"Nhỡ mồm", 8X Lạng Sơn kiếm trăm triệu từ phong lan rừng

Google News

Vốn là người có niềm đam mê đặc biệt với hoa lan, nhất là phong lan rừng, anh Phạm Công Minh (thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) đã sưu tầm, gây dựng nên vườn lan rừng độc đáo với nhiều loài quý hiếm.  

Dính với nghề trồng lan rừng từ câu “nhỡ mồm"
Đi dọc đường QL4B đoạn qua thôn Bản Lầy, xã Xuân Lễ, huyện Lộc Bình ai cũng phải trầm trồ bởi sự đa dạng của các loại lan rừng từ nguyên bản cho đến lan nhân giống. Những giò lan rừng được treo lúc lỉu dài tăm tắp trong vườn của anh Phạm Công Minh.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN về cơ duyên đến với những khóm lan rừng, chủ vườn lan – anh Phạm Công Minh chia sẻ: "Trước đây tôi từng có thời gian làm cán bộ tư pháp tại Ủy ban nhân dân thị trấn. Cũng cán bộ, công chức nhà nước đấy, tuy nhiên tôi cảm thấy công việc bàn giấy gò bó, không phù hợp với cái tạng của mình nên sau 6 tháng làm “cán bộ” tôi đã xin nghỉ về làm nông dân. Nói thì dễ, nhưng đó là 1 khoảng thời gian khó khăn với tôi”.
 Khu vườn treo đầy những giỏ lan rừng của anh Minh ở thị trấn Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn.
Theo anh Minh, sân nhà treo những giỏ lan rừng luôn là nơi anh yêu thích và hằng ngày dành vào đó rất nhiều thời gian để nâng niu, tỉ mẩn chăm sóc. “Ngay từ nhỏ tôi đã có niềm đam mê với lan rừng. Tôi cũng ao ước có được vườn lan rừng với đầy đủ các loại để được thỏa thích ngắm nghía, chiêm ngưỡng. Nhưng hồi đó điều kiện kinh tế chưa cho phép, vả lại cũng chưa nghĩ là trồng lan rừng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế giống như là một nghề”, anh Minh thổ lộ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN.
Anh Minh kể, những nhánh lan rừng vốn là niềm yêu thích của anh từ rất lâu rồi. Tuy nhiên để bắt đầu gắn bó, nhất là xác định đó là nghề kinh doanh hoa lan thì chính thức anh mới làm từ năm 2013. Với sở thích trồng lan rừng nên hồi đó anh có nhờ 1 vài người dân bản địa tìm cho mình vài giống lan yêu thích ở trong rừng.
"Sau khoảng 2 tuần, những người này mang cho tôi mấy bao to chứa đầy các loại lan rừng mà tôi nhờ tìm. Lúc đó tôi mới ngớ người ra vì không nghĩ họ tìm được nhiều đến thế. Nhỡ mồm hứa hẹn là sẽ mua, nên tôi cũng đánh liều mở hầu bao mua tất. Nhiều lan quá mà trồng thì không hết, nên sau đó tôi mới tính đến chuyện tự chở mang ra chợ ngoài thành phố bán...", anh Minh chia sẻ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN.
Vườn lan rừng của anh Minh hiện có hơn 1.600 giò lớn, nhỏ với nhiều loại lan rừng quý hiếm... 
“Thấy một người bán được tiền, những người dân khác trong vùng thấy vậy cũng đi tìm thành ra nguồn lan rừng vơi đi rất nhiều. Hồi đó tôi mua 300.000 - 400.000 đồng/bao hàng lan rừng nguyên bản từ rừng, khi mang xuống thành phố bán thì thấy cũng bán được mà cũng khá lời lãi nên tôi nghĩ tại sao không trồng, nhân giống, chứ cứ đi vào rừng lấy rồi cũng có lúc cạn kiệt...”, anh Minh tiết lộ.
Nhận thấy tiềm năng, hiệu quả từ việc kinh doanh lan rừng cùng với đó là được thỏa sức với niềm đam mê của bản thân nên năm 2013 anh Minh đã bàn với gia đình về việc mở vườn lan. Ý tưởng của anh Minh là mở vườn sưu tầm các loại lan, xây dựng một nhà vườn đa dạng các loại lan rừng phục vụ người chơi lan không chỉ trong tỉnh mà còn vươn ra thị trường tỉnh khác. Tuy nhiên khi ý tưởng này được đưa ra thì vấp phải sự phản đối của mọi người trong gia đình.
Anh Minh chia sẻ với phòng viên Báo điện tử DANVIET.VN: “Hồi đó tôi cũng không có nhiều vốn, tính vay mượn mọi người nhưng ai cũng can, chỉ có một người bạn chí cốt ủng hộ và “vắt sạch túi” cho tôi vay tiền. Từ 100 triệu đồng tiền vốn, tôi cứ làm từ từ, nhân giống, sưu tầm thêm rồi cũng có khu vườn lan rừng như hiện nay”.
Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp, anh Minh kể, có lần tình cờ đi vào thị trấn Đình Lập, thấy người dân mang bán các loại lan rừng đẹp mà hiếm, lúc đó trong túi chỉ còn 1.2 triệu đồng. Chẳng biết làm thế nào, anh cầm cố luôn chiếc xe máy ngay ở đấy để lấy 4 triệu đồng mua được 4 giò lan rừng mang về nhà. Hôm sau, anh mới cầm tiền quay lại chuộc xe.
 Các giỏ lan được anh Minh chăm sóc cẩn thận vì nhiều loại mới mang từ rừng về chưa thích nghi với điều kiện trồng, chăm sóc nhân tạo.
Thành ông chủ vườn lan
Sau 8 năm cố gắng, hiện thành quả anh Minh có là 2 vườn lan có tổng diện tích 1.300m2 với hơn 1.600 giò lan gồm vô số loài lan khác nhau. Trong đó có nhiều loài lan rừng như Nghinh Xuân, Phi Điệp…Nói về kinh nghiệm trồng và chăm sóc lan rừng, anh Minh cho phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN biết: "Làm gì cũng cần có đam mê và tâm huyết. Tôi vốn là người không có kiến thức đào tạo gì liên quan đến lan, nhất là lan rừng, nhưng khi đã thích và đam mê thì tự tìm cách học hỏi. Qua học hỏi kiến thức từ sách báo và từ những người có kinh nghiệm trồng lan, tôi dần đúc rút được nhiều kiến thức, kỹ năng, vốn hiểu biết về lan rừng cho bản thân...".
 Theo anh Minh, tùy vào độ quý và đẹp mà các giò lan rừng có giá trị khác nhau. Đôi khi cả bó to cũng chỉ vài trăm nghìn đồng nhưng có khi chỉ một nhánh bé tí ti thôi cũng vài ba triệu đồng.
Điều quan trọng nhất khi chơi lan rừng là phải tìm hiểu cặn kẽ môi trường sống của từng loại lan. Mỗi loài lan có một đặc tính khác nhau, môi trường, nhiệt độ thích nghi cũng khác nhau. Không thể đưa một loại lan đang sống ở độ cao hơn 1.000m trở về độ cao mấy trăm mét mà nó sống ngay được. Vì vậy trước khi lấy một loại lan trên rừng về vườn nhà chăm sóc, thuần dưỡng phải tìm hiểu môi trường sống của nó, nếu không cây sẽ lụi dần và chết hết.
Theo anh Minh, lan có 4 dòng chủ đạo: Dòng hoàng thảo, dòng thân đơn (thân leo), dòng hài và địa lan gồm khoảng 1.226 loại lan đã được đặt tên. Ngoài ra nếu tính lan dại hoặc các loại trong rừng chưa có tên thì vô số kể.
Hiện, khách hàng chủ yếu tại vườn lan của anh Minh đến từ các tỉnh như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội... Trung bình anh Minh bán được 200 giò lan/tháng. Toàn bộ diện tích vườn lan của ông chủ 8x đều được phủ màn lưới che chắn cẩn thận. Từ những loài lan bông nhỏ đến những loại lan bông to, phong lan, địa lan, anh đều sưu tầm và "thuần hóa" trong vườn nhà. “Tùy vào độ quý và đẹp mà các loại hoa có giá trị khác nhau. Đôi khi cả bó cũng chỉ vài trăm nghìn đồng nhưng có khi chỉ một nhánh thôi cũng vài ba triệu đồng”, anh Minh tiết lộ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.
Hiện, khách hàng chủ yếu tại vườn lan của anh Minh đến từ các tỉnh như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội... 
Theo kinh nghiệm trồng lan rừng của anh Minh, để lan phát triển tốt, ra hoa đẹp, người trồng trước tiên phải nắm vững kỹ thuật, khi nhập giống về phải xử lý khử khuẩn, nấm… cho tốt vì cây lan này khi bệnh là bệnh hàng loạt, khó chữa trị. Vì thế, người trồng chủ yếu là phòng bệnh là chính. Quan trọng là phải đam mê, chăm sóc tỉ mỉ, luôn để mắt tới hoa. “Không tỉ mỉ thì hỏng. Trồng lan tôi vừa nhàn hạ, vừa thỏa đam mê lại cho thu nhập cũng chẳng thua kém đi làm cán bộ đâu...” anh Minh phấn khởi.
Ngoài lan thì anh Minh cũng có niềm đam mê đặc biệt đối với các giống cây xương rồng. Hiện anh còn có một giàn sưu tầm rất nhiều các giống xương rồng khác nhau. Và đó cũng là nơi góc vườn yêu thích của anh và gia đình khi nghỉ ở nhà. 
Theo Mộc Trà /Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)