Ve sầu non hay còn gọi là nhộng ve sầu được xem là món ăn dân giã, quen thuộc ở nhiều vùng quê. Loại côn trùng này có thể làm được rất nhiều món, từ rang lá chanh đến tẩm bột chiên xù, thậm chí có thể làm món cháo ve sầu.Thời gian gần đây, món ăn này bỗng nhiên được ưa chuộng, trở thành đặc sản đắt đỏ được nhiều người tìm mua.
Món ve sầu dân giã nay trở thành đặc sản tại các quán nhậu.
Chị Chu Kim Nhã (trú tại xã Bắc Sơn, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) cho biết nhộng ve sầu không có quanh năm mà chỉ có từ cuối tháng 4 đến tháng 7 hàng năm.
“Quê tôi trồng nhiều cây sơn, keo, bạch đàn, mít nên cứ tầm chiều tối là ve kêu gọi bầy, khoảng 19 giờ thì ve chui lên khỏi mặt đất rồi nằm lột cách mặt đất từ 1-3m. Chúng tôi đi thành nhóm, chỉ việc cầm đèn soi từ gốc cây lên ngọn là bắt được rất nhiều ve lột. Chăm chỉ thì mỗi người được khoảng 0,5-1kg, cả nhóm gộp vào được khoảng 10kg”, chị Nhã chia sẻ.
Chỉ xuất hiện vào những tháng hè, ve sầu non được nhiều người săn lùng.
Sau khi lột xác và trưởng thành, những con ve đực sẽ ca hát để thu hút con cái rồi chúng đẻ trứng trên cành cây non. Khi trứng nở sẽ rơi xuống và chui vào lòng đất từ 0,3-2,5m, chúng hút nhựa cây để sống và nằm trong đất từ 1-3 năm rồi mới ngoi lên mặt đất bắt đầu một chu trình tiếp theo. Vào đầu hè, những con ve lột béo hơn, to hơn nên được mua với giá khoảng 350.000 đồng/kg, mỗi tối nhóm chị Nhã đi soi được cả triệu đồng.
Trước đây, người dân tại các vùng trung du, miền núi chỉ đi bắt ve sầu lột về ăn chơi nhưng mấy năm trở lại đây thấy có nhiều người hỏi mua với giá cao nên phong trào đi bắt ve sầu lột bán nở rộ mỗi khi hè đến.
“Giờ nhiều người đi bắt quá nên số lượng ve bắt được mỗi ngày ít hơn, tuy nhiên sau mỗi cơn mưa rào thì ve chui lên nhiều lắm, vì đất ẩm và mát trời nên có tối mình tôi bắt được 2kg. Ve được bắt về sẽ được rửa bằng nước muỗi loãng rồi bảo quản lạnh và bán cho người mua buôn, bắt được bao nhiêu họ mua hết bấy nhiêu”, chị Nhã nói.
Đầu hè là thời điểm ve sầu ngon nhất, béo nhất và đắt nhất.
Anh Nguyễn Huy Quyết, chủ quán bia hơi tại Đông Anh (Hà Nội) cho biết 2 năm trở lại đây anh bắt đầu nhập ve về bán phục vụ khách uống bia. Thời điểm đầu tháng 5 là lúc ve lột béo nhất, ngon nhất nhưng giá thành cũng cao nhất.
“Ve sầu là món nhậu kén khách vì không phải ai cũng biết ăn, nhưng khi ăn rồi thì khách không muốn dùng món nhậu khác thay thế. Vào cuối tuần khách nhậu đông, cao điểm nhất nhà tôi bán được khoảng 10-15kg ve sầu/ ngày. Mỗi cân ve sầu lột tôi mua lại của mối buôn từ 350-500.000 đồng/kg, có thể chế biến được 3-4 đĩa”, anh Quyết chia sẻ.
Mỗi kg ve sầu sẽ chế biến được từ 3-4 đĩa có giá từ 200-300.000 đồng/đĩa.
Ve sầu non là món ăn dân dã, rất được ưa thích, nhiều người còn đồn thổi rằng nó không chỉ có giá trị về mặt dinh dưỡng mà còn giúp chống lão hóa, tăng lực nên đồ nhậu này bỗng trở thành sốt. Tuy nhiên, nếu không cẩn trọng khâu chọn lọc, bảo quản, chế biến, rất dễ gây mất an toàn, khả năng gây ngộ độc cao.
Chia sẻ thêm về bí quyết chế biến ve sầu đúng các, chủ quán bia này cũng cho rằng, sau khi bắt ve sầu về phải ngâm ngay vào nước muối loãng để ve không mọc cánh và thoát xác, sau đó rút ruột, rửa sạch, trần qua nước sôi, sửa sạch bằng nước lạnh rồi mới chế biến.
Anh Quyết cho biết thêm, trước khi chế biến cần tẩm ướp ve sầu với hạt mắc khén, muối mắm trong 15 phút rồi mang lên chiên giòn. Khi ve chuyển sang màu cánh gián vàng rộm thì cho thêm lá chanh, xả thái sợi cho dậy mùi. Ngoài chiên giòn có thể xào xả ớt, tẩm bột chiên, rang muối…
Ve sầu non tuy là món khoái khẩu của dân nhậu nhưng cũng cần lưu ý vì có thể gây ngộ độc.
Theo TS. Phạm Duệ, Nguyên Giám đốc trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), bản thân nhộng ve sầu không có độc tố gây chết người. Tuy nhiên, có một loại nấm có tên khoa học gyrommitrin thường sống ký sinh trên thân ve sầu. Đây là loại nấm rất độc. Nếu không may ăn phải những con bị nhiễm loại nấm này thì nguy cơ bị ngộ độc là rất cao.
“Nếu nhộng bị nhiễm nấm chỉ ăn một con vẫn nguy hiểm. Đặc biệt, tình trạng ngộ độc sẽ nặng hơn nếu uống rượu kèm theo. Chính vì vậy người dân nên thận trọng khi sử dụng nhộng ve sầu cũng như các loại côn trùng khác làm thức ăn”,TS. Phạm Duệ nhấn mạnh.