CTCP Thế giới Di động (HoSE: MWG) ghi nhận doanh thu 9 tháng đạt 76.763 tỷ đồng, tăng 17% so cùng kỳ năm 2018. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 2.975 tỷ đồng, tăng 36% so cùng kỳ.
Trong 9 tháng qua, Thế giới Di động ghi nhận sự tăng trưởng tới 522 cửa hàng, lên con số 2.706 cửa hàng. Trong đó, Bách hóa Xanh tăng vọt 379 cửa hàng để đạt mức 788 cửa hàng; Điện máy Xanh tăng 170 lên 907 cửa hàng; Thegioididong và Điện máy Xanh tăng 143 lên 1.918 cửa hàng.
Với sự lớn mạnh của hàng loạt cửa hàng thì bài toán vốn đã được Thế giới Di động giải quyết như thế nào?
|
Tiền nhiều, vì sao Thế giới Di động vẫn vay tín chấp hàng ngàn tỷ từ ngân hàng ngoại? |
Tại thời điểm cuối tháng 9/2019, tiền mặt của Thế giới Di động ở mức 3.697 tỷ đồng, xấp xỉ đầu kỳ.
Còn đầu tư tài chính ngắn hạn tăng vọt từ 51 tỷ của đầu kỳ lên tới 4.275 tỷ đồng, gấp gần 84 lần. Chủ yếu khoản tiền gửi và trái phiếu ngắn hạn có kỳ hạn từ 3 đến 1 năm và hưởng tiền lãi theo lãi suất dao động từ 7,2%/năm đến 7,7%/năm. Đây là mức lãi suất khá cao so với mặt bằng lãi suất tiền gửi đối với kỳ hạn dưới 1 năm.
Rõ ràng là lượng tiền dôi dư của Thế giới Di động tăng mạnh nhưng doanh nghiệp này vẫn gia tăng vay nợ trong thời gian này, vì sao vậy?
Cụ thể, tổng nợ phải trả của Thế giới Di động là 21.063 tỷ đồng, tăng thêm hơn 1.924 tỷ đồng so với đầu kỳ và gấp 1,8 lần vốn chủ sở hữu.
Trong đó, vay nợ tài chính ngắn hạn chiếm 8.912 tỷ đồng, cũng tăng hơn 3.000 tỷ đồng so đầu kỳ; vay nợ tài chính dài hạn giảm nhẹ so đầu kỳ, xuống 1.121 tỷ đồng.
Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính 9 tháng của Thế giới Di động dương tới hơn 2.328 tỷ đồng. Chính sự chênh lệch giữa tiền đi vay thêm về lớn hơn so với tiền trả bớt nợ vay là nguyên nhân tạo ra con số dương này.
Đáng nói, vay nợ ngắn hạn của Thế giới Di động đều là vay tín chấp tại các ngân hàng với lãi suất thả nổi nhằm bổ sung vốn lưu động. Các khoản vay này có kỳ hạn trả gốc trong 3 tháng cuối năm từ tháng 10 đến tháng 12.
Trong đó, chủ nợ lớn nhất của Thế giới Di động chính là các ngân hàng ngoại như HSBC Việt Nam (1.778 tỷ đồng), Sumitomo Mitsui Banking (1.249 tỷ đồng), Mizuho Bank (1.144 tỷ đồng), ANZ Việt Nam (1.017 tỷ đồng); trong nước có Vietcombank (711 tỷ đồng), BIDV (692 tỷ đồng, MBBank (495 tỷ đồng)...
|
Nguồn: Báo cáo tài chính MWG
|
Do đó mà trong kỳ, Thế giới Di động phải chi ra 412 tỷ đồng cho chi phí lãi vay, tăng 26% so cùng kỳ.
Còn vay dài hạn là các khoản trái phiếu thường trong nước được thu xếp bởi Ngân hàng Standard Chartered với lãi suất 6,55%/năm.
Tuy nhiên, cũng phải lưu ý rằng, từ trước đến nay, để tiếp cận được vay tín chấp quốc tế phần nhiều đến từ các ngân hàng, còn doanh nghiệp vắng bóng hơn. Bởi để vay được vay vốn ngoại với hình thức tín chấp, doanh nghiệp phải trải qua vòng đánh giá, thẩm định kỹ lưỡng.
Trong đó, tiêu chí quan trọng nhất là doanh nghiệp phải có tiềm lực tài chính lành mạnh, chiến lược kinh doanh rõ ràng… Những yếu tố này giúp định chế tài chính nước ngoài đánh giá tiềm năng phát triển của doanh nghiệp và xét cấp hạn mức cho vay tín chấp.