho biết sẽ tiếp tục sáng tác nhiều bài hát nữa và coi đó là động lực để tiếp tục vững bước trên con đường tìm lại chính mình.