Liên quan đến hoạt động xử lý cải tạo sông Tô Lịch, Công ty Cổ phần tập đoàn Môi trường Nhật Việt (JVE Group) đã gây chú ý với đề xuất xây dựng dòng sông đang bị ô nhiễm nghiêm trọng này thành “Công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh Tô Lịch” bằng nguồn vốn từ phía Nhật Bản.
Khác với thử nghiệm công nghệ Nano-Bioreactor thực hiện phần nhỏ của sông Tô Lịch và Hồ Tây, “Công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh Tô Lịch” sẽ là một dự án có quy mô và đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Bởi thế, tiềm lực của JVE Group là vấn đề được dư luận quan tâm.
|
Phối cảnh đề xuất cải tạo sông Tô Lịch. Ảnh: JVE |
Theo tìm hiểu của PV, JVE Group tiền thân là CTCP Cải thiện môi trường Nhật Việt. Doanh nghiệp thành lập vào ngày 8/5/2017, có trụ sở tại Tầng 30, tòa Tháp Tây, Trung tâm Lotte Hà Nội, số 54 đường Liễu Giai, phường Cống Vị, quận Ba Đình, TP.Hà Nội.
Ngành nghề kinh doanh chính của JVE Group là thoát nước và xử lý nước thải.
Vốn điều lệ ban đầu là 1,5 tỷ đồng, với tỷ lệ nắm gần như tuyệt đối thuộc về Chủ tịch HĐQT Nguyễn Tuấn Anh (98%) và 2 cá nhân còn lại là Nguyễn Thị Ngọc Bích (1%), Nguyễn Đức Anh (1%). Chỉ tịch HĐQT JVE Group - ông Nguyễn Tuấn Anh từng đoạt học bổng toàn phần của Chính phủ Nhật Bản – MEXT và có 15 năm sống tại Nhật Bản.
Đến tháng 4/2020, công ty đổi tên thành CTCP Tập đoàn Môi trường Nhật Việt JVE như hiện tại. Vốn điều lệ của JVE Group cũng tăng mạnh lên 1.000 tỷ đồng, với 100% là nguồn vốn tư nhân.
Một số dự án đáng chú ý phải kể đến của JVE Group như thực hiện làm sạch nước hồ Hạnh Phúc (Hải Phòng) bằng công nghệ thiên nhiên Bakture (hồi tháng 5/2017). Tháng 1/2019, JVE Group ký kết hợp đồng hợp tác với Tập đoàn Nam Việt để xử lý môi trường nước trong ao nuôi cá tra bằng công nghệ Bakture; Tháng 6/2020, công ty được UBND tỉnh Quảng Ninh đồng ý chủ trương cho thực hiện thí điểm áp dụng công nghệ tại 4 hồ trên địa bàn TP Hạ Long (Yết Kiêu, Ao Cá, Hùng Thắng và Kênh Đồng),…
Gần đây nhất (tháng 9/2019), Cty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt thí điểm làm sạch một góc hồ Tây và một đoạn sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano – Bioreactor. Sau khi triển khai dự án, kết quả bước đầu được các chuyên gia đánh giá khả quan.
Sông Tô Lịch nhiều năm qua luôn bị coi là dòng sông "chết" với mức độ ô nhiễm nghiêm trọng. Để có thể làm sống lại và hồi sinh sông Tô Lịch, giải pháp đưa ra vẫn sử dụng công nghệ Nano - Bioreactor đã thí điểm từ trước, giải quyết toàn bộ các vấn đề như nguồn gây ra mùi hôi thối, xử lý tầng bùn đáy; làm sạch nước đã bị ô nhiễm ở trong lòng sông; giải quyết việc thoát nước chống ngập khi mưa bão. Đồng thời, lòng sông sẽ được kè thẳng đứng và kè đáy bằng cách mở rộng mặt cắt lòng sông, bỏ mái cỏ hiện nay.
Thời gian tới, JVE sẽ mời đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) để cùng tham vấn ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài nước để hoàn thiện dự án, cùng một mục tiêu chung là làm sống lại và hồi sinh dòng sông đã gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến.