Sốc: Đa số người Việt đang dùng đồng hồ giả

Google News

Thị trường đồng hồ ở Việt Nam đang sục sôi bởi trào lưu chơi, nhưng liệu đồng hồ mà người Việt Nam đang sử dụng có đúng đồng hồ chính hãng?

Chỉ trong 5 năm trở lại đây, chúng ta có thể tìm, mua tất cả các loại đồng hồ ở mọi cửa hàng, trên rất nhiều trang facebook cá nhân.
Cũng đủ loại giá khác nhau, một chiếc đồng hồ thì mỗi người “tung” một giá nhưng tất cả đều gắn một mác chung, đó là “đảm bảo hàng chính hãng”.
Vậy, những cửa hàng này, những cá nhân kia có thật sự đang kinh doanh “hàng chính hãng” như họ nói, hay chỉ là hàng “chính hãng Trung Quốc”?.
Soc: Da so nguoi Viet dang dung dong ho gia
Thị trường đồng hồ ở Việt Nam đang rối loạn bởi vô số hàng giả. (Ảnh: Internet) 
Để trả lời câu hỏi này, PV báo điện tử VTC News đã trực tiếp liên lạc với chị N.T.H, chủ một tài khoản facebook chuyên kinh doanh đồng hồ, thì được chị H. cho biết, hàng của chị là đồng hồ chính hãng, có hộp đàng hoàng và được xách tay bởi người thân từ Mỹ về, chất lượng đảm bảo nhưng do là hàng xách tay nên thời gian bảo hành kiểu 1 đổi 1 nếu có hỏng hóc là hoàn toàn không có.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu, cũng có nhiều cửa hàng đồng hồ sẵn sàng “mơi khách” với dòng chữ: “bảo hành toàn cầu 12 tháng”. Nhưng nếu sau vài tháng hoặc một năm mà hàng có vấn đề gì thì cửa hàng đó cũng sẵn sàng “bơ” khách.
Ví dụ như hãng đồng hồ Tissot, với hơn 16.000 đại lý, cửa hàng phân phối, shop đồng hồ chính hãng được ủy quyền trên toàn thế giới của thương hiệu Tissot, thì việc bảo hành toàn cầu của thương hiệu này được quản lý hết sức chặt chẽ.
Nếu đem đồng hồ Tissot xịn đi bảo hành ở bất cứ đâu trong số 16.000 địa điểm kia, thứ nhất khách hàng phải có thẻ bảo hành, sổ hướng dẫn sử dụng, phụ kiện đi kèm và được đóng dấu mộc của hàng Tissot hoặc của cửa hàng đại lý chính hãng.
Thế nhưng, ở Việt Nam, nhan nhản những quảng cáo nào là đại lý phân phối độc quyền, cửa hàng đồng hồ chính hãng… Nếu đúng là như vậy thì có lẽ Việt Nam là nơi có nhiều đại lý phân phối độc quyền của không riêng đồng hồ mà nhiều thứ khác nhất thế giới.
Và người Việt Nam thì cứ thế mà tin, mà mua, mà dùng nhưng đa số chúng ta không hiểu việc dùng đồng hồ giả sẽ ảnh hưởng thế nào tới sức khoẻ của chính bản thân.
Các chuyên gia đã cảnh báo, việc sử dụng đồng hồ giả có nguy cơ bị viêm loét da, hay thậm chí ung thư bởi đồng hồ giả được làm bằng vật liệu kém, cực kém về chất lượng rồi có thể còn trải qua nhiều công đoạn sử dụng các chất hoá học khác làm ảnh hưởng tới người dùng về lâu dài.
Không những ảnh hưởng tới người dùng, nạn buôn bán đồng hồ giả còn ảnh hưởng rất lớn tới các doanh nghiệp sản xuất, phân phối đồng hồ chính hãng. Theo một thống kê của Liên đoàn công nghiệp đồng hồ Thuỵ Sĩ thế giới thì mỗi năm đồng hồ giả làm thiệt hại hơn 20.000 tỷ đồng.
Vậy, đồng hồ giả đã len lỏi vào thị trường Việt Nam thế nào? Rất nhiều trường hợp, Hải quan và Quản lý thị trường đã phát hiện và tiêu huỷ hàng trăm tỷ đồng đồng hồ giả từ các container được đăng ký hàng hoá khác. Nhưng thực chất toàn là đồng hồ giả từ Trung Quốc được “đánh” về Việt Nam và nếu trót lọt thì sẽ được tuồn sang Campuchia…
Thật sự, món lời từ việc buôn bán đồng hồ giả là quá lớn, ví dụ một chiếc đồng hồ xịn có giá 10 triệu đồng, thì chỉ cần 1 triệu hoặc vài trăm nghìn đồng là các nhà buôn có thể đặt làm hàng trăm, hàng nghìn chiếc ở Trung Quốc. Không có bất cứ sự khác nhau nào, từ cái kim giây cho đến máy móc bên trong, thậm chí là số seri. Và chỉ chuyên gia đồng hồ mới có thể phân biệt được, mà hiện nay tội phạm làm hàng giả còn tinh vi đến nỗi các chuyên gia cũng phải “bó tay” với những chiếc đồng hồ giả mà chúng sản xuất.
Ở Việt Nam, chuyên gia về đồng hồ không phải ít, nhưng có lẽ nhiều kinh nghiệm và có tâm nhất phải nói đến chuyên gia Đặng Văn Trường, chủ sở hữu thương hiệu Trường Omega mà ai cũng biết đến. Anh là một người chuyên thẩm định, sửa chữa đồng hồ Thuỵ Sĩ và đã được cấp bằng ở Thuỵ Sĩ.
Anh Trường cho biết, công việc chính của anh là thẩm định, sửa chữa đồng hồ, và anh đã có cơ hội được tiếp xúc, làm việc với nhiều chuyên gia về đồng hồ khác trên thế giới, được trực tiếp thẩm định nhiều loại đồng hồ giả cũng có, thật cũng có.
Và anh khẳng định rằng, để người tiêu dùng Việt Nam có thể phân biệt được một chiếc đồng hồ là thật hay giả là cả một vấn đề mà chính các chuyên gia như anh nhiều khi cũng “toát mồ hôi hột”. Bởi trình độ làm giả đồng hồ đã đạt đến mức quá tinh vi, đó là những hàng siêu giả, khó nhận biết được đâu là thật, đâu là giả.
Anh Trường cho biết, đồng hồ giả cũng có nhiều loại, fake loại 1, loại 2 rồi loại ba tuỳ vào đối tượng người mua. Nhưng ở Việt Nam còn xuất hiện một vài hãng đồng hồ mà đã “ra đi” từ lâu rồi, đó chỉ có thể là đồng hồ giả.
Rồi các nhà sản xuất của Trung Quốc cũng có cách lách luật của họ, nhằm hợp pháp hoá thương hiệu. Ví dụ, họ có thể bỏ tiền ra mua lại thương hiệu đồng hồ Stuhrling nhưng lại gian xảo bằng cách thay máy chính hãng bằng máy cơ Trung Quốc nhưng vẫn quảng cáo là hàng Thuỵ Sĩ làm người dùng hiểu sai về xuất xứ, nguồn gốc.
Như thế cũng là một cách đánh lừa người tiêu dùng theo kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó”, bởi rất nhiều người chỉ chạy theo thương hiệu chứ không hề để ý nguồn gốc, xuất xứ… của món hàng mình đang dùng.
Soc: Da so nguoi Viet dang dung dong ho gia-Hinh-2
Rất nhiều loại đồng hồ giả được các chuyên gia chỉ ra. (Ảnh: Internet) 
Anh Trường chia sẻ thêm, bây giờ, máy Trung Quốc rất rẻ nhưng chất lượng thì kém nhưng vẫn được bán với giá rất cao, đây là một món hời rất lớn đối với các nhà buôn. Những loại đồng hồ càng được sử dụng nhiều như Casio, Tissot, Rolex… thì càng bị làm giả nhiều.
Theo anh Trường, thị trường đồng hồ ở Việt Nam đang bị xâm chiếm bởi vô số đồng hồ giả, càng ngày thủ đoạn lừa đảo, làm hàng giả lại càng tinh vi, khó nhận biết được. Nhưng để người tiêu dùng an tâm sử dụng những sản phẩm chính hãng, anh Trường khuyên nên mua đồng hồ có giấy tờ, xuất xứ đàng hoàng và mua ở các cửa hàng có uy tín, được uỷ quyền chính hãng.
Có thể thấy rằng, thị trường đồng hồ ở Việt Nam là một món lời rất béo bở cho các nhà sản xuất, kinh doanh hàng nhái, hàng kém chất lượng, làm ảnh hưởng không nhỏ tới người tiêu dùng và các cơ sở kinh doanh hàng chính hãng khác. Nhưng để quản lý, giải quyết triệt để được vấn đề này lại là một việc hết sức khó khăn bởi thứ nhất, chúng ta ở ngay sát “ thủ phủ hàng nhái” là Trung Quốc, rồi cơ chế xử lý của chúng ta còn lỏng lẻo, chưa nghiêm, phạt hành chính cao nhất mới chỉ là 50 triệu, hoặc xử phạt 15 năm tù.
Trào lưu chơi đồng hồ của xã hội hiện nay cũng là một nguyên nhân dẫn tới việc thị trường tràn ngập hàng giả, tất nhiên có nhiều người đã chú ý hơn tới nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng của món hàng mình mua nhưng đó chỉ là con số ít.
Theo PHONG SƠN/VTC

>> xem thêm

Bình luận(0)