Mới đây, Công ty CP Tập đoàn Container Việt Nam (Viconship; mã: VSC) đã công bố thông tin nghị quyết Hội đồng quản trị triển khai phương án chào bán thêm gần 133,4 triệu cổ phiếu VSC cho cổ đông hiện hữu, mệnh giá 10.000 đồng/cp, tỷ lệ thực hiện 1:1 (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được mua thêm 1 cổ phiếu mới). Thời điểm thực hiện trong năm 2023 – 2024. Vốn điều lệ dự kiến tăng gấp đôi lên gần 2.668 tỷ đồng.
Đồng thời, Viconship cũng lên kế hoạch nhận chuyển nhượng thêm tối đa 44% vốn điều lệ của Công ty TNHH Cảng Nam Hải Đình Vũ (tương đương 1.320 tỷ đồng) từ Công ty TNHH Thương mại Kim Khí Xuất Nhập khẩu Huy Hoàng và Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Đoàn Huy. Nếu thương vụ thành công, Viconship dự kiến sở hữu 79% vốn điều lệ của Công ty TNHH Cảng Nam Hải Đình Vũ.
|
Thâu tóm cảng Nam Hải Đình Vũ, vì sao lợi nhuận Viconship vẫn tăng trưởng âm? (ảnh minh họa: Viconship).
|
Trước đó, vào cuối tháng 5/2023, Công ty CP Gemadept (mã: GMD) đã hoàn tất bán toàn bộ 84,66% vốn tại cảng Nam Hải Đình Vũ cho Viconship và các đối tác. Trong đó, hiện Viconship đang sở hữu 35% vốn điều lệ của Công ty TNHH Cảng Nam Hải Đình Vũ.
Đáng chú ý, trong thương vụ này, Viconship chỉ mua lại tài sản và cơ sở hạ tầng cảng Nam Hải Đình Vũ từ Gemadept, còn toàn bộ đội ngũ nhân lực, kỹ thuật điều hành cảng và khối khách hàng (yếu tố tạo nên doanh thu, lợi nhuận) vẫn được Gemadept giữ lại và chuyển sang các cảng khác. Công ty CP Nam Hải - Đình Vũ trở thành công ty liên kết của Container Việt Nam.
Theo ước tính ban đầu của Viconship, việc kiểm soát cảng Nam Hải Đình Vũ giúp công ty tối ưu hóa chi phí vận hành khi “liền thổ” với cảng VIP. Được biết, chi phí vận hành một hệ thống cầu cảng dài hơn 800m có thể giúp tiết giảm 10 - 30% chi phí so với việc vận hành 2 cầu cảng 400m. Ngoài ra, Viconship sẽ không phải chuyển tàu ra các cảng khác khi phát sinh tình huống trùng lịch tàu. Điều này trực tiếp làm giảm thêm chi phí thuê ngoài (hiện chiếm 5 - 10% doanh thu).
Như vậy, việc sở hữu cảng Nam Hải Đình Vũ giúp Viconship trở thành doanh nghiệp cảng lớn nhất tại Hải Phòng hiện nay, với tổng công suất khoảng 2,6 triệu TEU, tăng 36% so với năm 2022 và chiếm 30% thị phần khu vực.
Được biết, cảng Nam Hải Đình Vũ tại Hải Phòng là cảng container, chính thức hoạt động từ năm 2014, với công suất thiết kế 500.000 TEU/năm, chiếm 10% thị phần khu vực cụm cảng Hải Phòng. Cảng này sở hữu vị trí chiến lược tại khu vực hạ lưu sông Cấm, chiều dài cầu tàu lên tới 450m, khu vực quay tàu 250m, có thể tiếp nhận tàu 50.000 DWT, diện tích bãi CY là 200.000m2. Tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.
Gánh nặng nợ vay, “bào mòn” lợi nhuận
Theo báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất quý III/2023 vừa công bố, trong kỳ, Công ty CP Container Việt Nam (Viconship; mã: VSC) ghi nhận doanh thu thuần đạt 557 tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán tăng ít hơn doanh thu giúp lợi nhuận gộp của doanh nghiệp tăng 8% so với cùng kỳ năm trước.
Sau khi khấu trừ chi phí, kết quả, Viconship thu về 66,5 tỷ đồng lãi trước thuế, giảm 44,5% so với quý III/2022. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế quý III/2023 của công ty giảm tới 50,11% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 50,3 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ (lãi ròng) đạt 32,5 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ năm trước.
Theo giải trình của Viconship, nguyên nhân chủ yếu khiến lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp sụt giảm mạnh trong quý III năm nay là do trong kỳ, công ty ghi nhận khoản chi phí lãi vay ngân hàng tăng vọt lên 57,3 tỷ đồng. Mặt khác, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp trong kỳ cũng tăng. Việc chi phí lãi vay tăng đột biến của công ty diễn ra sau thương vụ mua lại cảng Nam Hải Đình Vũ cùng các đối tác.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Viconship ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.555 tỷ đồng, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận ròng lại giảm 69% xuống còn 81,3 tỷ đồng. Năm 2023, Viconship đặt mục tiêu doanh thu 2.250 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 260 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng, Viconship đã thực hiện 69% kế hoạch doanh thu và 66% kế hoạch lợi nhuận.
Tại thời điểm cuối quý III/2023, tổng tài sản của Viconship đạt 5.171 tỷ đồng. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản là khoản đầu tư tài chính dài hạn đạt 1.526 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với số đầu năm. Trong đó, khoản đầu tư vào Công ty TNHH Cảng Nam Hải Đình Vũ là 1.048 tỷ đồng.
Điểm đáng lưu ý, tính đến cuối quý III/2023, tổng nợ vay tài chính của Viconship khoảng 1.573 tỷ đồng, chủ yếu là vay dài hạn với 1.418 tỷ đồng. Trước đây, doanh nghiệp không có nợ vay nhưng từ quý IV/2022 bắt đầu phát sinh. Tại cuối năm 2022, Viconship có khoản vay nợ ngắn hạn 208 tỷ đồng và vay dài hạn 700 tỷ đồng.
Theo thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất, để phục vụ hoạt động kinh doanh, đầu tư của công ty mẹ, Viconship vay ngắn hạn Công ty CP Gemadept 150 tỷ đồng; vay dài hạn Ngân hàng TMCP Bảo Việt 700 tỷ đồng để thanh toán tiền mua cổ phần cảng Nam Hải Đình Vũ; vay 700 tỷ đồng từ các công ty con.
Theo đánh giá của Chứng khoán DSC, việc tăng cường nợ vay đột ngột làm tăng gánh nặng lãi vay có thể làm lợi nhuận Viconship tiếp tục tăng trưởng âm, trong khi các dự án mới chưa đóng góp đáng kể vào kết quả kinh doanh…