Theo báo cáo tài chính quý I/2024, Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Hà Tiên (Mã CK: HT1) ghi nhận doanh thu giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống dưới mốc 1.500 tỷ đồng, mức thấp trong vòng 10 quý gần nhất. Tuy nhiên biên lãi gộp được cải thiện lên 6,9% nhờ chi phí giá than giảm, qua đó giúp lợi nhuận gộp tăng 36% đạt 103 tỷ đồng.
Trong kỳ, chi phí tài chính giảm phân nửa so với cùng kỳ chỉ còn hơn 20 tỷ đồng, chủ yếu nhờ chi phí lãi vay giảm mạnh. Chi phí bán hàng cũng tiết giảm 13% về quanh 40 tỷ đồng nhưng chi phí quản lý lại tăng 20% lên 66 tỷ đồng.
Sau khi khấu trừ các loại chi phí, thuế cũng như cộng thêm hơn 10 tỷ đồng nguồn thu nhập khác, Vicem Hà Tiên báo lỗ sau thuế gần 25 tỷ đồng, cải thiện 72% so với mức thiệt hại cùng kỳ.
Lý giải kết quả này, lãnh đạo doanh nghiệp cho biết sản lượng tiêu thụ xi măng quý I giảm hơn 6% so với cùng kỳ năm ngoái và khiến doanh thu thuần thu hẹp gần 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc chi phí than giảm giúp giá thành đầu vào tiết kiệm được hơn 224 tỷ đồng, qua đó đẩy lợi nhuận gộp tăng gần 28 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, việc lãi suất vay và dư nợ vay hạ nhiệt cũng giúp chi phí tài chính của công ty, hầu hết là chi phí lãi vay, giảm 22 tỷ đồng.
Trên bảng cân đối kế toán, Vicem Hà Tiên ghi nhận tổng nợ phải trả tính đến cuối quý I đạt 3.533 tỷ đồng, giảm 7% so với đầu năm, chủ yếu nhờ các khoản phải trả ngắn hạn. Mặt khác, khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng không đáng kể lên mức 1.592 tỷ đồng.
Với kết quả kinh doanh của quý I, Vicem Hà Tiên mới hoàn thành được 21% chỉ tiêu doanh thu và thậm chí khiến tổng lợi nhuận sau thuế cần đạt được để hoàn thành chỉ tiêu tăng lên gần 50 tỷ đồng.
Năm 2024, công ty dự báo các rủi ro tiềm ẩn từ kinh tế thế giới vẫn còn hiện hữu và tiếp tục tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ít nhất trong nửa đầu năm, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp xây dựng.
Theo ban lãnh đạo doanh nghiệp, 2023 là năm khó khăn chưa từng có trong lịch sử ngành xi măng. Trong nước thị trường bất động sản, xây dựng chưa có dấu hiệu phục hồi, các công trình/dự án chậm triển khai, phải hoãn, giãn tiến độ, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công chậm; tình trạng khan hiếm, tăng giá vật liệu xây dựng ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng tại nhiều khu vực, đặc biệt tại miền Trung và Tây Nam Bộ… dẫn đến nhu cầu xi măng trong nước sụt giảm mạnh.
Xuất khẩu xi măng, clinker gặp khó khăn, giá giảm sâu do giảm nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc, Bangladesh, phải cạnh tranh với nguồn cung dư thừa tại Trung Đông, Đông Nam Á...
Nguồn cung xi măng trong nước vượt xa so với nhu cầu (năm 2023 nguồn cung xi măng khoảng 117,8 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ trong nước chỉ đạt 55,6 triệu tấn). Tổng sản phẩm xi măng và clinker tiêu thụ giảm 11,9 % so với cùng kỳ, trong đó tiêu thụ xi măng nội địa giảm 16,9 %, dẫn tới việc cạnh tranh trên thị trường xi măng nội địa vô cùng khốc liệt.
Tiêu thụ sụt giảm làm tồn kho tăng cao, dẫn đến một số nhà máy, dây chuyền phải giảm năng suất hoặc dừng sản xuất.