Lợi dụng lỗ hổng trong huy động vốn
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (Công ty Tân Hoàng Minh) là cái tên khá quen thuộc trên thị trường bất động sản Việt Nam, đứng sau là ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch HĐQT.
Do ảnh hưởng của Covid-19, Tân Hoàng Minh lâm cảnh khó khăn về tài chính, có dư nợ tín dụng hơn 18.500 tỷ đồng. Đến tháng 1/2022, dư nợ của Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã tăng lên gần 20.000 tỷ đồng, chưa kể các khoản nợ đến từ 8 gói trái phiếu đã phát hành năm 2021. Để có tiền thanh toán nợ, Đỗ Anh Dũng chỉ đạo cấp dưới tại Tân Hoàng Minh triển khai phát hành các gói trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nhằm huy động vốn.
|
Ông Đỗ Anh Dũng tại tòa |
Theo Cơ quan điều tra, mục đích của Tân Hoàng Minh là "huy động và chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư thứ cấp", trong đó chủ yếu là người dân - những nhà đầu tư không chuyên. Với các thủ đoạn trên, Tân Hoàng Minh đã huy động được gần 14.000 tỷ đồng thông qua việc phát hành, mua bán 9 gói trái phiếu trái pháp luật.
Cơ quan điều tra xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỷ đồng. Trong đó tập đoàn này đã sử dụng hơn 5.100 tỷ đồng tiền của người mua trái phiếu sau để trả cho nhà đầu tư đến hạn trước.
Gần đây nhất, cuối tháng 3/2024, ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy) -Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn giáo dục Egroup bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Quyết định được đưa ra sau khi Bộ Công an xác minh, giải quyết đơn của nhiều nhà đầu tư tố cáo ông Thủy lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức chuyển nhượng cổ phần của Egroup.
Theo đó, từ đầu năm 2020, biết tin Shark Thủy có nhu cầu huy động vốn đầu tư cho Egroup với mức lãi suất hấp dẫn từ 19 - 20%/năm, nhiều người đã không ngần ngại "xuống" tiền.
Đến năm 2023, Shark Thủy bị nhiều người tố cáo lừa đảo chiếm đoạt hàng ngàn tỷ đồng thông qua các loại hợp đồng dưới hình thức tiền gửi. Nhiều phụ huynh cho con theo học tại hệ thống các trung tâm Anh ngữ Apax Leader của ông Thủy cũng phản ánh được yêu cầu đóng tiền học trước, tuy nhiên sau một thời gian, các trung tâm đột ngột đóng cửa hoặc chuyển sang giảng dạy online.
|
“Shark” Thủy trong buổi đối thoại trực tiếp với phụ huynh TP.HCM xung quanh vụ Apax Leaders hồi tháng 3/2024
|
Cuối năm 2023 - đầu năm 2024 cũng ghi nhận trường hợp 2 doanh nghiệp “có tên tuổi” lợi dụng huy động vốn để chiếm đoạt tài sản, là Công ty Cổ phần đầu tư thương mại bất động sản Nhật Nam và Công ty Cổ phần Sen Tài Thu.
Cụ thể, lãnh đạo của Công ty Sen Tài Thu đã "đưa ra thông tin gian dối" về lợi nhuận của công ty, nêu mức lãi suất 12%/năm để mời chào. Các nhà đầu tư đồng ý xuống tiền sẽ ký hợp đồng mua cổ phần, chuyển nhượng cổ phần, còn công ty cam kết mua lại cổ phần. Công an cho rằng với việc sử dụng danh tiếng thương hiệu Sen Tài Thu, số tiền chiếm đoạt đã lên đến hơn 1.000 tỷ đồng.
Với Công ty Nhật Nam, quá trình điều tra xác định, trong thời gian từ 2020 - 2022, bằng hình thức huy động vốn vào các dự án bất động sản, Công ty Nhật Nam cam kết trả lãi 34 - 46% để người dân tin tưởng nộp tiền dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh. Lấy tiền của người sau trả lãi cho người trước, Công ty Nhật Nam tổng thu khoảng 8.900 tỷ đồng của 20.000 cá nhân thông qua hơn 45.000 hợp đồng kinh doanh, trong đó, có trường hợp một cá nhân ký nhiều hợp đồng.
|
Bất động sản Nhật Nam của bà Vũ Thị Thúy lợi dụng huy động vốn để lừa đảo chiếm đoạt tài sản |
Chuyên gia nói gì?
Theo Luật sư Nguyễn Tuấn Long (Hội Luật gia Hồ Chí Minh), việc các chủ đầu tư lách luật huy động vốn khi chưa đủ điều kiện pháp lý có nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân trực tiếp đầu tiên là pháp luật hiện hành chưa hoàn thiện, đồng bộ để đảm bảo ngăn chặn triệt đề các hành vi lách luật huy động vốn. Ngoài ra, trình độ hiểu biết, tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân kinh doanh chưa cao, nhiều chủ đầu tư bất chấp lách luật chạy theo lợi nhuận... Đáng chú ý, thông tin về thị trường bất động sản chưa thông suốt; công tác thanh tra, kiểm tra, phổ biến tuân thủ pháp luật trong kinh doanh chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường và các nhà đầu tư. Người dân bị thiếu thông tin, thiếu kiến thức đầu tư rất dễ "sập bẫy" huy động vốn...
Nhận định về các vụ án trên, TS. Đỗ Thị Thu Hà - Phó trưởng bộ môn Kinh doanh Ngân hàng, Khoa Ngân hàng, Học Viện Ngân Hàng cho hay, các vụ “lừa đảo” gọi vốn cộng đồng thời gian qua có một số đặc điểm chung như sau:
Thứ Nhất, các công ty này thường đưa ra những thông tin sai lệch, thiếu minh bạch về các dự án đầu tư, dự án bất động sản hoặc sử dụng các báo cáo tài chính không chính xác… để thu hút các nhà đầu tư quan tâm và kêu gọi đầu tư.
Thứ Hai, các đối tượng thường lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin, đánh vào lòng tham của nhiều người, đưa ra mức lãi suất cao, cam kết lợi nhuận hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư.
Thứ Ba, các đối tượng thường nhiều chiêu thức, thủ đoạn tinh vi đánh bóng tên tuổi, thổi phồng giá trị để thu hút nhà đầu tư.
Do vậy, theo TS. Đỗ Thị Thu Hà, để tránh rủi ro khi góp vốn, nhà đầu tư cần lưu ý:
Trước khi đầu tư, nhà đầu tư phải tìm hiểu rõ thông tin về bên huy động vốn bao gồm: tình hình tài chính, năng lực quản lý, uy tín của công ty, các giấy tờ pháp lý như giấy phép thành lập và hoạt động, ngành nghề kinh doanh,... Đặc biệt cần hiểu rõ mục đích huy động vốn, cách thức vận hành vốn huy động để tạo ra nguồn thu; phương án sử dụng vốn phải có tính khả thi và hiệu quả.
Đáng chú ý, người dân phải tuyệt đối tránh việc ham lãi suất cao, không chạy theo những lợi ích trước mắt mà bỏ qua các yếu tố rủi ro khác. Cảnh giác trước những công ty đưa lãi suất cao. Lợi nhuận càng cao càng cần đánh giá kỹ mức độ rủi ro và thận trọng hơn khi đầu tư.
Trước khi đâu tư nên nhờ các chuyên gia kiểm tra pháp lý, đánh giá những rủi ro trước khi"rót vốn". Sự đề cao cảnh giác, tìm hiểu kỹ càng trước những lời mời gọi đầy cám dỗ sẽ là biện pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ cho các nhà đầu tư.