Thôn Tràng Cát (Thanh Oai, Hà Nội) nằm cách trung tâm thành phố khoảng 30km. Nhiều năm nay, Tràng Cát nổi tiếng với nghề trồng lá dong truyền thống nên mỗi dịp tết đến xuân về, người dân ở đây lại tất bật ra vườn cắt lá cung cấp cho khắp các tỉnh thành miền Bắc.
Hiện nay cả thôn Tràng Cát có khoảng 300 hộ dân với khoảng 70 mẫu đất trồng lá dong, gia đình nào nhiều trồng 5-6 sào, ít thì trồng 1-2 sào. Lá dong được người dân chăm sóc tốt, năng suất đạt cao, diện tích trồng có xu hướng tăng lên.
Hàng năm, từ tháng 10 đến tháng Chạp, một số lá dong đã được người dân cắt sớm phục vụ các nhà hàng gói bánh ngày 23 tháng Chạp và phục vụ xuất khẩu.
Năm nay, lá dong của Tràng Cát lên đều và đẹp. Bà Trương Thị Đào, một người trồng lá dong lâu năm tại làng Tràng Cát chia sẻ, lá dong bắt đầu được thu hoạch “rộ” từ ngày mồng 10 đến 15 - 17 tháng Chạp.
Nông dân trồng lá dong ở làng Tràng Cát thường bắt đầu thu hoạch từ mùng 7 – 25 tháng chạp âm lịch để phục vụ cho dịp Tết Nguyên Đán.
Lá dong Tràng Cát là loại dong nếp, lá tròn, to và dẻo dai. Bề mặt lá không dày như lá dong rừng nên phù hợp để gói bằng tay hoặc bằng khuôn. Đặc biệt, ưu điểm nổi bật hơn cả là màu lá xanh non, khi gói bánh cho ra màu bánh đẹp mắt và có vị thơm dễ chịu.
“Sau khi được cắt về, mọi người sẽ “dấn nước”, sắp lá thành từng bó đợi đến 18 tháng Chạp, từng đoàn xe lớn nhỏ sẽ kéo về thôn để nhập lá, mang đi khắp mọi miền Tổ quốc. Thậm chí, lá dong ở đây còn được xuất khẩu ra nước ngoài phục vụ Tết Nguyên đán. Những ngày ấy, cả làng sẽ vui như có hội. Xe ô tô tải lớn, nhỏ đỗ từ dốc đê vào tận giữa làng. Kẻ mua, người bán tấp nập vô cùng”, bà Đào hồ hởi kể.
Bà Đào cũng cho biết, sở dĩ, lá dong Tràng Cát được ưa chuộng từ xưa đến nay là bởi đây là giống lá nếp, bầu lá tròn, mềm, dai, mặt dưới có màu xanh non, cuống lá dài đồng màu với thân lá, chất lượng hơn hẳn lá dong ở những nơi khác. Dùng lá dong Tràng Cát để luộc bánh chưng, khi chín sẽ có màu xanh đẹp mắt và vị thơm đặc trưng hấp dẫn.
Bên cạnh đó, lá dong Tràng Cát có khổ lá vừa vặn để gói bánh chưng, phổ biến có chiều dài 50-60cm, chiều rộng 25-35cm. Chính bởi điều này, nhiều người từng mang giống cây lá dong Tràng Cát trồng ở một số địa phương lân cận nhưng không đạt chất lượng như ở đây.
Hiện tại, giá một bó là dong dao động từ 80.000đ – 100.000đ/ một bó 100 tàu lá, tùy loại to nhỏ khác nhau. Mức giá này tăng nhẹ so với năm ngoái, tuy nhiên tăng không đáng kể.
Lá sau khi cắt xong tại vườn được chọn lọc và phân loại cẩn thận sau đó chở về nhà. Bước cuối cùng là chia lá thành từng bó nhỏ, thường 50 lá/bó.
Nếu quá trình thu hoạch và tiêu thụ thuận lợi, trung bình mỗi hộ trồng dong ở Tràng Cát sẽ thu được từ 18 – 30 triệu cho một vụ lá dong Tết.
Trung bình một ruộng rộng khoảng 500 m2 sẽ cho thu hoạch được khoảng 3 mớ (đơn vị tính của địa phương), 1 mớ tương đương với 1 vạn lá. Hiện nay, bên cạnh cây lúa, hoa màu, cây ăn quả, lá dong là cây “phụ” nhưng đang trở thành “chính” khi bán một sào lá dong có thể thu từ 15 – 30 triệu đồng/vụ. Nếu nông dân chuyên canh lá dong thì cũng đủ sống, hoặc có thể vẫn xen kẽ trồng lúa, rau màu.
Thời điểm những ngày giáp Tết, nếu số lượng khách đặt nhiều, một số chủ vườn thường phải thuê thêm nhân công phụ giúp. Giá thuê dao động khoảng 200.000đ/người/ngày.