Chợ phiên lan rừng nằm trên đường Điện Biên Phủ, TP. Đà Nẵng. Gọi là chợ phiên bởi người bán và mua chỉ dồn vào 2 ngày cuối tuần là thứ 7 và Chủ nhật.
Bán hoa là những người phụ nữ đồng bào dân tộc ở các huyện miền núi Quảng Nam và một số đến từ tỉnh Kon Tum. Mỗi phiên, khoảng 10 người phụ nữ với 10 gian hàng, bán mặt hàng duy nhất là lan rừng.
|
Thú chơi lan rừng của người dân Đà Nẵng hình thành từ hơn chục năm nay. |
“Mình mê phong lan rừng từ hồi đi bộ đội ở chiến trường Campuchia. Hồi đó mỗi lần hành quân qua những cánh rừng là mải mê nhìn ngắm hoa lan nở. Sau khi ra quân về Đà Nẵng sinh sống, mình bắt đầu chơi lan rừng”, ông Nguyễn Xuân Lâm - nhà ở trên đường 3-2 Đà Nẵng kể.
Cũng như ông Lâm, hàng trăm người đàn ông - đa phần lớn tuổi - không hẹn nhưng cứ đến cuối tuần là tìm đến chợ phiên lan rừng trên đường Điện Biên Phủ để tìm mua những nhánh lan rừng mà mình yêu thích đem về ươm trồng chờ ra hoa.
|
Chợ phiên lan rừng trên đường Điện Biên Phủ, TP. Đà Nẵng họp vào 2 ngày cuối tuần. |
Chị Y Hồng, một phụ nữ dân tộc Ba Na, nhà ở phường Thắng Lợi, TP. Kon Tum, chủ một quầy lan rừng đang bày bán dưới sàn nhà thuê tạm của một nhà nghỉ trên đường Điện Biên Phủ, kể mấy năm trước chợ lan rừng thường tụ họp trên vỉa hè cạnh một khu đất trống.
Nhưng thời gian gần đây, do Đà Nẵng cấm buôn bán nên mấy chị em bán lan cùng thuê tạm mặt bằng của một nhà nghỉ cạnh bên.
“Mình bán lan rừng hơn 5 năm nay, mỗi tuần mình và mấy chị em ở Kon Tum thu mua của dân đi rừng hái đem về, sau đó chăm sóc để chờ cuối tuần lên xe khách đưa về Đà Nẵng”, chị Y Hồng kể.
|
Tại đây bán các loại lan rừng theo bó hoặc theo kg. |
Chị Y Hồng cho biết, mỗi chuyến đưa lan rừng về bán. Tùy theo loại phong lan mà bán theo ký, mỗi ký từ 20.000 đến hơn 1 triệu đồng. Nhiều loại lan quý hiếm bán theo nhánh, nhưng đôi khi chị thích thì bán chẳng tính toán lời lãi, miễn là người mua “ưng cái bụng”.
Còn chị Y Phương, nhà ở phường Thắng Lợi, TP. Kon Tum, bảo chị có thâm niên gần 10 năm mua bán lan rừng. Hỏi mỗi chuyến đưa lan rừng về bán ở Đà Nẵng kiếm được bao nhiêu tiền, chị Phương lắc đầu: "Đa số chị em đi bán lan ít khi tính toán lời lỗ, đủ chi phí tiền xe, ăn ở mỗi chuyến kiếm cũng được hơn 1 triệu đồng, cao gấp nhiều lần đi làm thuê".
Chỉ đống lan rừng đủ loại bày bán dưới đất, chị Y Phương bảo: "Mỗi kg lan rừng giá thấp nhất 60.000 và cao nhất tùy loại lên đến 1,5 triệu đồng. Nhưng loại lan rừng giá cao rất hiếm và ít người mua".
|
Điều khá thú vị ở chợ phiên lan rừng này là người mua vô tư trả giá. |
Điều khá thú vị ở chợ phiên lan rừng này là người mua vô tư trả giá, thích thì mua theo kg, không thích thì mua theo bó.
Nhiều người sành chơi lan rừng cho biết, các loại lan phổ biến bán tại chợ phiên chủ yếu là lan móng rồng, lan xương cá, hoàng thảo vôi, tu long lào, báo hỷ, bạch câu, bạch hỏa hoàng, lan chuỗi ngọc,... Đây là loại lan dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc như các loại lan quý hiếm hay được ươm trồng, bày bán ở các nhà vườn Đà Lạt với giá cao vào mỗi dịp Tết.
|
Các loại lan được bán ở đây thường dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc. |
“Lan rừng dễ tính, chỉ cần chịu khó chăm sóc là ra hoa, có mùi thơm nhẹ dễ chịu, giá không đắt. Còn loại lan trồng ở Đà Lạt giá quá cao, về chăm sóc rất khó ra hoa. Vì vậy, đa phần người chơi lan rừng đều thích sưu tầm", ông Nguyễn Xuân Đức, nhà ở quận Hải Châu, đang lựa mua lan rừng tại chợ phiên này, kể.
Để đáp ứng thú chơi của người thành phố, một đội quân chuyên săn lan rừng ở các huyện miền núi Quảng Nam và Tây Nguyên đã hình thành. Đây là nguy cơ, rừng sẽ bị xâm hại, bởi lan rừng thường mọc trên cây, nên đa phần họ phải chặt cây để hái.