|
Chuyên gia kiến nghị, thị trường xăng dầu cần để các bộ chuyên ngành phối hợp quản lý |
Tại dự thảo sửa đổi Nghị định 95, Bộ Công Thương đưa ra 3 phương án quản lý giá xăng dầu, trong đó, có một phương án bộ này đề xuất Chính phủ giao Bộ Tài chính toàn quyền quản lý giá xăng dầu. Ngay khi đề xuất này được đưa ra, Bộ Tài chính lập tức lên tiếng đề nghị giao về Bộ Công Thương là cơ quan quản lý ngành thực hiện nhiệm vụ về xác định giá và định mức chi phí (gồm tính toán các khoản định mức trong giá cơ sở; điều hành và giám sát thực hiện trích lập, sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu). Bộ Tài chính chỉ thực hiện chức năng thanh, kiểm tra theo đúng quy định.
“Việc giao thống nhất nhiệm vụ về giá chuyển về Bộ Công Thương sẽ giúp cơ quan chủ trì điều hành giá nắm bắt bản chất của yếu tố hình thành giá cơ sở để điều hành giá xăng dầu phù hợp với thực tế phát sinh; tăng cường giám sát đối với chi phí thực hiện của thương nhân. Việc phân tán như hiện nay làm phát sinh thêm quy trình và gây khó khăn cho cơ quan điều hành giá, vì giá cơ sở là tổng hòa của yếu tố hình thành giá, không chỉ đơn giản là quyết định tăng, giảm giá tại thời điểm điều hành giá”, Bộ Tài chính lên tiếng.
Cũng thời điểm này, tại Dự thảo sửa đổi Nghị định 95, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính xây dựng nội dung quy định về công thức tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu. Trong đó, có hướng dẫn cụ thể phương pháp tính giá cơ sở cụ thể theo từng loại xăng dầu; các loại chi phí về thuế, chi phí vận chuyển, chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức... trong công thức tính giá cơ sở. Xây dựng quy định về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, gồm nội dung như cơ chế trích lập, chi quỹ, nguyên tắc trích lập, cơ chế hình thành, sử dụng, hạch toán, quyết toán...
Tuy nhiên, trích dẫn Điều 90 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tài chính cũng “từ chối” và đề nghị Bộ Công Thương- cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo và chịu trách nhiệm cuối cùng về nội dung, chất lượng dự thảo nghị định.
Theo Bộ Tài chính, với đặc thù mặt hàng quan trọng, thiết yếu, với phương án sửa đổi công thức giá và phương pháp công bố giá cơ sở mặt hàng xăng dầu theo hướng Nhà nước chỉ công bố yếu tố cấu thành giá (gồm các loại thuế, trích lập, chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu, lợi nhuận định mức), chi phí khác do doanh nghiệp tự xác định và chịu trách nhiệm trước cơ quan kiểm toán.
“Mặt hàng xăng dầu chịu sự quản lý và điều chỉnh của nhiều văn bản quy phạm pháp luật và nhiều bộ, ngành khác nhau. Do đó, việc quản lý nhà nước đối với xăng dầu cần có sự tham gia, phối hợp của các bộ, ngành chức năng theo từng lĩnh vực quản lý”.
TS Ngô Trí Trung (Đại học Hòa Bình)
Ai quản, quản ai?
Đánh giá về đề xuất và mong muốn của cả hai bộ Tài chính và Công Thương khi hai bên ai cũng muốn "trả" quyền điều hành giá xăng dầu, TS Ngô Trí Trung (Đại học Hòa Bình) cho rằng, mặt hàng xăng dầu chịu sự quản lý và điều chỉnh của nhiều văn bản quy phạm pháp luật và nhiều bộ, ngành khác nhau. Do đó, việc quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu cần có sự tham gia, phối hợp của các bộ, ngành chức năng theo từng lĩnh vực quản lý.
Ông Trung dẫn quy định nêu rõ chức năng nhiệm vụ của các bộ, ngành với lĩnh vực này. Cụ thể, theo ông Trung, Luật Giá quy định, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá và quản lý liên quan hoạt động hải quan xuất nhập khẩu. Bộ Công Thương thực hiện cơ chế, chính sách phát triển thương mại, đảm bảo cung cầu hàng hoá, mặt hàng thiết yếu cho vùng sâu vùng xa. Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện quản lý về chất lượng sản phẩm. Bộ Công an quản lý về phòng cháy và chữa cháy…
Còn nhìn nhận về dự thảo Nghị định 95 sửa đổi, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Minh Tiến - Cục trưởng Quản lý Giá (Bộ Tài chính) cho biết, trong quá trình quản lý giá xăng dầu, Bộ Tài chính dựa trên báo cáo chi phí định mức do thương nhân đầu mối trình lên, tính toán và chuyển tới Bộ Công Thương chủ trì quyết định khi điều hành giá xăng dầu. Việc tính toán chi phí định mức dựa trên đề xuất của doanh nghiệp, công thức tính toán và sau này có kiểm toán, thanh tra từ cơ quan chức năng.