Gần Tết Nguyên đán, nhu cầu đổi tiền mệnh giá nhỏ để lì xì, đi lễ chùa đầu năm... ngày càng tăng khiến dịch vụ đổi tiền lẻ ngoài "chợ đen" được dịp "hét" chi phí.
Năm nay là năm thứ 6 liên tiếp Ngân hàng Nhà nước công bố không phát hành tiền lẻ mới có mệnh giá dưới 10.000 đồng lưu thông trong dịp Tết Nguyên đán. Việc này giúp tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng chi phí cho ngân sách đáng lẽ phải chi để in ấn, vận chuyển, bảo quản, kiểm đếm.
|
Dịch vụ đổi tiền lẻ rao bán rầm rộ trên chợ mạng. Ảnh chụp màn hình Facebook. |
Trong khi các ngân hàng giới hạn việc đổi tiền lẻ thì trên các "chợ online", dịch vụ đổi tiển lẻ, tiền mới, nguyên seri lại vô cùng nhộn nhịp.
Trên mạng xã hội Facebook, các trang Fanpage
đổi tiền lẻ mọc lên như nấm, người rao bán cũng rầm rộ.
Chia sẻ về việc này, chị Thu Hoài (Ba Đình, Hà Nội) cho biết: "Đổi tiền lẻ những ngày giáp Tết ở các ngân hàng rất khó. Cách đây 3 ngày, tôi phải tìm đến dịch vụ đổi tiền trên Facebook. Tuy nhiên, phí đổi tiền khá cao. Phí đổi tiền 10.000 đồng là 10%".
|
Phí đổi tiền lẻ ở các nơi không giống nhau. Ảnh chụp màn hình Facebook. |
Thực tế, phí đổi tiền lẻ của mỗi người rao không giống nhau. Có tài khoản Facebook rao đổi tiền công khai với mức phí 12% cho tiền 5.000 đồng, 10% cho tiền 10.000 đồng và 8% cho tiền 20.000 đồng.
Một Facebook khác rao đổi tiền lẻ với phí chỉ từ 3% cho các mệnh giá từ 1.000 - 200.000 đồng.
Trong khi đó, một website đổi tiền trên mạng quảng cáo giá đổi tiền lẻ nguyên seri với mệnh giá 1.000 đồng là 15%; 2.000 đồng và 5.000 đồng là 10%, mệnh giá 10.000 đồng là 9% và 20.000 đồng là 5%. Đổi càng nhiều thì phí đổi càng giảm.
Đáng chú ý, tờ tiền mới, nguyên seri mệnh giá 500 đồng, nếu đổi 100 tờ (tức 50.000 đồng), có nơi mất phí 200.000 đồng, gấp 4 lần số tiền đổi.
Với mức phí như thế này, khách hàng là người chịu thiệt "khủng". Ví dụ, nếu đổi 1 triệu tiền 10.000 đồng thì người đổi phải trả 200.000 đồng tiền phí. Mặc dù đắt đỏ như vậy nhưng theo tiết lộ của nhiều nickname, họ vẫn luôn "cháy" hàng vì nhu cầu quá đông.