Đây là khẳng định của Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú tại cuộc họp báo về triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2021 diễn ra sáng nay (24/12).
Theo lãnh đạo cơ quan quản lý tiền tệ, nhiều năm qua NHNN đã chủ trương hạn chế in và phát hành tiền lẻ mới (mệnh giá dưới 10.000 đồng) ra thị trường. Chính sách này đã giúp tiết kiệm ngân sách khoảng 3.500 tỷ đồng (tính đến Tết Nguyên đán 2020).
Theo kế hoạch năm nay, NHNN sẽ tiếp tục không in tiền mới có mệnh giá nhỏ. Cũng theo Phó thống đốc, việc người dân sử dụng tiền lẻ mới vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm, đi lễ đền chùa là thói quen từ rất lâu của người dân. Tuy nhiên, NHNN sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan để tuyên truyền cho người dân hiểu đúng về vai trò của tiền mệnh giá nhỏ.
Như vậy, đây là năm thứ 8 liên tiếp cơ quan quản lý tiền tệ đưa ra chủ trương không phát hành tiền lẻ mới vào dịp Tết. Tuy nhiên, lãnh đạo NHNN khẳng định tiền lẻ đã qua lưu thông vẫn sẽ được cung ứng để phục vụ nền kinh tế.
|
Tết Nguyên đán 2021 là năm thứ 8 liên tiếp NHNN chủ trương không phát hành tiền lẻ mới (mệnh giá dưới 10.000 đồng). Ảnh: N.M.
|
Cũng tại cuộc họp báo sáng 24/12, lãnh đạo Vụ tín dụng các ngành Kinh tế (NHNN) cho biết do cầu tín dụng yếu bởi tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 và tình hình thiên tai, mưa lũ khu vực miền Trung và Tây Nguyên, tăng trưởng tín dụng đến nay vẫn thấp hơn các năm trước. Cụ thể, tính đến 21/12, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 10,14% so với đầu năm và tăng 11,62% so với cùng kỳ năm 2019.
Với mức tăng trưởng kể trên, ước tính các ngân hàng đã bơm ròng ra nền kinh tế hơn 831.000 tỷ đồng qua kênh tín dụng từ đầu năm, tương đương gần 2.368 tỷ đồng/ngày.
Theo Phó thống đốc Đào Minh Tú, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên tín dụng từ đầu năm đến giữa năm tăng trưởng rất thấp, tuy vậy, nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh mà chỉ số này đã có dấu hiệu tăng trở lại vào cuối năm. Dự kiến đến hết năm nay, tăng trưởng tín dụng sẽ đạt khoảng 11%.
Theo kế hoạch năm 2021, mức tín dụng NHNN đặt ra để định hướng là 12% và sẽ được điều chỉnh tùy thuộc vào mức độ hấp thụ của doanh nghiệp, nền kinh tế.
“Đây là mức tăng trưởng tín dụng định hướng điều hành chứ không phải tăng trưởng cố định. Việc tăng trưởng tín dụng sẽ được cân nhắc vào nhiều yếu tố để đảm bảo ổn định thị trường và hỗ trợ tăng trưởng”, Phó thống đốc nhấn mạnh.