Phái đoàn Mỹ và Trung Quốc đang chuẩn bị cho các cuộc đàm phán thương mại sắp tới tại Bắc Kinh, trong bối cảnh những bất đồng giữa 2 nước về thuế quan và thương mại đang gây bất ổn cho các thị trường, các doanh nghiệp, các chính phủ, người tiêu dùng và các công nhân trên khắp toàn cầu.
|
Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa đạt được bước tiến cụ thể nào trong các cuộc đàm phán thương mại hiện nay. Ảnh: Star Online |
Tất cả những bất ổn này là hoàn toàn có thể dự đoán được, và nó giải thích lý do vì sao Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã không thể đạt được một thỏa thuận lâu dài khi họ gặp nhau bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G-20 ở Buenos Aires, Argentina đầu tháng 12/2018.
Quan hệ Mỹ-Trung từ trước tới nay có không ít bất đồng. Và tất cả những bước tiến mà Mỹ đạt được với đối tác Trung Quốc đều đến sau những cuộc đàm phán căng thẳng. Tất nhiên, những cuộc đàm phán đó đều diễn ra dai dẳng và được lên kế hoạch kỹ lưỡng.
Dưới đây là một số bài học trong quá khứ mà Mỹ và Trung Quốc có thể sử dụng để chuẩn bị cho các cuộc đàm phán về thương mại sắp tới:
Lên kế hoạch: Các cuộc đàm phán về bất cứ vấn đề nào cũng cần phải được chuẩn bị kỹ lưỡng. Nó đòi hỏi có sự tư vấn từ các chuyên gia trong lĩnh vực và vấn đề cụ thể, định trước một loạt các lựa chọn mà bạn muốn giải quyết, xác định những trọng tâm ưu tiên thực tế và cả những vấn đề ngoại biên. Việc lên kế hoạch kiểu như thế này đã giúp Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận trong một loạt vấn đề từ khí hậu đến thương mại, thị thực nhân chuyến thăm Trung Quốc năm 2014 của Tổng thống Mỹ khi đó Barack Obama.
Biết được điểm giới hạn của mình: Các nhà đàm phán Trung Quốc thường đi tới các cuộc thảo luận với sự chuẩn bị cực kỳ kĩ lưỡng, biết rõ mình có thể đi đến đâu và điểm nào không thể. Các đối tác Mỹ cũng tương tự như vậy. Nếu không làm được điều này, bạn sẽ thua trước khi bước qua cánh cửa.
Mỹ lâu nay đã xác định rõ những giới hạn của mình với Trung Quốc trong các vấn đề nhạy cảm như tự do hàng hải trên Biển Đông hay tự do báo chí…
Tìm đòn bẩy: Khi vấn đề gián điệp kinh tế Trung Quốc nổi lên năm 2015, Mỹ đã dọa sẽ áp đặt trừng phạt ngay trước thềm một cuộc gặp thượng đỉnh của Tổng thống Mỹ với Chủ tịch Tập Cận Bình. Dường như “sợ” phải đối mặt với những lệnh trừng phạt, khi đó Trung Quốc đã cử một đặc phái viên tới Mỹ trước thềm chuyến thăm để tìm cách đảo ngược các lệnh trừng phạt.
Tuy nhiên, những đòn bẩy có mang lại kết quả hay không, còn phụ thuộc vào việc mỗi bên sẽ sử dụng như thế nào.
Sử dụng đòn bẩy: Những cuộc đàm phán về an ninh mạng đã mang lại một thỏa thuận giữa Mỹ và Trung Quốc, và thỏa thuận đó đã thực sự giúp giảm đáng kể các cuộc tấn công mạng những năm sau đó. Chính việc sử dụng những lệnh trừng phạt như một đòn bẩy, cùng với một chuyến thăm cấp nhà nước không nhiều kết quả và các cuộc đàm phán căng thẳng đã đưa Mỹ tới thành công. Ở thời điểm hiện tại, dường như Mỹ cũng đang có những lợi thế tương tự trước Trung Quốc trong quá trình đàm phán thương mại.
Xác định chi tiết cụ thể: Đây là điểm mà các chuyên gia tại Hội đồng an ninh quốc gia và các cơ quan khác như Bộ Ngoại giao của Mỹ quan tâm nhất. Từ vấn đề nhân quyền tới xã hội dân sự, tới việc tiếp cận các thị trường và quyền sở hữu trí tuệ, các nhà đàm phán Mỹ hoàn toàn có thể khai những yếu tố này để “lợi dụng”, gây sức ép nhằm “bác bỏ” hay “trì hoãn” quá trình đàm phán hàng tháng, thậm chí hàng năm nếu bên còn lại không đưa ra có các điều khoản và thời gian thực hiện cụ thể.
Mở rộng những ranh giới: Các cuộc đàm phán nhằm khuyến khích Trung Quốc gia nhập thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu đã mất nhiều tháng các phái viên phải bay đi bay về trước khi Trung Quốc chính thức đặt mục tiêu giảm khí thải thực sự. Dù đó không phải là tất cả những gì phía Mỹ tìm kiếm, nhưng thỏa thuận của Trung Quốc là một diễn biến xuất sắc dẫn tới việc các nước khác cũng tuyên bố giảm khí thải và gia nhập thỏa thuận Paris.
Các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung hiện nay
Cách tiếp cận của Tổng thống Trump hiện nay dường như đi ngược lại những bài học này. Ông có vẻ như không lên kế hoạch kỹ lưỡng cho các cuộc đàm phán thương mại trong thời gian “đình chiến”, và cũng nhiều lần lãng phí đòn bẩy kiểu “lời cuối cùng” của mình bằng cách cố giải quyết những khủng hoảng kéo dài mà không có những bước chuẩn bị trước cần thiết, các chi tiết hay sự tư vấn của các chuyên gia.
Dù đang đình chiến để tiếp tục đàm phán, nhưng Mỹ vẫn còn nhiều câu hỏi chưa tìm được lời giải, đặc biệt là vấn đề thuế ô tô hay những điều gì sẽ xảy ra khi thời hạn 90 ngày đình chiến kết thúc vào tháng 3/2019.
Tổng thống Trump tỏ ra hài lòng với cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình những ngày gần đây. Trong một tuyên bố trên Twitter, ông Trump nói rằng, “bước tiến lớn” đã đạt được. Trong khi đó, thông điệp của ông Tập lại khiêm tốn hơn khi nói rằng cả 2 bên đang nỗ lực hết sức để đạt được sự đồng thuận và ông hy vọng hai bên “sẽ gặp nhau” trong “nửa chặng đường còn lại”.
Thế giới tài chính, các thị trường toàn cầu, và các đồng minh chính trị của Mỹ muốn có cả những bước tiến thực chất và chắc chắn. Ở Buenos Aires, Mỹ và Trung Quốc đã đặt thời hạn 90 ngày để giải quyết vấn đề thuế quan. Thế nhưng, khi đồng hồ bắt đầu đếm ngược, nếu không có kế hoạch trước khi bước vào các cuộc đàm phán thì sẽ khó có thể đạt được kết quả thực chất nào. Mỹ hoàn toàn có thể và nên làm tốt hơn thế./.