Cứ vào dịp Black Friday thì chị Mai ngày ngủ chưa đến 3 tiếng, thậm chí thức xuyên đêm; đến ăn cơm, uống nước và đi vệ sinh nhiều khi còn phải nhịn vì không có thời gian. Song, đổi lại, sau mỗi dịp như thế này, dân chuyên order hàng nước ngoài như chị có thể lãi cả 100 triệu đồng.
Nhịn ăn, thức xuyên đêm “săn mồi”
Nói về chuyện đặt hàng dịp Black Friday, chị Nguyễn Thanh Mai - chủ một shop chuyên đứng ra nhận order hàng hóa từ nước ngoài ở Ngã Tư Sở (Thanh Xuân, Hà Nội), cho biết, những người như chị không phải dân buôn hàng xách tay mua hàng về bán lại lấy lãi, mà chỉ là người trung gian đứng ra order (đặt hàng) hộ khách, khi khách ưng một món đồ nào đó ở nước ngoài.
Mỗi một mặt hàng, chị được 50.000 đồng tiền công. Còn giá sản phẩm được tính theo công thức: giá trên web x tỷ giá (USD, Euro, bảng Anh hay đồng Yên,... ) + tiền công + cân nặng (cước vận chuyển).
Theo chị, dù làm nghề “nhặt bạc lẻ”, song những năm gần đây, nhu cầu đặt mua hàng nước ngoài của người Việt ngày càng cao, với đủ mặt hàng từ thời trang, túi xách, mỹ phẩm, đồng hồ cho tới đồ công nghệ, thực phẩm,... nên việc order hộ của chị đắt khách quanh năm. Đặc biệt, vào dịp Thứ sáu đen tối (Black Friday) - mùa sale lớn nhất trong năm ở nhiều nước - thì lượng khách tăng gấp vài chục lần.
|
Dịp Black Friday giới nhận order hàng xách tay có thể kiếm bộn tiền (Ảnh minh họa) |
Khách đông, tiền công sẽ được nhiều. Nhưng, để kiếm được vài chục ngàn một món đồ, giới săn “mồi” thuê như các chị cũng mệt lử, phờ phạc vì thức đêm nhiều, mắt lúc nào cũng dán vào màn hình máy tính.
Chị Mai kể, năm ngoái, từ lúc tung lên facebook gần chục đường link trang bán hàng của những thương hiệu nổi tiếng về thời trang, túi xách, giầy dép, đồng hồ,... có giảm giá lớn dịp Black Friday để khách ngắm, “đặt gạch” giữ hàng trước cho đến ngày chính hội, ròng rã suốt 10 ngày trời, 4 “chiến binh” thiện chiến của chị mỗi ngày được ngủ chưa đầy 3 tiếng, ăn uống chẳng theo giờ giấc nào.
Bởi, khách đua nhau nhắn tin nhờ tư vấn chọn mẫu, chọn size rồi đặt hàng,... nhân viên ngồi trả lời mỏi tay không kịp.
Nhưng, “cuộc chiến” khủng khiếp nhất là vào những ngày cận kề Black Friday. Ngoài tư vấn cho khách hàng, phân loại hàng hóa, lập danh sách hàng khách đặt, tính toán giá tiền, bản thân chị và các nhân viên cũng phải săn hàng đẹp, giá mềm để giới thiệu cho khách. Khi ấy, các chị thức xuyên đêm, nhịn ăn, nhịn uống, thậm chí nhịn cả đi vệ sinh là chuyện thường.
Lý do là bởi, múi giờ các nước thường lệch với múi giờ Việt Nam, trong khi những mặt hàng sale khủng thường chỉ diễn ra trong ngày Black Friday và hết vèo chong chớp mắt nên phải canh me từng phút.
Thế nên, sau khi kết thúc Black Friday, chị và chiến hữu của mình, ai nấy mắt cũng như gấu trúc, da sạm lại vì thiếu ngủ, người thì sụt cân.
|
Sau dịp Black Friday, những thùng hàng từ nước ngoài chuyển về như thế này có thể chất đầy nhà chị Mai (ảnh minh họa) |
Đúi túi hàng trăm triệu dịp Black Friday
Chị Mai cho hay, năm nay, dù tuyển thêm được người nhưng tình hình cũng căng như năm ngoái. Tính đến 23/11, đơn hàng cập nhật đến con số 1.500 sản phẩm. Hơn tuần nay, mỗi ngày tính cả thời gian ăn uống, đi vệ sinh, thời gian ngủ nghỉ chị có chưa đầy 4 tiếng. Thời gian còn lại mọi người đều cắm mặt vào máy tính.
“Nãy vừa phải nhờ bác giúp việc nhà mình đi mua ít bánh trái, lương khô cùng ít nước ngọt để làm lương thực, chuẩn bị chinh chiến cho đến hết ngày Black Friday chứ thời gian đâu mà nấu cơm”, chị chia sẻ.
Chị Mai tiết lộ, năm nay khách đặt hàng đông, chị đã phải yêu cầu khách tăng tiền đặt cọc từ 50% giá trị sản phẩm lên 75% do vốn bung ra mua hàng có hạn. Song, cách đây một ngày, chị vẫn phải ra ngân hàng rút hết tiền trong hai quyển sổ tiết kiệm ra để đặt hàng cho khách.
Sau Black Friday, hàng về chất đầy nhà, mọi người lại phải ngồi phân loại, cân nặng, tính tiền rồi thuê người đưa hàng cho khách. Nhưng, điều chị khổ sở nhất là một số đơn phải cáo lỗi với khách, không thể đặt được do hết size, hết màu hay hết hàng,...
“Khách thông cảm thì chị yêu cầu chuyển tiền đặt cọc, nhưng cũng có khách khó tính ngồi chat giải thích, xin lỗi mãi mà vẫn bị mắng tơi tả”, chị Mai kể.
Dù bị khách mắng, dù phải thức đêm, dù phải nhiều ngày ăn không đủ no, nhưng đổi lại, qua đợt sale này, chị Mai đút túi cả trăm triệu đồng. Ngoài tiền công trên mỗi sản phẩm, chị còn kiếm thêm được chút tiền chênh lệch tỷ giá giữa giá chợ đen với tỷ giá ngân hàng.