|
Tần suất cất, hạ cánh tại Tân Sơn Nhất đang vượt ngưỡng khiến đường băng bị xuống cấp nhanh - Ảnh: Phan Tư |
Nếu không nhanh chóng khắc phục, chất lượng khu bay không đảm bảo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn bay, có thể dẫn đến việc phải ngừng hoạt động đường băng tại Tân Sơn Nhất và Nội Bài.
Dù xuống cấp, vẫn phải tiếp tục khai thác vượt tải
“Cần thiết và cấp bách” là hai từ được Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nhấn mạnh trong văn bản gửi Bộ Tài chính về việc bảo trì, sửa chữa tài sản kết cấu hạ tầng hàng không.
Cụ thể, theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, do khai thác vượt tần suất và vượt áp suất bánh hơi thiết kế, đường băng 07L/25R của sân bay Tân Sơn Nhất đã xuất hiện nhiều hư hỏng, rạn, nứt, mặt đường bê tông nhựa bị biến dạng, hằn vệt bánh xe theo vệt lăn của càng máy bay.
Tương tự, đường băng 1B của sân bay Nội Bài có nhiều điểm bị bong bật, nứt vỡ tấm bê tông xi măng, khe co giãn bong vật liệu chèn khe. Một số tấm bê tông xi măng bị lún.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định: “Mặc dù xuống cấp, hệ thống sân đường khu bay tại Nội Bài, Tân Sơn Nhất vẫn đang phải tiếp tục khai thác vượt tải. Việc bảo trì, sửa chữa những hư hỏng nặng nề, tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn bay là “rất cần thiết và vô cùng cấp bách”.
Trước đó, trao đổi với Báo Giao thông, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) Lại Xuân Thanh cho hay, đường cất/hạ cánh 25R/07L CHK quốc tế Tân Sơn Nhất được sửa chữa và đưa vào sử dụng tháng 6/2013, đảm bảo khai thác tàu bay B777 - 300 ER hoặc tương đương với tần suất hoạt động 55.100 lần cất/hạ cánh trong 10 năm. Trong khi đó, tính đến hết tháng 4/2018, tổng số lần cất/hạ cánh trên đường này (quy đổi ra tàu B777) đã là 126.000 lần, vượt nhiều lần thiết kế.
Đường cất/hạ cánh 1B CHK Nội Bài đưa vào khai thác năm 2003, được thiết kế đảm bảo khai thác tàu bay B747-400 cho khoảng 10.500 lượt cất/hạ cánh trong 20 năm. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 4/2018, tổng số lần cất/hạ cánh trên đường băng này đã lên tới 284.200 lần.
Cũng thừa nhận nguy cơ đóng cửa 2 đường băng nếu không kịp thời nâng cấp, sửa chữa, ông Thanh cho biết thêm: “Việc đóng cửa sẽ tăng thêm áp lực khai thác cho 2 đường cất/hạ cánh còn lại, gây ảnh hưởng đến an toàn bay. Đồng thời, giảm sản lượng khai thác tại 2 sân bay đông đúc nhất cả nước”.
|
Việc sửa chữa tạm tạo thành các vết trám vá cục bộ trên mặt đường hạ cất cánh Tân Sơn Nhất |
Cần sớm gỡ cơ chế
Sau khi ACV cổ phần hóa, tài sản khu bay đã được tách ra và do Nhà nước quản lý, trách nhiệm bố trí vốn đầu tư, bảo trì thuộc về Nhà nước.
Trước tình hình xuống cấp nghiêm trọng khu bay tại hai CHK quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài, Bộ GTVT đã đề nghị Thủ tướng xem xét bổ sung danh mục và bố trí kế hoạch vốn trung hạn 2016 - 2020 từ nguồn dự phòng của Chính phủ. Dự kiến, khoảng gần 4.500 tỷ đồng để thực hiện nâng cấp sửa chữa các hạng mục kể trên.Tuy nhiên, trao đổi với Báo Giao thông, Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng cho biết, Chính phủ đã có văn bản yêu cầu Bộ GTVT cân đối trong nguồn vốn ngân sách đã bố trí. Bộ GTVT cũng đã rà soát cho thấy không còn vốn để đầu tư, cải tạo, nâng cấp đường cất/hạ cánh và đường lăn tại CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài (dự kiến khoảng hơn 4.200 tỷ đồng) và hệ thống hàng rào an ninh khung bay, đường công vụ tuần tra (dự kiến khoảng hơn 250 tỷ đồng).
Trước mắt, để đảm bảo hoạt động khai thác tại cảng hàng không được liên tục, không bị gián đoạn, Bộ GTVT kiến nghị Bộ Tài chính cho phép ACV sử dụng nguồn thu từ hoạt động khai thác kết cấu hạ tầng khu bay để thực hiện ngay công tác bảo trì, sửa chữa hệ thống sân đường khu bay tại các cảng hàng không, thực hiện ghi thu, ghi chi ngân sách Nhà nước như giai đoạn trước 31/12/2017 đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận hoặc sử dụng nguồn kinh phí của ACV để thực hiện.
Nếu được Bộ Tài chính chấp thuận, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo ACV căn cứ hệ thống định mức, tiêu chuẩn kinh tế, kỹ thuật hiện hành lập kinh phí bảo trì, sửa chữa hạ tầng khu bay trình Cục Hàng không VN phê duyệt làm cơ sở thực hiện.
Liên quan đến cơ chế quản lý khu bay, Cục trưởng Đinh Việt Thắng cho biết, cơ quan này đang hoàn tất Đề án quản lý khai thác hạ tầng khu bay trình Bộ GTVT xem xét, thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đại diện ACV cho biết, DN này đang giữ hộ ngân sách nguồn thu từ phí cất, hạ cánh tại CHK (tích lũy từ năm 2018, mỗi năm khoảng hơn 1.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, khoản thu này cũng không đủ để đầu tư, nâng cấp đường cất/hạ cánh Tân Sơn Nhất và Nội Bài nói trên. Nếu được giao quản lý khai thác hạ tầng khu bay thì DN này có thể dùng quỹ đầu tư phát triển để bảo trì. Tuy nhiên, do chưa có cơ chế nên chưa thể triển khai.