Mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế của năm 2019 có thể vẫn chịu ảnh hưởng từ “tàn tích” của năm cũ song theo giới phân tích, bức tranh thương mại toàn cầu nhiều khả năng sẽ sáng sủa hơn.
*Tín hiệu tích cực từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung
|
Cảng container ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN |
Bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina đầu tháng 12/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đạt được đồng thuận trong việc tạm ngừng chiến tranh thương mại và hai bên sẽ tiến hành đàm phán trong vòng 90 ngày.
Theo thỏa thuận, Mỹ cam kết không nâng mức thuế lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc từ tháng 1/2019, nhưng các mức thuế đang tồn tại cũng như những biện pháp phi thuế quan của hai bên vẫn có hiệu lực.
Mục tiêu của thỏa thuận là tạo cơ hội cho việc đàm phán giữa hai nước về các lĩnh vực như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đánh cắp bí mật thông qua mạng ảo, chuyển giao công nghệ, dịch vụ và nông nghiệp.
Theo giới phân tích, đây được xem tín hiệu tích cực, thúc đẩy các cơ hội đàm phán giữa hai nước về thương mại và đầu tư trong năm 2019.
Lý do chính dẫn tới quyết định hòa hoãn của lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc là bởi hai bên đều mong muốn tạm thời gạt bất đồng sang một bên, tránh đề cập tới những khúc mắc mang tính cơ cấu để tìm kiếm lợi ích chung.
Ngân hàng UBS lớn nhất của Thụy Sỹ và tập đoàn ngân hàng Mỹ Goldman Sachs đều cho rằng, khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tạm thời hòa hoãn, tỷ giá của đồng Nhân dân tệ (NDT) so với đồng USD trong ngắn hạn sẽ duy trì ổn định trong năm 2019.
ác chuyên gia của Goldman Sachs nhận định, bất kể Washington và Bắc Kinh có thể đạt được thỏa thuận về các vấn đề khác hay không, kết quả rõ ràng của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung là chừng nào còn tiếp tục đối thoại, tỷ giá quy đổi của đồng NDT sẽ duy trì ở mức 7 NDT đổi 1 USD.
Trong khi đó, Bộ phận nghiên cứu về kinh tế Trung Quốc của UBS chỉ rõ tỷ giá quy đổi giữa đồng USD và NDT có thể sẽ duy trì ổn định trong một thời gian dài hơn và đồng NDT có thể là một phần không thể thiếu trong các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung.
Các chuyên gia tài chính nhận định, cùng với việc các nhà lãnh đạo Mỹ-Trung đều mong muốn đạt được thỏa thuận và Trung Quốc nhanh chóng đưa ra các chính sách mục tiêu có liên quan sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nước, các cuộc đàm phán Mỹ-Trung tiếp theo rất có thể sẽ đạt được tiến triển nhất định.
* CPTPP hướng tới mở rộng mạng lưới
Ngày 30/12/2018, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), phiên bản không có Mỹ của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đã chính thức có hiệu lực.
Theo đó, những quy tắc đầu tư, thương mại, sở hữu trí tuệ, cùng với việc bãi bỏ thuế quan đã được triển khai.
Hàng hoá, dòng tiền lưu chuyển thuận lợi tại khu vực phát triển ấn tượng châu Á - Thái Bình Dương mang một ý nghĩa rất lớn đối với thương mại toàn cầu.
CPTPP - hiệp định thương mại tự do giữa 11 nước gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam - được kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, giảm đói nghèo và nâng cao chất lượng sống của người dân các quốc gia thành viên.
Hiệp định này sẽ tạo ra một trong những khối tự do thương mại lớn nhất thế giới với một thị trường khoảng 499 triệu dân và tổng GDP khoảng 10.100 tỷ USD, chiếm 13,5% GDP thế giới.
Các nhà kinh tế cho rằng, mở rộng thêm quốc gia thành viên là hướng đi không thể thiếu trong lộ trình mở rộng quy định về tiêu chuẩn của CPTPP ra toàn thế giới.
11 quốc gia thành viên CPTPP sẽ bắt đầu bàn bạc về quy chế đối với thành viên mới trong tháng 1/2019 trong bối cảnh CPTPP đang nhận được sự quan tâm lớn của nhiều quốc gia như Thái Lan, Hàn Quốc...
Nhật Bản đã dẫn dắt TPP khi Mỹ rút khỏi hiệp định này. Tokyo sẽ phải tiếp tục phát huy vai trò dẫn dắt khi các quốc gia mới đàm phán gia nhập CPTPP.
Tập trung sức mạnh xây dựng các khu vực kinh tế, củng cố hơn nữa hệ thống thương mại tự do đã trở thành vấn đề quan trọng của Nhật Bản.
Tokyo cần nhanh chóng thúc đẩy các bên đạt được thoả thuận trong đàm phán Hiệp định Đối tác Toàn diện khu vực (RCEP) có sự tham gia của Trung Quốc, Ấn Độ.
* Mỹ và EU tháo gỡ bất đồng thương mại
Quan hệ thương mại giữa Mỹ và châu Âu vẫn trở nên phức tạp hơn kể từ khi Tổng thống Trump bước vào Nhà Trắng và quyết định rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu (6/2017) cũng như Thỏa thuận hạt nhân quốc tế với Iran (5/2018).
Việc áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với những thực thể bị Mỹ coi là thiết lập quan hệ kinh tế với Teheran cũng tác động mạnh đến các công ty châu Âu hoạt động tại Iran bất chấp những nỗ lực của Brussels nhằm giảm thiểu tác động của các lệnh trừng phạt do Mỹ áp đặt.
Tháng 6/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đánh thuế nhập khẩu nhôm và thép đến từ Liên minh châu Âu (EU), Canada và Mexico.
EU đã đáp trả bằng cách đưa vụ việc lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và áp dụng các biện pháp trả đũa thông qua quyết định áp thuế lên hàng hóa của Mỹ nhập khẩu vào EU với trị giá lên tới 2,8 tỷ euro.
Tiếp đó, Tổng thống Mỹ đã đe dọa trả đũa lên các sản phẩm ô tô nhập khẩu vào Mỹ từ châu Âu.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker sau đó đã đạt được một thỏa thuận với Tổng thống Trump về việc giảm bớt căng thẳng, song không xóa bỏ được thuế quan đánh vào mặt hàng thép và nhôm cũng như các mối đe dọa đối với sản phẩm của nền công nghiệp ô tô châu Âu.
Brussels cũng cố gắng cải thiện quan hệ kinh tế với Mỹ bằng cách đề xuất cải cách WTO trong bối cảnh trước đó, ngày 30/8/2018, Tổng thống đe dọa Mỹ sẽ rút khỏi WTO nếu cơ quan này không cải cách.
Đề xuất này sẽ được các bên đưa ra đàm phán trong năm nay, làm dấy lên hy vọng về khả năng tháo gỡ bất đồng thương mại giữa Mỹ và EU./.