Cụ thể, trong đơn kiện, VNG nêu ra có hơn 11 triệu clip trên nền tảng TikTok sử dụng khoảng 150 bản quyền ghi âm bài hát do VNG sở hữu tác quyền. VNG yêu cầu tòa xử buộc TikTok phải tháo gỡ tất cả các clip đã xâm phạm bản quyền kể trên, xin lỗi công khai, đồng thời bồi thường thiệt hại cho VNG khoảng tiền hơn 221,5 tỉ đồng.
Đây là vụ kiện TikTok đầu tiên tại Việt Nam liên quan tới việc tranh chất quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên trên phạm vi toàn cầu, TikTok cũng từng suýt phải đối mặt với vụ kiện tương tự như vậy, từ phía Hiệp hội các nhà phát hành âm nhạc Mỹ. Khi đó, TikTok từng bị cáo buộc rằng có thể có đến hơn 50% số clip lồng ghép âm nhạc đăng tải trên nền tảng này là chưa xin phép sử dụng.
Tình thế được cải thiện sau khi công ty mẹ của TikTok là ByteDance mua lại ứng dụng Musical.ly (Mỹ) và sáp nhập với TikTok vào năm 2017. Từ đó TikTok được thừa hưởng nhiều hợp đồng bản quyền âm nhạc mà Musical.ly đã kí kết mua trước đó. Số lượng được cho là khoảng 8.000 hợp đồng bản quyền với các tổ chức, doanh nghiệp lĩnh vực ghi âm tại Mỹ như Universal Music Group, Warner Music Group và Sony Music…
Tuy nhiên, một khi nền tảng TikTok ngày càng lớn mạnh, lan tỏa ra nhiều quốc gia, với trên 2 tỉ lượt tải và lượng người dùng trên 700.000 triệu hàng tháng, và nền tảng này lại chuyên về clip nhảy nhót lồng ghép nhạc, thì nguy cơ vi phạm về bản quyền ghi âm càng lớn.
Mặt khác, lượng người dùng TikTok đa phần là giới trẻ, tập trung ở lứa tuổi teen chưa nhận thức đầy đủ về vấn đề bản quyền, cứ thích là lấy từ nơi khác về sử dụng, càng dễ gây ra tình trạng vi phạm bản quyền phức tạp hơn.
Trên thực tế, vấn đề TikTok đang gặp phải thì một nền tảng chuyên về video khác là YouTube cũng đã từng gặp, và cũng chính là nan đề không hề dễ giải quyết. Chính vì thế về sau, YouTube đã kiểm soát chặt các clip tải lên nền tảng này có lồng ghép nhạc. Phần mềm YouTube nếu kịp thời phát hiện clip vi phạm về vấn đề này sẽ đưa ra yêu cầu chỉnh sửa với YouTubers, rồi mới cho tải lên.
Trong trường hợp hậu kiểm, YouTube nhận được báo cáo về clip vi phạm từ người dùng, nền tảng này sẽ tiến hành vô hiệu các clip đó, đồng thời có thể khóa tài khoản của YouTuber vi phạm.
Nhiều năm trở lại đây, YouTube và Google đã xây dựng kho bản quyền ghi âm do họ hợp tác khai thác hoặc mua lại, cho phép người dùng YouTube, các nhà phát triển nội dung được sử dụng miễn phí lồng ghép vào các clip đăng tải lên. Tuy nhiên, kho miễn phí này cũng giới hạn nhất định chứ không thể bao quát hết được các nhu cầu.
TikTok cũng đã có một kho bản quyền các bản ghi âm được sử dụng miễn phí như thế dành cho những tài khoản đã được xác thực. Tuy nhiên, nỗ lực này mới chỉ giải quyết được một phần nhỏ tình trạng người dùng “vô tư” lồng ghép nhạc không bản quyền vào clip và tải lên TikTok, đặc biệt là khi các công cụ kiểm soát người dùng cá nhân từ phía nền tảng này chưa đủ mạnh và nghiêm.
Như vậy có thể thấy, vụ VNG kiện TikTok rõ ràng là đã chọc vào đúng “gót chân Achilles” của TikTok, và TikTok bị buộc phải đối mặt với vấn đề bản quyền âm nhạc trên nền tảng của mình tại Việt Nam.