Vụ việc doanh nhân Hoàng Khải – ông chủ thương hiệu Khaisilk thừa nhận lấy hàng Trung Quốc về gắn mác hàng Việt Nam để bán cho người Việt và khách quốc tế thực sự gây một cú sốc lớn cho người tiêu dùng. Gần 30 năm qua, lợi dụng lòng tin, sự ủng hộ của khách hàng, ông chủ của Tập đoàn Khaisilk đã thu lời bất chính theo cách làm của những “gian thương”.
Đây không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà nó còn làm tổn hại đến lòng tin, lợi ích của người tiêu dùng. Quan trọng hơn nó làm tổn thương đến tình cảm, lòng tự tôn dân tộc của người Việt Nam. Do đó, lời thú tội và cúi đầu xin lỗi của ông chủ Khaisilk thật khó để người để người tiêu dùng chấp nhận và tha thứ, nhất là khi ông đã dội một thùng nước đá vào mặt người tiêu dùng một cách lạnh lùng và tàn nhẫn.
Kiến Thức xin đăng tải ý kiến của Chuyên gia thương hiệu marketting Võ Văn Quang nhận định về vụ việc này:
"Nhận thức hết sức ấu trĩ về kinh doanh của Khaisilk"
Trong vụ việc Khaisilk thừa nhận nhập hàng Trung Quốc rồi gắn mác Việt Nam, việc ông Hoàng Khải lý giải rằng ông chỉ nghĩ đơn giản là các thương hiệu nổi tiếng như Zara, H&M, Gucci… đều nhập hàng từ Trung Quốc về phân phối ở các nước khác bằng tên của họ cho thấy, đây là nhận thức hết sức ấu trĩ về kinh doanh của Khaisilk.
|
Khởi nghiệp bằng tơ lụa, đây cũng chính là ngành hàng làm nên thương hiệu Khaisilk, nhưng cũng chính lụa đang khiến tương lai kinh doanh của ông Hoàng Khải khó khăn. Ảnh: Thời đại. |
Nguyên tắc kinh doanh quốc tế hiện nay quy định, sản phẩm sản xuất ở đâu là phải ghi rõ nguồn gốc xuất xứ ở đó. Cụ thể, các nhãn hàng quốc tế như Apple, Nike, Adidas, Zara, H&M, Gucci… đặt nhà máy sản xuất tại Trung Quốc thì khi ra, sản phẩm vẫn mang thương hiệu của họ nhưng vẫn gắn mác ghi rõ nguồn gốc xuất xứ là “Made in China”.
Đằng này, đại diện của hàng Khaisilk lại nói chiếc khăn gắn cùng lúc 2 mác đó là của đơn hàng do Khaisilk đang sản xuất 350 chiếc cho khách hàng Design GO tại Hong Kong, may riêng nhãn mác "Made in China" theo yêu cầu của khách là hoàn toàn sai luật.
Mà cái sai này là sai ở cấp độ quốc tế, quốc tế mà kiện là ông cũng bị đi tù như chơi, bởi vì, ông ở sản xuất ở đâu ông phải ghi rõ xuất xứ ở đó. Kể cả nếu ông xuất đi Hong Kong, nhưng sản phẩm của ông sản xuất tại cái xưởng ở Việt Nam thì ông bắt buộc phải ghi "made in Viet Nam", còn ở Trung Quốc thì ghi "made in Trung Quốc". Đó là luật, ông phải tôn trong luật chứ không thể cố tình nhập nhèm "tiêu chuẩn Khải, chất lượng Khải và giá Khải". Do vậy, tôi cho rằng câu trả lời của ông chủ Khaisilk là hết sức ấu trĩ, không chuyên nghiệp và vô đạo đức.
“Xin lỗi, ông chỉ là con buôn” – và tôi rất xin lỗi khi nói vậy!
Thương hiệu Khaisilk là cái tên, cái danh cũng là cái uy tín của ông Hoàng Khải. Mà cái gốc uy tín này, nó có từ sản phẩm và sự minh bạch trong sản phẩm. Cho nên, việc ông Khải thừa nhận, hơn 30 năm qua nhập tới 50% lượng hàng (đã bán ra) từ Trung Quốc nhưng lại gắn mác Việt Nam chẳng khác nào “treo đầu dê, bán thịt chó”.
So với những người lao tâm khổ tứ với làng nghề như các bác, các anh, các cô, các chú ở làng nghề Vạn Phúc thì việc ông nói rằng, hàng khó khăn, ông đi lấy hàng Trung Quốc thì ông chỉ là con buôn thôi. Tôi xin phép và xin lỗi khi nói như vậy. Thương hiệu của ông không có gốc, nó không đi từ sản phẩm, nó không đi từ nguyên liệu của dân tộc, nó không có đi từ cái làng nghề của dân tộc thì nó gọi là “đoản hậu”. Tức là anh không có hậu, không có đạo đức kinh doanh.
|
Lời xin lỗi khó được chấp nhận và tha thứ của ông chủ Khaisilk. Ảnh: tintuc.vn |
Lời xin lỗi của ông Khải cũng chưa thực thành tâm. Một câu mắng, một lời phê bình nhiều khi người ta chưa thấm, người ta cứ nghĩ chủ quan rồi mọi chuyện sẽ qua và tôi vẫn là đại gia, tiền của tôi nhiều như vậy, tôi chả sợ gì dư luận đâu. Có khi ông ấy vẫn còn nghĩ như vậy đấy. Thế nhưng, ngày mai, ngày mốt, ông ấy sẽ thấy những gì ông ấy đang mất. Mất rất nhiều. Cái thứ mà ông mất không phải chỉ là tiền nữa đâu...
Khi mà ông đi ra đường, gặp bạn bè mà người ta không thèm chào, thậm chí người ta mắng xỉa xói vào mặt ông, thì đó mới là cái mất đau đớn nhất của một con người thành đạt, đã từng là biểu tượng cho giới trẻ. Tôi xin nói rõ là như vậy. Tiền có thể lấy lại được nhưng danh dự và thương hiệu thì không.
Khaisilk cần phải có một quá trình sám hối
Việc Khaisilk nói sẽ đền bù cho khách hàng, có những thứ không thể đền bù được bằng tiền và thương hiệu đích thực không thể mua bằng tiền mặt. Ví dụ, thương hiệu Khaisilk trị giá 20 triệu USD, khi xảy ra sự cố như trên, Khaisilk cho rằng sẵn sàng bỏ ra 20 triệu USD tiền túi để đền bù cho khách hàng. Điều này sai, vì nó thiếu một yếu tố thời gian là hơn 20 năm qua thì không có gì thay thế được, ông không mua được thời gian và quá khứ.
|
Quan điểm về tiền trong những triết lý về đạo đức kinh doanh của ông chủ Khaisilk. Ảnh Zing. |
“Việc ông lấy 20 triệu USD tiền túi ra để mua lại cái uy tín của ông cũng chính là thương hiệu 20 triệu USD ban đầu là điều không thể. Vì, nếu làm được như vậy thì ai cũng làm được thương hiệu rồi. Nếu cứ lấy tiền để mua thương hiệu thì nó đâu còn là thương hiệu nữa.
Đừng có nói theo câu của mấy ông trọc phú là: Cái gì không mua được bằng nhiều tiền thì mua được bằng rất nhiều tiền (?)... không phải vậy đâu vì tiền nó chỉ mua được đồ vật hay sản phẩm... chứ những giá trị cốt lõi (thương hiệu) nó đã gắn vào uy tín và danh dự thì cả đời ông cũng không thể mua lại được.
Hơn nữa, việc khách hàng của Khaisilk lấy niềm tin, uy tín, danh dự của mình ra để mang thương hiệu Khaisilk đi quảng bá, tặng bạn bè làm kỷ niệm, thì cho dù Khaisilk có dùng tiền cũng không che lấp được sự xấu hổ, lòng tự tôn và “bù đắp” lại uy tín, danh dự của họ được.
|
Khaisilk cần phải có một quá trình xám hối bằng tham số thời gian Khaisilk đã lừa dối người tiêu dùng. Ảnh: Thương gia online. |
Cái Khaisilk cần bây giờ là phải có một quá trình xám hối bằng tham số thời gian Khaisilk đã lừa dối người tiêu dùng. Ví dụ ông gian lận gần 30 năm trước thì ông phải đánh đổi bằng 30 năm sau này hoặc hơn để hối lỗi. Đây cũng là câu hỏi mà tôi đặt ra cho Khaisilk chứ không đơn giản là vấn đề tiền bạc nữa. Quy luật nhân quả nó là như vậy.
Thậm chí, ông bỏ ra bằng đấy thời gian và tiền bạc để chuộc lỗi thì chưa chắc ông đã lấy lại được niềm tin với khách hàng như ban đầu. Bởi trong thời gian ông hối cải đó đã có hàng loạt thương hiệu mới ra đời rồi. Một khi người tiêu dùng quay lưng thì người ta sẽ lựa chọn những cái sản phẩm thương hiệu khác chứ họ không có thời gian để chờ ông hối lỗi đâu.