Ông lớn nhà nước Gelex và Viglacera về tay tư nhân thế nào?

Google News

Ông Nguyễn Văn Tuấn (Tuấn “mượt”) nhiều lần gây chấn động với các thương vụ mua bán, sáp nhập nghìn tỷ, trong đó nổi bật là hai vụ Gelex và Viglacera.

Phiên giao dịch ngày 25/12/2015 chứng kiến kỷ lục trên thị trường chứng khoán Việt Nam khi 122 triệu cổ phiếu GEX của Tổng công ty Thiết bị điện Việt Nam (Gelex), tương đương gần 2.300 tỷ đồng được khớp lệnh chỉ sau 30 phút giao dịch, với mức giá 17.700 - 17.800 đồng.

Ong lon nha nuoc Gelex va Viglacera ve tay tu nhan the nao?

Cổ phiếu Tổng công ty Thiết bị điện Việt Nam liên tục đi lùi trong những ngày gần đây. (Ảnh: Gelex)

Đây là lượng cổ phiếu tương đương 78,74% vốn điều lệ doanh nghiệp, được Bộ Công Thương thoái toàn bộ theo chủ trương cổ phần hóa. Thương vụ thoái vốn của Bộ Công Thương gây bất ngờ bởi giá trị khớp lệnh khủng và cực kỳ chóng vánh.

Theo đó, ngày 27/10/2015, hơn 155 triệu cổ phiếu GEX được giao dịch trên sàn UPCoM. Đến ngày 24/12/2015, Bộ Công thương có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Gelex về việc đăng ký thoái vốn, dự kiến thực hiện từ ngày 25/12/2015 đến ngày 22/1/2016. Chỉ 1 ngày sau, Bộ Công Thương chào bán hơn 122 triệu cổ phiếu GEX và chỉ mất 30 phút để các cổ đông gom mua toàn bộ số cổ phiếu này.

Thông tin công bố sau đó cho thấy Công ty TNHH MTV Đầu tư GEX là cổ đông lớn nhất với gần 62 triệu cổ phiếu nắm hơn 23,1%, Công ty cổ phần Quản lý quỹ đầu tư MB nắm 5,04%, Công ty TNHH MTV Quản lý quỹ Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam nắm 4,36%, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Bưu điện nắm giữ 3,09%.

Ông chủ thực sự của Gelex sau thương vụ bán vốn khủng của Bộ Công Thương dần hé lộ khi ngày 6/9/2016, ông Nguyễn Văn Tuấn được bầu là thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Gelex. Tiếp đó, ngày 3/1, Hội đồng quản trị Gelex tiếp tục có quyết định bầu ông Tuấn giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty thay cho ông Nguyễn Hoa Cương – vốn là người đại diện vốn nhà nước tại Gelex trước khi Bộ Công Thương bán vốn - kể từ 4/1/2018.

Gelex thành lập năm 1990, chuyên sản xuất, kinh doanh thuộc ngành công nghiệp kỹ thuật điện. Mảng hoạt động chính của Gelex bao gồm sản xuất kinh doanh các thiết bị điện dùng trong công nghiệp, nông nghiệp và dân dụng.

Báo cáo tài chính cho thấy tại thời điểm 30/6/2015, tổng giá trị tài sản của GEX là 5.291 tỷ đồng, trong đó tài sản ngắn hạn là 3.610 tỷ đồng. Nợ phải trả là 2.553 tỷ đồng, chiếm phân nửa tổng nguồn vốn của đơn vị. Doanh thu trong 6 tháng đầu năm đạt 4.515 tỷ đồng, lãi ròng đạt 192 tỷ đồng.

Ngoài kết quả kinh doanh ấn tượng, sự quan tâm của giới đầu tư đối với Gelex còn là những tài sản mà công ty đang sở hữu. Tại thời điểm đó, Gelex sở hữu 65% cổ phần Công ty Dây cáp điện Việt Nam (CADIVI), 65,16% Công ty Thiết bị điện (THIBIDI), 65,85% vốn tại Công ty Chế tạo điện cơ Hà Nội (HEM), 51,25% Công ty chế tạo Bơm Hải Dương… đều là các công ty có vốn điều lệ và doanh thu lớn hoạt động trong ngành.

Gelex cũng ghi nhận 23,11% (tương ứng 180 tỷ đồng) vốn góp tại Công ty TNHH SAS-CTAMAD - đơn vị quản lý trực tiếp tổ hợp Khách sạn Melia (Lý Thường Kiệt, Hà Nội). Một công ty con của Gelex là Chế tạo điện cơ Hà Nội (HEM) cũng đang sở hữu 35% vốn tại SAS-CTAMAD. Gelex cũng đang triển khai các dự án bất động sản tại 52 Lê Đại Hành (Hà Nội), Tổ hợp Trung tâm Thương mại, khách sạn, văn phòng cho thuê tại khu đất vàng số 10 Trần Nguyên Hãn và số 27-29 Lý Thái Tổ.

Đặc biệt, danh sách cổ dông chiến lược lại Gelex thời điểm đó có tên Công ty chứng khoán Bản Việt với tỷ lệ nắm giữ 9,68%.

Tiếp tục với game thoái vốn, doanh nghiệp do ông Nguyễn Văn Tuấn làm Chủ tịch Hội đồng quản trị tiếp tục thâu tóm loạt những thương hiệu tên tuổi từng là doanh nghiệp Nhà nước như Viglacera, Dây cáp điện Cadivi, Viwasupco…

Cụ thể, ngày 6/4/2021, Tập đoàn Gelex công bố đã hoàn thành việc nâng tỷ lệ sở hữu lên trên 50% tại Tổng Công ty Viglacera (doanh nghiệp trước đây trực thuộc Bộ Xây dựng). Gelex đã đăng ký mua vào 22,5 triệu cổ phiếu VCG của Viglacera trong thời gian từ ngày 8/3 đến ngày 6/4 nhằm tăng tỷ lệ sở hữu.

Kết quả, hết đợt chào mua, Gelex mua thêm hơn 18,5 triệu cổ phiếu VGC, nâng tỷ lệ sở hữu của Tổng Công ty và người liên quan lên hơn 225,1 triệu cổ phiếu tương đương với 50,21% vốn điều lệ Viglacera.

Hậu sáp nhập, Viglacera có sự tăng trưởng mạnh về doanh thu và lợi nhuận. Cụ thể, năm 2021, doanh thu thuần của Viglacera đạt hơn 11.194 tỷ đồng, tăng 16,6%; lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 1.541 tỷ đồng, tăng trưởng 83% so với 2020, lợi nhuận sau thuế đạt 1.279 tỷ đồng, tăng 91,7 tỷ đồng. Riêng lợi nhuận sau thuế công ty mẹ ước đạt trên 1.123 tỷ đồng, tăng 103,8% so với năm trước.

Viglacera vốn nổi tiếng về sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, thiết bị vệ sinh và là nhà phát triển hạ tầng tên tuổi khu công nghiệp phía Bắc, với việc sở hữu nhiều khu công nghiệp nằm ở các vị trí vàng như Tiên Sơn, Yên Phong, Yên Phong mở rộng (Bắc Ninh); Hải Yên, Đông Mai (Quảng Ninh); Phong Điền (Thừa Thiên – Huế), Tiền Hải (Thái Bình), Phú Hà (Phú Thọ), Đồng Văn IV (Hà Nam)…

Đáng chú ý, sau khi ông Tuấn xuất hiện tại Gelex, doanh nghiệp đã thành công trong nhiều thương vụ mua bán và sáp nhập lớn ở Việt Nam. Đơn cử, Gelex từng mua gom 54,78% cổ phần và trở thành công ty mẹ của Công ty cổ phần Kho vận miền Nam (Sotrans), hay thông qua Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex để mua 65% cổ phần Công ty cổ phần Phú Thạnh Mỹ…

Hiện Gelex có 12 công ty con và một số công ty liên kết.

Tập đoàn Gelex (mã GEX) hiện có số nợ phải trả hơn 40.691 tỷ đồng, gấp đôi vốn chủ. Trong đó nợ ngắn hạn hơn 22.974 tỷ đồng, nợ dài hạn hơn 17.717 tỷ đồng. Riêng vay và nợ thuê tài chính hơn 22.121 tỷ đồng.

Những ngân hàng đang là chủ nợ (vay ngắn hạn) lớn nhất của Gelex gồm: VietinBank hơn 1.892 tỷ đồng, BIDV hơn 1.121 tỷ đồng, Vietcombank hơn 923 tỷ đồng…Vay dài hạn có Vietcombank hơn 2.898 tỷ đồng, Techcombank hơn 1.090 tỷ đồng, Landesbank Baden-Wurttemberg hơn 1.627 tỷ đồng…

Báo cáo cho thấy, trong 2021, Gelex phải trả hơn 1.125 tỷ đồng lãi suất vốn vay.

Đến thời điểm 31/12/2021, Gelex đang tồn kho hơn 11.665 tỷ đồng, tăng gấp hơn 3 lần so hồi đầu năm. Chi phí xây dựng cơ bản dở dang cũng tăng mạnh lên hơn 6.546 tỷ đồng, gấp gần 6 lần hồi đầu năm.

Về kết quả kinh doanh, năm 2021, doanh thu thuần của GEX tăng 59% so với 2020, đạt hơn 28.578 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 1.666 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ. Lợi nhuận công ty mẹ đạt 1.038 tỷ đồng, tăng 29,5%.

 

Theo Hoà Bình/VTCNews

>> xem thêm

Bình luận(0)