Vậy nếu so sánh về khả năng kiếm tiền giữa liên đoàn bóng đá của 2 nước thì kết quả sẽ thế nào?
|
Không chỉ bóng đá của người Thái mạnh, mà khả năng kiếm tiền của Liên đoàn bóng đá Thái Lan cũng cực khủng. Trong khi, đội tuyển bóng đá của Việt Nam mới khởi sắc được vài năm trở lại đây. Ảnh minh họa của Zing |
Tiềm lực tài chính
Xét về khía cạnh tài chính chắc hẳn Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) không thể so sánh được với người Thái. Bởi theo thống kê năm 2017, VFF kiếm được khoảng 60 tỷ đồng/năm, thì con số này của Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) cao hơn rất nhiều lần.
Chưa có thông tin tài chính mới nhất, nhưng năm 2017, nhờ doanh thu cực khủng (quy đổi ra tiền Việt rơi vào khoảng trên 800 tỷ đồng đều đặn hàng năm), FAT đã mời 3 đội bóng hàng đầu thế giới là Argentina, Hà Lan và Mexico sang Bangkok dự giải tứ hùng.
Được biết, trong bản hợp đồng của FAT với Liên đoàn bóng đá Argentina, có một mục đưa ra điều khoản: nếu có Messi và Aguero thì FAT phải chi trả thêm khoảng hơn 1 triệu USD. Điều này đã cho thấy, tiềm lực tài chính của Liên đoàn bóng đá Thái Lan mạnh đến thế nào.
Khả năng kiếm tiền của các lãnh đạo bóng đá xứ "chùa Vàng" thật đáng nể. Theo thống kê, trong nhiệm kỳ 8 năm (2008-2016) của cựu Chủ tịch Worawi Makudi, ông này giúp FAT thu về 10 tỷ baht (xấp xỉ 6.500 tỷ đồng). Như vậy, tính trung bình mỗi năm, FAT có trên 812 tỷ để hoạt động.
Đây là giai đoạn mà bóng đá Thái Lan vượt qua giai đoạn khủng hoảng, xây dựng chân đế vững chắc, tạo nên một giải vô địch quốc gia hấp dẫn và lọt vào trong danh sách top 10 châu lục. Bí quyết kiếm tiền của FAT là gì? Đó là bằng việc kết hợp với tập đoàn truyền thông Siamsports để khai thác thương quyền.
Nhờ khả năng tài chính quá dồi dào, FAT từng chi cho ĐT nữ Thái Lan gần 1 triệu USD khi giành vé dự World Cup năm 2015. Hay chịu chi khoản lương 900.000 USD/năm (gần 20 tỷ đồng) để trả lương cho cựu danh thủ Bryan Robson của Man United khi dẫn dắt tuyển Thái Lan giai đoạn năm 2009 - 2011.
Trở lại Việt Nam, ở nhiệm kỳ hiện tại, VFF có một đối tác từ Nhật Bản làm nhiệm vụ khai thác thương quyền hay nói khác hơn là kiếm tiền về cho Liên đoàn. Nhưng được biết, con số thu được vẫn còn rất nhỏ khi so với khả năng kiếm tiền của FAT. Và hơn thế nữa, thu có lúc vẫn chưa đủ bù cho chi. Lấy ví dụ năm 2013, VFF báo cáo kiếm được 59 tỷ đồng nhưng đã chi ra đến… 66 tỷ đồng.
Như đã biết, đến Đại hội thường niên Ban chấp hành VFF đầu tháng 11/2016, Tổng thư ký Lê Hoài Anh báo cáo nguồn thu từ vận động – tài trợ bao gồm cả tiền lẫn hiện vật là 60 tỷ đồng.
Trong khi đó, nhiệm kỳ hiện tại, Tướng Somyot Poompamuang còn được dự báo sẽ kiếm nhiều tiền hơn cả Makudi. Tháng 4/2016, FAT cho biết Tập đoàn truyền thông Plan B đã giành được quyền quản lý lợi ích các giải đấu chuyên nghiệp của Thái Lan từ 2017 - 2020 với giá trị hợp đồng gần 2.100 tỷ đồng.
Cách đây không lâu, ThaiBev đã ký hợp đồng hợp tác trong 10 năm… trị giá 1 tỷ baht (trên 600 tỷ đồng) với FAT. Công ty này nổi tiếng với thương hiệu bia Chang đã gắn bó với FAT từ năm đầu những năm 2000. Giá trị hợp đồng giữa 2 bên tăng theo từng năm. Đây là một khoản thu lớn giúp Somyot có thể thực hiện hàng loạt kế hoạch lớn cho thầy trò Kiatisak.
Chưa dừng lại ở đó, Toyota cũng cam kết rót 20 triệu USD cho FAT trong giai đoạn từ năm 2017 - 2020. Ngoài ra, Toyota còn tài trợ cho ĐT Thái Lan cũng như các giải đấu chuyên nghiệp của quốc gia này. Đây cũng là đối tác đã gắn bó với bóng đá Thái Lan từ năm 1987.
Đặc biệt, những con số trên mà FAT nhận được chưa tính đến số tiền bản quyền truyền hình mà TRUE chi ra để khai thác các giải đấu chuyên nghiệp Thái Lan từ 2017 - 2020. Hợp đồng này có giá 4,2 tỷ baht (hơn 2.700 tỷ đồng).
Tất cả những khoản tiền mà FAT nhận được đều công khai, minh bạch để trang trải cho hoạt động của các đội tuyển bóng đá quốc gia nam, nữ, futsal, bóng đá bãi biển, U23, U21, U19, U16…
Cách làm bóng đá của các tỷ phú 2 nước
Điển hình nhất là khi tỷ phú Vichai (Thái Lan) mua lại Leicester City vì ông biết chọn những ngóc ngách ít người đi, chọn những đội bóng ít người đầu tư để sẵn sàng xây dựng đội bóng từ chốn vô danh.
Nói đến Vichai thì chắc hẵn có rất nhiều người biết, bởi ông chính là tỷ phú Châu Á đầu tiên vô địch ngoại hạng Anh cùng câu lạc bộ Leicester City.
Những ông chủ mê bóng đá ở Thái Lan đầu tư ra nước ngoài sau khi họ đã hoàn tất xứ mệnh với bóng đá trong nước, đó là biến giải vô địch nhà nghề Thái Lan thành giải đấu hay nhất Đông Nam Á, giúp các CLB trong nước có tiềm lực tài chính vững chắc, biết cách khai thác lợi nhuận từ bóng đá, đồng thời quan trọng nhất là nâng chất lượng bóng đá Thái Lan, theo hướng có thể cạnh tranh ở tầm châu lục.
Khác biệt cơ bản của nhiều ông bầu ở Thái với một số ông bầu bóng đá Việt Nam có thể nằm ở chỗ, các ông chủ tại Thái Lan dùng bóng đá để nuôi lại bóng đá, trong khi một số ông bầu ở Việt Nam đầu tư vào bóng đá để 'đánh bóng' thương hiệu doanh nghiệp của mình và đi tìm những mối lợi ngoài bóng đá...
Trước khi tỷ phú Vichai nghĩ đến chuyện mua lại CLB Leicester City, bầu Đức của bóng đá Việt Nam cũng từng có ý định mua phần lớn cổ phần của CLB Arsenal.
Tuy nhiên, thương vụ mà bầu Đức dự định bất thành, vì nhiều lý do. Trong đó có cả việc phía được hỏi mua chắc chắn phải đánh giá người mua, đánh giá các rủi ro có thể xảy ra khi thực hiện hợp đồng, nhất là rủi ro về mặt tài chính... để rốt cuộc phía Arsenal không chấp nhận lời đề nghị của bầu Đức.
*Title do Kiến Thức biên tập lại