Với mong muốn tăng thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình, mặc dù đã có công việc ổn định, anh Trần Thanh Tú (sinh năm 1986) ở xóm Soi, xã Phục Linh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên vẫn quyết tâm học hỏi, tìm hiểu và đã phát triển thành công mô hình nuôi tắc kè gai đen.
Mô hình nuôi con tắc kè gai đen của anh Trần Thanh Tú vừa tận dụng được thời gian ngoài giờ làm việc lại cho thu lãi 300 triệu đồng/năm.
Về xã Phục Linh, Đại Từ, Thái Nguyên, hỏi đến mô hình của Trần Thanh Tú nuôi tắc kè đen hầu như ai cũng biết, bởi anh Tú là người chịu thương, chịu khó, biết tận dụng mảnh vườn, tấc đất để làm giàu.
Anh Tú nhớ lại, năm 2016, khi mới cưới vợ và chuẩn bị sinh con đầu lòng, kinh tế dựa vào đồng lương hai vợ chồng rất eo hẹp.
Vợ anh làm kế toán tại trường học, còn anh làm công nhân cơ khí tại Tập đoàn Than. Cuộc sống khó khăn, anh lên mạng tìm hiểu các mô hình khởi nghiệp.
Qua tham khảo, anh Tú biết được nuôi tắc kè đen đầu tư vốn thấp, không ô nhiễm môi trường, thời gian chăm sóc không nhiều, con tắc kè giống dễ gây nuôi, phù hợp với khí hậu địa phương.
Mô hình nuôi tắc kè của anh Trần Thanh Tú, xã xóm Soi, xã Phục Linh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên cho thu nhập 300 triệu đồng/năm.
Thêm vào đó, nuôi tắc kè còn giúp anh Tú có thể tận dụng được chuồng trại gia đình anh trước kia xây dựng để nuôi lợn, nuôi gà nhưng giờ bỏ hoang.
Mặt khác, nhu cầu thị trường đối với tắc kè đen lớn, sản phẩm tắc kè thương phẩm cung cấp khan hiếm, rất ít cơ sở chăn nuôi.
Nhận thấy cơ hội phát triển, anh Tú gom góp số vốn ít ỏi vợ chồng anh tiết kiệm được từ đồng lương và vay gia đình, bạn bè để mua con giống và cải tạo chuồng trại.
Trong hai năm đầu khởi nghiệp, anh thất bại do chưa có kinh nghiệm, con giống nuôi là chết. Mỗi lần như thế, anh lại thêm được kinh nghiệm.
Qua 4 lần cải tạo chuồng trại, thay đổi cách nuôi, mô hình của anh mới đi vào ổn định, đến nay đã có thương hiệu trên thị trường.
Chuồng trại anh Tú cải tiến xây bằng gạch tạo vách với khoảng cách 25 - 30cm và chiều cao chuồng là 1m.
Để tạo không gian cho tắc kè giống hang đá ngoài tự nhiên, bên trong chuồng được xếp rất nhiều ống tre và hộp gỗ.
Mái của chuồng nuôi tắc kè được lợp bằng tôn lạnh và bên phủ bằng cây xanh, tạo không gian thoáng mát để tắc kè sinh trưởng phát triển.
Điều làm anh Tú hài lòng đó là nuôi con tắc kè đen không làm ảnh hưởng đến công việc của vợ chồng anh.
Các công việc từ chăm sóc, cho đến đưa hàng, tiếp thị phát triển thị trường vợ chồng anh đều có thể tự làm mà không cần thuê người làm.
“Sáng nào tôi cũng tranh thủ dậy sớm để soi và thu những quả trứng, sau đó thay nước, cho thêm thức ăn cho tắc kè. Tối về kiểm tra chuồng trại. Có bố mẹ ở nhà hỗ trợ nên tôi yên tâm đi làm từ sáng đến tối”, anh Tú tâm sự.
Chủ động nguồn thức ăn sạch cho con tắc ke
Chuồng trại được chia làm hai khu vực, khu nuôi tắc kè bố mẹ và khu nuôi tắc kè thương phẩm. Nuôi tắc kè không cần diện tích quá lớn nhưng cần tuân thủ phương pháp thuận tự nhiên.
Tắc kè bố mẹ phải nuôi ngoài trời, đảm bảo phơi nắng ban ngày và tắm sương vào ban đêm. Tắc kè sinh sản ở nhiệt dộ không quá 35, 36 độ C.
Mỗi năm tắc kè cho sinh sản từ tháng 4 đến tháng 9, những tháng còn lại là thời gian ngủ đông.
Loại tắc kè anh Tú đang nuôi là tắc kè miền Bắc hay còn gọi là tắc kè gai đen cho giá trị dinh dưỡng và giá trị kinh tế cao hơn tắc kè gai đỏ của miền Nam.
Hiện anh Tú có khoảng hai nghìn cặp tắc kè bố mẹ được bán với giá 800 nghìn đồng, mới chỉ cung cấp giống ra thị trường, còn sản phẩm để làm thịt chưa nhiều.
Kể cả những hộ nông dân mua con tắc kè giống và ký hợp đồng hỗ trợ kỹ thuật nuôi tắc kè, bao tiêu với anh hiện cũng chưa bán tắc kè sinh sản được mà giữ lại để mở rộng mô hình. Vì thế, thời điểm hiện tại tắc kè thịt muốn thu mua cũng không có.
Thức ăn của tắc kè chủ yếu là dế, để đảm bảo nguồn thức ăn sạch cho tắc kè anh nuôi dế trong các thùng bọc nilon kín, sản lượng đủ dùng.
Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, anh Tú cho biết, tắc kè là một trong những loài thuộc danh sách động vật quý hiếm cần được bảo vệ.
Vì thế, nuôi tắc kè thương phẩm tiềm năng càng ngày càng lớn. Thời gian tới, mô hình của anh ngoài việc cung cấp giống sẽ gia tăng sản lượng đối với sản phẩm tắc kè thịt.
Tắc kè đáp ứng được nhiều nhu cầu như: Nuôi làm cảnh, làm dược liệu quý, làm thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, đặc biệt là xuất khẩu có lợi nhuận lớn.