Ngày 30/3, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ, Thủ tướng đã nhất trí với đề xuất của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 là yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm không giới thiệu hoặc không triển khai gói bảo hiểm liên quan đến bảo hiểm đối với COVID-19.
Người Việt Nam tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ được Quỹ BHYT chi trả chi phí trị bệnh khi mắc COVID-19. Người không tham gia BHYT được ngân sách Nhà nước chi trả.
Trước đó, khi dịch COVID-19 bùng phát, nhiều công ty bảo hiểm tung ra các gói bảo hiểm dành cho người không may nhiễm viêm phổi do virus corona chủng mới (COVID-19), tuy nhiên đa số đều giới hạn thời gian.
Đơn cử Bảo hiểm Bưu điện (PTI) kết hợp với nhiều ngân hàng như Sacombank, VPBank, LienVietPostBank cung cấp sản phẩm bảo hiểm Anti-COVID cho các khách hàng.
Sản phẩm được chia thành 3 gói bảo hiểm với mức phí từ 30.000 đồng đến 300.000 đồng tương ứng với các kỳ hạn bảo hiểm linh hoạt gồm 3 tháng, 6 tháng và 1 năm. Mức quyền lợi bảo hiểm khi tử vong do COVID-19 từ 50 triệu đồng đến 150 triệu đồng, trợ cấp nằm viện điều trị COVID-19 từ 5 triệu đồng đến 15 triệu đồng.
Bảo hiểm PJICO cũng có chương trình Peaceful Life bảo hiểm toàn diện mọi rủi ro của khách hàng, bao gồm những bệnh thông thường, tai nạn và người có kết quả xét nghiệm dương tính Covid-19.
Chương trình bảo hiểm của PJICO cung cấp một số quyền lợi cho khách hàng như miễn áp dụng thời gian chờ đối với trường hợp nằm viện/tử vong do nhiễm virus Covid-19 hoặc tai nạn, áp dụng thời gian chờ 15 ngày đối với trường hợp nằm viện/tử vong do do bệnh thông thường, số tiền bảo hiểm chi trả tối đa do tử vong khi nhiễm Covid-19 là 200 triệu đồng.
Tổng công ty Bảo hiểm Sài Gòn-Hà Nội (BSH) cũng có sản phẩm Encovy (nCoV Shield) cho các đối tượng không giới hạn công dân Việt Nam mà còn cho cả người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.
Sản phẩm này không giới hạn độ tuổi tham gia, không giới hạn chi trả phí điều trị/ngày nằm viện và không giới hạn số ngày nằm viện.
Quyền lợi trợ cấp trong thời gian điều trị tại khu cách ly trong các cơ sở y tế với mức 100.000 đồng/người/ngày. Chi phí của nCoV Shield là 200.000 đồng/người/năm, có hiệu lực ngay lập tức sau khi khách hàng hoàn tất mua sản phẩm.
|
Các gói bảo hiểm COVID-19 sẽ ngừng triển khai. |
VietinBank Insurance (VBI) cũng có gói Bảo hiểm Corona Shield với thời hạn chỉ 3 tháng với mức phí 3 gói có giá trị lần lượt 33.000 đồng, 66.000 đồng và 99.000 đồng.
Khách hàng hoặc người thụ hưởng sẽ được nhận số tiền bảo hiểm trong trường hợp dương tính với COVID-19 hoặc tử vong vì dịch.
Mức trợ cấp điều trị trong bệnh viện có thể lên đến 3 triệu đồng và mức thanh toán cho trường hợp tử vong vì dịch lên đến 150 triệu đồng.
Hợp đồng đã bán sẽ ra sao?
Theo ghi nhận, sau khi có chỉ thị từ Chính phủ, hầu hết các công ty bảo hiểm phi nhân thọ đang triển khai sản phẩm bảo hiểm đã có thông báo tới khách hàng đang làm thủ tục ký kết hợp đồng là sản phẩm đã ngừng triển khai.
Đối với các hợp đồng bảo hiểm đã phát hành liên quan đến sản phẩm bảo hiểm COVID-19 nhà bảo hiểm vẫn phải tiếp tục thực hiện các hợp đồng đã ký kết, cho dù có yêu cầu dừng của Chính phủ.
Được biết, hiện tại cơ quan chủ quản của các doanh nghiệp bảo hiểm là Bộ Tài chính cũng đang họp bàn để có thông tin chính thức và hướng xử lý cụ thể về vấn đề này tới các doanh nghiệp bảo hiểm.
Vì sao dừng triển khai gói bảo hiểm liên quan đến COVID-19?
Có nhiều nguyên nhân mà chuyên gia trong ngành đưa ra cho việc Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm không giới thiệu hoặc không triển khai gói bảo hiểm liên quan đến bảo hiểm đối với COVID-19.
Thứ nhất, sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu, thị trường tái bảo hiểm quốc tế đã xác nhận tuyên bố của WHO. Như vậy, các rủi ro liên quan đến dịch COVID-19 có thể sẽ không thể thu xếp tái bảo hiểm ra nước ngoài, nếu doanh nghiệp bảo hiểm bán sản phẩm bảo hiểm COVID-19 sẽ tự chịu trách nhiệm chi trả cho tất cả khách hàng.
Trong khi dịch bệnh do COVID-19 gây ra ngày càng diễn biến khó lường, khả năng lây nhiễm tăng cao bảo hiểm sẽ khó đảm bảo nguyên tắc “số đông bù ít” và có thể ảnh hưởng tới khả năng cân đối tài chính.
Nguyên nhân quan trọng hơn là có thể xảy ra là tình trạng trục lợi để được hưởng bảo hiểm. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng chi trả của doanh nghiệp bảo hiểm, mà còn khiến dịch bệnh khó kiểm soát.
Tình trạng này đã được nhìn nhận tại một số thị trường bảo hiểm có triển khai sản phẩm này. Vì mức phí bảo hiểm quá thấp, ai cũng có thể mua được, thậm chí còn được bảo hiểm tặng…, nên việc trục lợi được nhìn nhận có khả năng xảy ra.