Mới đây, Công ty CP Thế Giới Số (Digiworld, mã: DGW) vừa công bố thông tin Nghị quyết Hội đồng quản trị (HĐQT) về việc vay vốn tại Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank).
Cụ thể, HĐQT Thế Giới Số đã thông qua phương án vay ngắn hạn tại Ngân hàng Techcombank, thời hạn tối đa 4 tháng theo từng khế ước nhận nợ, tổng hạn mức tín dụng 800 tỷ đồng và không có tài sản bảo đảm.
Mục đích vay nhằm bổ sung vốn lưu động, phát hành bảo lãnh, mở LC mua bán hàng hóa/nguyên vật liệu phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm công nghệ, hàng tiêu dùng nhanh, chăm sóc sức khỏe của công ty. Lãi suất sẽ được xác định theo quy định của Techcombank theo từng thời kỳ. Nguồn trả nợ từ hoạt động kinh doanh và các nguồn thu khác của Thế Giới Số.
HĐQT Thế Giới Số cho biết, các thành viên của công ty cam kết dùng toàn bộ nguồn thu, tài sản để ưu tiên trả nợ cho Techcombank, theo lịch trả nợ được quy định trước các cá nhân và tổ chức tín dụng khác. Thế Giới Số cũng cam kết vì bất cứ lý do gì nếu không trả được nợ, sẽ tự nguyện bàn giao toàn bộ tài sản thế chấp, cầm cố để Techcombank toàn quyền xử lý để thu hồi nợ mà không gây bất cứ trở ngại gì. Techcombank cũng được toàn quyền trích tiền từ tài khoản của Thế Giới Số để thu nợ khi đến hạn.
Được biết, tại thời điểm 31/12/2023, dư nợ vay của Thế Giới Số ở mức 2.327 tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm và chiếm 31% tổng nguồn vốn. Trong đó, chủ yếu là vay ngắn hạn tại các ngân hàng như Vietcombank, HSBC Việt Nam, Standard Chartered Việt Nam, ANZ Việt Nam…, và đa phần không có tài sản bảo đảm.
Theo tìm hiểu, Công ty CP Thế Giới Số được thành lập ngày 13/2/2003, có địa chỉ trụ sở chính tại số 195 – 197 đường Nguyễn Thái Bình, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TPHCM. Ngành nghề kinh doanh chính là bán buôn máy vi tính, thiết bị ngoại vi và phần mềm. Người đại diện theo pháp luật công ty là ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch HĐQT và bà Đặng Kiện Phương, Tổng Giám đốc.
|
Tài sản Thế Giới Số sau khi vay 800 tỷ không thế chấp (ảnh minh họa: Internet). |
Chi phí tăng mạnh, kéo lùi lợi nhuận
Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 đã được công bố cho thấy, doanh thu thuần của Thế Giới Số trong quý cuối năm đạt gần 4.849 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ, nhờ mảng điện thoại di động và thiết bị văn phòng tăng trưởng tích cực. Giá vốn hàng bán tăng 20%, ghi nhận ở mức 4.328 tỷ đồng. Sau khi khấu trừ giá vốn, lợi nhuận gộp của Thế Giới Số đạt gần 521 tỷ đồng, tăng 11%.
Trong quý, chi phí bán hàng tăng mạnh 66% lên gần 371 tỷ đồng, do chi phí quảng cáo, khuyến mãi, hỗ trợ khách hàng tăng mạnh. Đồng thời, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 59% lên hơn 64 tỷ đồng, do tăng chi phí nhân viên và dịch vụ mua ngoài. Sau khi khấu trừ chi phí, Thế Giới Số báo lãi sau thuế quý IV/2023 đạt 90,2 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ năm trước.
Giải trình về kết quả kinh doanh trên, Thế Giới Số cho biết, mảng điện thoại di động mang về 2.204 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ. Quý 4 được xem là mùa cao điểm của mảng này với sự kiện ra mắt Iphone 15.
Tương tự, đối với mảng thiết bị văn phòng, doanh thu đạt 1.124 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh 42% so với cùng kỳ, nhờ hoàn thành việc mua lại 75% công ty Achison, qua đó hợp nhất doanh thu của các sản phẩm thiết bị bảo hộ lao động. Hơn nữa, thời điểm cuối năm là cao điểm giải ngân ngân sách cho các dự án, do vậy, ngành này được hưởng lợi khi khách hàng chính là đối tượng như doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước, chính phủ, trường học.
Ngoài ra, hai hoạt động khác tuy không chiếm tỷ trọng cao nhưng cũng có mức tăng trưởng tốt là thiết bị gia dụng và tiêu dùng, đạt 234 tỷ đồng và 215 tỷ đồng, lần lượt tăng 31% và 57%.
Ở chiều ngược lại, mảng duy nhất tăng trưởng âm là máy tính xách tay và máy tính bảng, ghi nhận doanh thu 1.072 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ, do nhu cầu sụt giảm sau mùa tựu trường quý 3, cùng với nền kinh tế khó khăn khiến người tiêu dùng hạn chế đổi mới thiết bị.
Tính chung cả năm 2023, doanh thu thuần Thế Giới Số đạt 18.817 tỷ đồng, giảm 15% và lãi sau thuế lao dốc 47% về mức 362 tỷ đồng. Năm 2023, Thế Giới Số đặt mục tiêu đạt doanh thu 20.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 400 tỷ đồng. Như vậy, công ty mới hoàn thành 94% kế hoạch doanh thu và 91% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tổng tài sản vượt mốc 7.500 tỷ
Bên kia bảng cân đối kế toán hợp nhất, tại cuối năm 2023, tổng tài sản của Thế Giới Số đạt hơn 7.500 tỷ đồng, tiếp tục tạo mốc lịch sử mới sau khi vượt ngưỡng 7.000 tỷ đồng trong quý III/2023, tăng 18% so với đầu năm. Trong đó, lượng tiền và các khoản tương đương tiền tăng mạnh 75%, đạt 1.450 tỷ đồng, chiếm 19% tổng tài sản.
Một khoản mục khác cũng chiếm tỷ trọng cao là các khoản phải thu ngắn hạn, ghi nhận giá trị 2.220 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 30% tổng tài sản và tăng 40% so với đầu năm, chủ yếu từ các khoản phải thu khách hàng đối với Công ty CP Thế Giới Di Động, Công ty CP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT, CTCP Thương mại Dịch vụ Phong Vũ và các khách hàng khác.
Cùng đó, hàng tồn kho ghi nhận giá trị 3.002 tỷ đồng, giảm 8% so với đầu năm nhưng vẫn chiếm đến 40% cơ cấu tài sản. Phần nhiều đến từ giá trị hàng hóa bao gồm điện thoại, máy tính bảng, máy tính xách tay…
Về phía nguồn vốn, nợ phải trả của Thế Giới Số tại thời điểm cuối năm 2023 tăng 24% lên gần 4.874 tỷ đồng, phần lớn là nợ ngắn hạn với 4.857 tỷ đồng. Trong đó, vay nợ tài chính chiếm gần một nửa, ở mức 2.327 tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm, chủ yếu là nợ vay ngắn hạn tại các ngân hàng; trong khi khoản phải trả người bán ngắn hạn tăng 27% lên 1.556 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 21%.
Tại ngày 31/12/2023, vốn chủ sở hữu của Thế Giới Số đạt 2.627 tỷ đồng, tăng 8,4% so với đầu năm, trong đó bao gồm 1.672 tỷ đồng vốn điều lệ và 867 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.