Dư luận gần đây đang "nóng" việc nhiều hãng taxi truyền thống "kêu cứu" vì không thể cạnh tranh nổi với Uber và Grab. Trong khi các hãng này bị ràng buộc bởi nhiều quy định thì Uber và Grab thoải mái "một mình, một ngựa", không chịu áp lực nào. Cùng điểm lại những gánh nặng của taxi truyền thống trước sự phát triển của Uber và Grab.
Mời độc giả xem video "Taxi Truyền Thống: Thay Đổi Hay Tụt Hậu?" (nguồn VTV24):
Giảm mạnh về doanh số
Được thành lập từ năm 2003, Vinasun là hãng taxi truyền thống có thị phần lớn nhất tại TP HCM. Tuy nhiên, đến năm 2015, sau một năm có Uber và Grab, Vinasun bắt đầu nhận ra sức ép cạnh tranh khi giá cưới của Uber và Grab rẻ hơn taxi truyền thống. Chính vì thế, Vinasun đã cho ra đời ứng dụng gọi xe Vinasun App để cạnh tranh.
Dù vậy lợi nhuận 3 quý đầu năm 2016 của Vinasun vẫn giảm. Để giữ tài xế không qua Uber và Grab, công ty này đưa ra chính sách tăng chiết khấu và ưu đãi cho tài xế.
|
Sự xuất hiện của Uber, Gbrab khiến các hãng taxi truyền thống gặp khó khăn. Ảnh minh họa: Internet. |
Đến tháng 2/2017, báo cáo tài chính năm 2016 cho thấy doanh thu của Vinasun không đạt kế hoạch, lợi nhuận giảm nhẹ. Ngay sau đó, Vinasun gây chú ý khi đưa việc kinh doanh bưởi da xanh lên những chiếc taxi. Những trái bưởi được bán trên xe là toàn bộ do công ty trồng. Đây cách mà ông chủ Vinasun muốn giúp tài xế taxi tăng thu nhập trong bối cảnh lợi nhuận doanh nghiệp ngày càng giảm.
Tháng 6 vừa qua, Vinasun cho biết đã có hơn 4.000 lao động nghỉ việc, hàng trăm đầu xe nằm trong bãi. Trước tình hình đó, taxi Vinasun đang nghiên cứu đến việc chuyển sang mô hình cho thuê xe - một biện pháp ứng phó lớn trước taxi công nghệ như Uber và Grab.
Cũng nằm trong hoàn cảnh tương tự như Vinasun, hãng taxi Mai Linh cho biết năm 2016 cũng ghi nhận lợi nhuận thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Đối với Mai Linh miền Bắc, lợi nhuận hợp nhất giảm hơn 22% xuống còn gần 34 tỷ đồng.
|
Nhiều nhân viên của các hãng taxi truyền thống nghỉ việc vì thu nhập giảm. Ảnh minh họa: Dân Việt. |
Doanh thu giảm khiến Mai Linh đưa ra kế hoạch đầu tư vào ứng dụng mới và cắt giảm nhân công để giảm chi phí.
Lao động bỏ việc hàng loạt
Trong khi đó, để thích nghi với nhu cầu mới của thị trường, Taxi Thành Công hoạt động trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận đã xây dựng một ứng dụng riêng trên nền tảng di động, có tên gọi Thành Công App, hoạt động tương tự như Uber và Grab.
Không chỉ có các hãng taxi truyền thống lớn mà nhiều doanh nghiệp taxi nhỏ cũng sụt giảm mạnh vể doanh số với mức giảm từ 35%-40%. Thậm chí, các doanh nghiệp còn phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động do tài xế nghỉ việc.
Rõ ràng, sự chiếm lĩnh thị trường tại Việt Nam một cách ngoạn mục của Uber và Gbrab đã khiến các taxi truyền thống gặp không ít khó khăn.
Xe ôm truyền thống cũng thất thế
Sự đổ bộ của Uber, Grab không chỉ làm khuynh đảo thị trường taxi mà xe ôm truyền thống cũng đang chịu chung số phận. Giá thành rẻ, tiện dụng, nên xe ôm công nghệ như Uber, Grab ngày càng được ưa chuộng. Đó cũng là nguyên nhân khiến xe ôm truyền thống ngày càng bị thu hẹp địa bàn hoạt động và giảm thu nhập đáng kể.
|
Xe ôm truyền thống mất dần địa bàn hoạt động trước Grab và Uber. Ảnh: Zing |
Nếu như trước kia, một xe ôm truyền thống có thể chạy 20 - 25 chuyến, thì nay chỉ còn trên dưới 10 chuyến. Vì giảm nhu cầu nên xe ôm truyền thống có hai hướng lựa chọn. Một là chuyển sang chạy thuê cho các hãng xe ôm hiện đại, hai là tìm địa bàn hoạt động khác mà khách có nhu cầu cao hơn như bến xe, bệnh viện. Nhiều lái xe ôm truyền thống trước thu nhập từ 400.000 - 500.000 đồng thì nay giảm xuống còn 200.000 - 250.000 đồng. Thu nhập giảm khiến nhiều người bỏ nghề. Một số khác sống nhờ vào lượng khách quen gắn bó lâu năm.