Lọc dầu Nghi Sơn 9 tỷ USD lỗi hẹn: Vì sao?

Google News

Dự án Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đang được triển khai tại khu kinh tế Nghi Sơn, Thanh Hóa có vốn đầu tư lên đến 9 tỷ USD. Đến nay, dự án đã chậm đưa vào vận hành so với kế hoạch.

Theo báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), trong tổng số vốn đầu tư là 9 tỷ USD cho dự án, thì số vốn giải ngân đến nay là hơn 8 tỷ USD. Trong đó, vốn vay từ các ngân hàng đã giải ngân là hơn 4,2 tỷ USD; còn lại là vốn từ các bên góp vốn.

Tiến độ tổng thể dự án hiện tại đạt 96,6%, tiến độ chạy thử các phân xưởng công nghệ đạt 42,9%, chậm so với kế hoạch.

Nguyên nhân chính là do trong quá trình chạy thử phát sinh một số lỗi kỹ thuật tại các phân xưởng công nghệ và phụ trợ. Tiến độ xử lý, sửa chữa các lỗi này bị chậm hơn nhiều so với kế hoạch đề ra. Điều này dẫn đến tiến độ chạy thử có nguy cơ kéo dài từ 3-6 tháng so với kế hoạch ban đầu (quý I/2018).

Lọc dầu Nghi Sơn,PVN,Tập đoàn Dầu khí,dự án chậm tiến độ
Dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn có số vốn của nhà đầu tư Nhật chiếm đa số.

Theo kế hoạch, dự án lọc dầu 9 tỷ USD này đưa vào hoạt động trong quý IV/2017. Tuy nhiên, hiện tại các nhà thầu đang tập trung khắc phục các khiếm khuyết liên quan tới chất lượng mối hàn.

Vai trò của PVN ở dự án này không chỉ dừng lại ở số vốn góp chiếm 25,1%. Theo thỏa thuận giữa Chính phủ - do PVN thay mặt ký với liên doanh nhà đầu tư, dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn không chỉ được áp giá bán buôn các sản phẩm của mình tại cổng nhà máy bằng với giá xăng dầu nhập khẩu mà còn được cộng vào giá bán thêm thuế nhập khẩu 7% với các sản phẩm xăng dầu, 3% đối với các sản phẩm hóa dầu (polypropylen, benzen...).

Đặc biệt, theo thỏa thuận với liên danh nhà đầu tư lọc dầu Nghi Sơn, trong 10 năm, nếu Nhà nước Việt Nam giảm thuế nhập khẩu xuống thấp hơn mức ưu đãi kể trên, PVN sẽ có trách nhiệm phải bù cho lọc dầu Nghi Sơn số tiền chênh lệch này. Đây chính là mấu chốt cho các tính toán thiệt hơn ngày càng lộ rõ.

Trên thực tế, theo lộ trình hội nhập, thuế nhập khẩu dầu từ ASEAN hiện nay (0%) đã thấp hơn giá trị ưu đãi cho lọc dầu Nghi Sơn. Vì thế, nếu lọc dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động, trong vòng 10 năm, PVN sẽ phải bỏ ra hàng tỷ USD để bù lỗ cho nhà máy này.

Cụ thể, theo một tính toán gần đây, với giá dầu 45 USD/thùng, dự kiến PVN sẽ phải bù lỗ cho lọc dầu Nghi Sơn 1,54 tỷ USD. Số tiền bù lỗ sẽ lên 1,8 tỷ USD nếu giá dầu 50 USD/thùng. Còn ở phương án giá dầu 70 USD/thùng, PVN dự kiến sẽ phải chi ra 2 tỷ USD để bù lỗ cho lọc dầu Nghi Sơn.

Tóm lại, trong 10 năm kể từ khi lọc dầu Nghi Sơn vận hành, PVN có thể sẽ phải bỏ ra 1,5-2 tỷ USD (từ 30.000 tỷ-trên 40.000 tỷ đồng) để bù lỗ cho dự án này.

Ngày 13/11/2017, PVN và Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn đã ký kết Hợp đồng dịch vụ. Theo hợp đồng, Công ty lọc hóa dầu Nghi Sơn chi trả một phần chi phí bao tiêu, phần còn lại là hai bên thống nhất sẽ xử lý tiếp trong Hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

“Hiện Chi nhánh bao tiêu sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn đang triển khai các công việc có liên quan để thực hiện hợp đồng bao tiêu sản phẩm ngay khi nhà máy có sản phẩm xuất bán ra thị trường”, PVN cho hay.

Theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, việc chậm trễ trong vận hành nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn còn gây khó khăn cho PVN - đơn vị bao tiêu sản phẩm - trong công tác lập, chuẩn bị kế hoạch nhập khẩu và ảnh hưởng đến việc kinh doanh xăng dầu.

Theo Lương Bằng / Vietnamnet

>> xem thêm

Bình luận(0)