Như Kiến Thức đã phản ánh về tình trạng hàng loạt công trình “mọc” trên đất nông nghiệp ở phường Phú Đô: nhiều cá nhân, tổ chức ngang nhiên xây dựng, cải tạo công trình nhà ở, nhà xưởng, kho chứa, gara ô tô trên đất nông nghiệp tại khu vực đường Sa Đôi (phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) nhưng không được cơ quan chức năng sở tại xử lý triệt để, gây bức xúc.
|
Những công trình đua nhau "mọc" trên khu đất nông nghiệp ở phường Phú Đô. |
Trao đổi với PV Kiến Thức về góc độ pháp lý của sự việc trên, luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: Khoản 1 Điều 170 Luật Đất đai năm 2013 quy định về nghĩa vụ chung của người sử dụng đất: “Sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không, bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất và tuân theo các quy định khác của pháp luật có liên quan”.
Trường hợp xây dựng nhà cửa, công trình kiên cố, khu công nghiệp trên đất nông nghiệp là trái với quy định pháp luật. Về nguyên tắc các loại đất nông nghiệp thì sẽ không được xây dựng nhà ở, công trình kiên cố.
Luật sư Tùng tiếp tục viện dẫn: Theo quy định tại Điều 11, nghị định Số: 91/2019/NĐ-CP quy định: Điều 11. Sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, không phải là đất rừng phòng hộ, không phải là đất rừng đặc dụng, không phải là đất rừng sản xuất vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định tại các điểm b và d khoản 1 Điều 57 của Luật đất đai.
1. Chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang đất nuôi trồng thủy sản nước mặn, đất làm muối, đất nuôi trồng thủy sản dưới hình thức ao, hồ, đầm thì hình thức và mức xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,5 héc ta; b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta; c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 01 héc ta đến dưới 03 héc ta;
d) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 03 héc ta trở lên.
|
Một công trình mới "mọc" trên khu vực đất nông nghiệp ở khu vực Sa Đôi, Phú Đô đang chuẩn bị lợp mái tôn. |
Không những xử phạt vi phạm hành chính, những hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả là: a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với các trường hợp quy định tại khoản 1, 2 và khoản 3 Điều này, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này; b) Buộc đăng ký đất đai theo quy định đối với trường hợp có đủ điều kiện được công nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 22 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP; c) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm trong các trường hợp quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này; số lợi bất hợp pháp được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 7 của Nghị định này.
|
Hầu hết, những nhà xưởng "mọc" trên khu đất nông nghiệp đang phản ánh đều sử dụng nhà xưởng, kho chứa, gara ô tô,.. để thu lời. |
Bên cạnh đó, luật sư Hoàng Tùng cho biết thêm: Căn cứ Điều 208 Luật đất đai 2013 quy định về trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai như sau:
"Điều 208. Trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm."
|
Trụ sở UBND phường Phú Đô. |
Hơn nữa, theo Chỉ thị số 04/CT-UBND ban hành ngày 14/1/2014 của UBND TP.Hà Nội về việc tăng cường quản lý nhà nước đối với đất nông nghiệp và đất công, UBND các quận, huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về quản lý quỹ đất nông nghiệp trên địa bàn về các trường hợp vi phạm mà không bị xử lý theo quy định của pháp luật. Chủ tịch UBND các phường, xã, thị trấn phải cương quyết xử lý các trường hợp vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp (đặc biệt là các trường hợp tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép) theo đúng thẩm quyền…
Như vậy, nội dung Chỉ thị cũng nêu rõ, địa phương nào để xảy ra vi phạm mà không xử lý thì Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, quyết định tạm dừng công tác điều hành của Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn để chỉ đạo xử lý cho đến khi vi phạm được xử.
Luật sư Hoàng Tùng cho rằng, việc để xảy ra tình trạng loạt công trình, nhà xưởng “mọc” trên đất nông nghiệp ở phường Phú Đô nêu trên không thể không nhắc đến trách nhiệm quản lý của các cấp chính quyền địa phương, các cán bộ được giao nhiệm vụ quản lý đất đai, trật tự đô thị. Điều này thể hiện sự quản lý lỏng lẻo, thờ ơ của chính quyền sở tại?
“Những công trình phản ánh vi phạm tại phường Phú Đô, các cơ quan chức năng cần vào cuộc thanh tra, kiểm tra và xử lý nhanh chóng. Điều này gắn liền với trách nhiệm quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”, - luật sư Hoàng Tùng nhấn mạnh, và kiến nghị: “Ngoài việc cần phải xử lý nhanh chóng các hành vi vi phạm thì tại phía các cơ quan cần phải có các biện pháp quản lý, thắt chặt và đôn đúc nhiệm vụ của các cán bộ, công chức…”.
Kiến Thức tiếp tục thông tin.