Uber đã nộp thuế bao nhiêu, được quản lý thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Vấn đề thu thuế của Uber tại Việt Nam luôn khiến dư luận tò mò. Nhiều người muốn biết đến nay Uber đã đóng bao nhiêu thuế và chịu sự quản lý thế nào?

Liên quan tới câu chuyện thu thuế của Uber tại Việt Nam, trong chương trình Bàn tròn trực tuyến với chủ đề “Việt Nam sẽ thích ứng như thế nào với các hiện tượng mới của nền kinh tế?” do báo Vietnamnet tổ chức ngày 20/2/2017, ông Nguyễn Quang Tiến, Vụ trưởng – Trưởng ban cải cách, hiện đại hóa - Tổng Cục thuế - Bộ Tài chính, đã có những chia sẻ về vấn đề này.
Theo đó, ông Tiến cho biết, cho đến nay, theo dữ liệu của cơ quan thuế, Uber đã nộp gần 30 tỷ đồng tiền thuế. Trong đó, nghĩa vụ thuế nhà thầu khoảng gần 10 tỷ đồng, còn lại kê khai nộp hộ các lái xe tham gia mạng lưới khoảng hơn 20 tỷ đồng.
Uber da nop thue bao nhieu, duoc quan ly the nao?
Ảnh minh họa: Internet. 
Về vấn đề làm thế nào để quản lý được một trong những hình thái kinh tế mới như Uber tại Việt Nam để vừa thu được thuế, vừa đảm bảo được an toàn an ninh, vừa tạo ra được một môi trường kinh doanh bình đẳng thông thoáng và người dân luôn luôn được hưởng lợi, ông Tiến cho hay: “Dưới góc độ quản lý nhà nước, chúng ta phải thừa nhận rằng, tại Việt Nam hiện nay, các hoạt động hay sản phẩm như Uber cũng không còn là xa lạ nữa.
Chúng ta là một đất nước rất trẻ với tốc độ tăng trưởng internet lớn. Theo công bố của Bộ Công Thương, có khoảng 28 triệu người là chủ sở hữu các tài khoản xã hội, hơn 32 triệu người sử dụng internet trên nền tảng di động. Đây là những nền tảng hạ tầng để sử dụng các dịch vụ mua bán hàng hóa trực tuyến. Ở Việt Nam là như vậy.
Còn trên thế giới, công nghệ thông tin hiện đang làm thay đổi thế giới một cách sâu sắc và tạo ra tác động trên mọi mặt, từ khoa học đến đời sống xã hội.
Đối với quản lý, đối với xã hội và đối với doanh nghiệp, nó đang tạo ra một thế giới phẳng, một sân chơi cạnh tranh giữa các loại hình dịch vụ mới và loại hình kinh doanh truyền thống. Điều đó đang tạo ra một sức ép cạnh tranh vô cùng lớn trong nền kinh tế hiện nay. Ví như câu chuyện sức ép cạnh tranh cho các hãng taxi truyền thống khi Uber xuất hiện xảy ra trong thời gian qua.
Vấn đề này đòi hỏi có các giải pháp quản lý trong giai đoạn tới phù hợp hơn, với chi phí thấp hơn nhưng tạo được điều kiện tốt hơn cho các loại hình kinh doanh mới phát triển”.
Cũng theo ông Tiến, đối với Uber, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chưa có phân ngành hoạt động đó trong các hoạt động kinh tế tại Việt Nam. Bộ Giao thông Vận tải nêu rằng, đây có phải là hoạt động vận tải hay là hoạt động công nghệ kết nối vận tải, hiện giờ vẫn còn là tranh cãi, chưa kết thúc.
"Nhưng từ vai trò quản lý nhà nước về thuế, chúng tôi đã phải bước lên phía trước. Bởi, doanh nghiệp đã hoạt động kinh doanh ở Việt Nam, đã phát sinh thu nhập ở Việt Nam, chúng tôi nhìn nhận được cơ sở thu nhập phát sinh, người Việt Nam tiêu dùng thì phải nộp thuế", ông Tiến nói.
Ông Tiến cũng nói thêm rằng, câu chuyện Uber cũng tốn nhiều giấy mực của báo chí. Nhưng thực ra, có thể khẳng định, những hoạt động kinh tế xuyên biên giới cơ quan thuế đều đã có quản lý và có kết quả. Ví dụ được lãnh đạo Bộ Tài chính nêu có các dịch vụ tìm từ khóa, các tích hợp của nhà cung cấp Google tại Việt Nam, có một doanh nghiệp sau khi thanh tra chỉ ở cấp quận, cũng chấp nhận nộp bổ sung thêm hơn 5 tỷ đồng tiền thuế nhà thầu thay cho Google.
Theo ông Tiến, hiện đến thời điểm này, đã thấy có những doanh nghiệp cũng rất tự giác kê khai nộp thuế nhà thầu cho việc kinh doanh dịch vụ quảng cáo của Google, Facebook. Đó là một bước khởi sắc trong việc quản lý lĩnh vực này.
Ông Tiến cũng nêu ví dụ về trường hợp dịch vụ mua bán vật phẩm bằng tiền ảo khi chơi game, qua thành tra kiểm tra và qua thông tin từ cộng đồng, cơ quan thuế phát hiện rằng có một cá nhân chơi trên mạng, mua bán trong thời gian rất ngắn, chỉ vài tháng mà thu được vài chục tỷ đồng. Hay như trường hợp đối với tiền ảo, còn gọi là Bitcoin, có trường hợp một thanh niên ở một tỉnh rất nhỏ đã mua bán trên thị trường quốc tế, mua bán trong 2 năm đạt được doanh số hơn 600 tỷ đồng.
"Khi đó, chúng tôi cũng đặt ra bài toán, thu thuế họ như thế nào? Chúng tôi cũng vấp phải vấn đề pháp lý. Đây không phải mua bán hàng hóa đơn thuần, đây là tài sản ảo chưa có quy định trong Bộ luật Dân sự. Cuối cùng, sau khi chúng tôi động viên, trong khi cơ sở pháp lý còn chưa chắc chắn, thì họ đã tự giác kê khai nộp thuế", ông Tiến cho biết.
Từ việc đưa ra những ví dụ kể trên, ông Tiến chốt lại rằng, ngành thuế nói chung đã quản lý được các hoạt động kinh tế mới như Uber, Facebook, Google, tiền ảo... rồi, đã phát sinh được số thu thuế rồi chứ không phải “bó tay”.
“Mặc dù khó nhưng ngành thuế đã quyết tâm là có thể quản lý được. Câu chuyện quản lý dịch vụ mới cũng rất cần sự chia sẻ của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp Việt Nam”, ông Tiến nói.
Minh Hiếu (Tổng hợp)

Bình luận(0)