Số liệu thống kê cho thấy, tính đến hết quý III/2017, mặc dù tình hình kinh doanh có khởi sắc, nhiều ngân hàng báo lãi, thậm chí lãi lớn nhưng tỷ lệ nợ xấu ngân hàng cũng cao.
Đứng đầu trong nhóm ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất là ngân hàng Sacombank. Theo báo cáo tài chính kết quả kinh doanh quý III/2017, nợ xấu của Sacombank còn ở mức cao 13.264 tỷ đồng, chiếm 5,9% tổng dư nợ tín dụng, giảm 1% so với đầu năm là 6,9%. Trong đó, nợ xấu tăng chủ yếu ở các nhóm nợ nghi ngờ mất vốn (nhóm 4) ở mức 3.251 tỷ, tăng 24% và nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) ở mức 9.593 tỷ, tăng 12,7% so với đầu năm.
|
Sacombank đứng đầu trong nhóm ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất. Ảnh minh họa: Internet. |
Giữ vị trí 2 là ngân hàng VPBank. Theo báo cáo tài chính quý III/2017, dư nợ tín dụng tiêu dùng của công ty con FE Credit chiếm tới 1/4 tổng dư nợ tín dụng của ngân hàng này, trong khi đó, trần nợ xấu 3% chỉ áp dụng với các ngân hàng thương mại. Nếu xét riêng ngân hàng mẹ, nợ xấu nội bảng của VPBank dưới ngưỡng 3%, ở mức 2,6%. Tuy vậy, nếu tính cả nợ xấu tại VAMC, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng mẹ - VPBank vẫn vượt 3%, ở mức 5,21%.
Tếp đến là BIDV, kết thúc quý III/2017, ngân hàng này ghi nhận hơn 17.000 tỷ đồng nợ xấu (chiếm 2.08% tổng dư nợ cho vay), trong khi cuối năm 2016, nợ xấu của ngân hàng chỉ hơn 14.000 tỷ đồng (chiếm 1.99% tổng dư nợ cho vay). Trong 3 nhóm nợ xấu của BIDV, đáng chú ý nhất là nhóm nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng khoảng 33% so với cuối 2016, từ 6.911 tỷ lên 10.463 tỷ.
Với cường độ trích lập dự phòng như hiện nay, BIDV nhiều khả năng sẽ sớm đưa tổng tỷ lệ nợ xấu (cả nội bảng và ngoại bảng) về dưới 3%, bởi hiện tỷ lệ này dù vượt ngưỡng 3% nhưng không quá xa, hiện ở mức dưới 3,5%.
Tương tự, tại Eximbank, ngân hàng này vẫn đang giữ tỷ lệ nợ xấu “bề ngoài” dưới ngưỡng 3%, nhưng nếu xét thêm cả nợ xấu tại VAMC, tỷ lệ này là 7,08%.
Còn tại SHB, nếu tính cả nợ xấu tại VAMC, tỷ lệ nợ xấu của SHB hiện ở mức khoảng 4,8%. Sở dĩ SHB vẫn để nợ xấu thực tế vượt trần 3%, không hẳn là vì ngân hàng này không có đủ tiềm lực để trích lập dự phòng, mà bởi SHB được phép giãn thời gian trích lập dự phòng đến tận năm 2024 theo đề án sáp nhập Habubank.
Một trường hợp khá đáng chú ý trong danh sách vượt trần nợ xấu là VIB. Dù khá tích cực trong việc mua lại nợ xấu từ VAMC nhưng tổng tỷ lệ nợ xấu của tân binh UPCoM này hiện vẫn ở mức 3,83%.
Tính đến hết 30/9/2017, nợ xấu của ABBank có bước tăng đáng kể với 1.308 tỷ đồng, tăng 28,2%. Tỷ lệ nợ xấu cuối tháng 9 là 2,96% sát mức quy định của Ngân hàng Nhà nước, đầu năm tỷ lệ này chỉ ở mức 2,56%. ABBank không chỉ rõ giá trị trái phiếu VAMC nắm giữ nhưng giá trị chứng khoán nợ giữ đến ngày đáo hạn ở mức 3.160 tỷ đồng, đã trích lập dự phòng 1.087 tỷ đồng.
Nợ xấu của LienVietPostBank ở mức 1,19%. Mặc dù mức nợ xấu này thấp hơn mức quy định của NHNN nhưng lại tăng gần 28% lên 1.132 tỷ đồng.
Riêng nợ xấu của Ngân hàng Quân đội (MB) kết thúc quý III/2017 ở mức 1,35%. Dù không công bố nợ xấu mới nhất tại VAMC nhưng theo ước tính, tỷ lệ nợ xấu cả nội bảng và ngoại bảng của MB hiện chỉ nhỉnh hơn 2%.
Tại Vietcombank, nợ xấu nội bảng của ngân hàng này ở mức thấp 1,21%. Nếu tính cả nợ xấu tại VAMC, tỷ lệ nợ xấu vẫn chỉ ở mức khoảng 1,6%, thấp hơn nhiều so với ngưỡng quy định 3% của Ngân hàng Nhà nước.
Trong khi đó, Techcombank hiện đã sạch nợ tại VAMC. Tỷ lệ nợ xấu hiện chỉ ở mức 1,93%.
Với ACB và TPBank, cùng từng trải qua “thời kỳ đen tối” nhưng nay, 2 ngân hàng này đã nhẹ bước khi tỷ lệ nợ xấu nội bảng giữ ở mức thấp 1,05% và 0,89%. Nếu tính cả nợ xấu tại VAMC, tỷ lệ nợ xấu vẫn chỉ ở mức dưới 2%.
Tính đến hết quý III/2017, tổng số nợ xấu nội bảng của SCB là 1.111 tỷ đồng, chiếm 0,43% tổng dư nợ cho vay, đây là tỷ lệ nợ xấu thấp nhất hệ thống. Tuy nhiên, nợ xấu của SCB nếu tính cả nợ xấu tại VAMC đang ở mức khá cao, khoảng trên 7%. Đó là chưa kể đến các khoản nợ tiềm ẩn khổng lồ trong các khoản phải thu và lãi dự thu.
Mời quý độc giả xem video "Ngân hàng đầu tiên mua lại nợ xấu từ VAMC". Nguồn: Truyền Hình Nhân Dân.